Từ cầm tay chỉ việc…
Các nghề truyền thống hầu như đều có một bí quyết gia truyền nên việc truyền nghề thường chỉ được thực hiện trong nội bộ các gia đình, dòng họ nên đã có không ít nghề đứng trước nguy cơ thất truyền.
|
Thợ làng nghề Đồng Minh (Vĩnh Bảo) đã được học nghề bài bản. |
Hiện nay, việc dạy nghề ở các làng nghề đã mở rộng và thoáng hơn, nhưng vẫn ở mức độ hạn chế. “Với những nghề có bí quyết đặc biệt vẫn không có lớp học nghề, mà nếu gọi là lớp học cũng chỉ theo hình thức truyền nghề đơn lẻ, kèm cặp, tức là một thầy, một trò hay một thầy với hai, ba trò là nhiều”- nghệ nhân Tô Xuân Hiến - Chủ nhiệm HTX Thủ công mỹ nghệ Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo) cho biết. Việc truyền nghề này có ưu điểm là chỉ dẫn, chỉ bảo trực tiếp bằng thực tế, tốn ít kinh phí, dễ dạy, dễ học nhưng lại không thể chuẩn xác, thiếu sự đóng góp của tập thể.
Ngay cả khi các nghệ nhân có ý thức mở lớp học để giữ nghề thì cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức lớp học, huy động người dân tới lớp nên hiệu quả đào tạo chưa cao. Ông Tô Xuân Hiến nói: “Từ trước đến nay, mọi người trong làng nghề đều học nghề như vậy. Mình biết gì thì truyền lại cho con cháu, chứ chúng tôi không thể chia thành từng tiết, từng môn học như các trường nghề được. Mà mỗi nghệ nhân truyền nghề theo một kiểu, không ai giống ai”.
… đến tiếp cận kiến thức bài bản
Từ khi đề án dạy nghề nông dân được triển khai rộng rãi, người dân ở các làng nghề rất mừng. Ông Tô Xuân Hiến bảo: “Có đề án này làng nghề mới có sức sống hồi sinh trở lại, bởi lớp học được tổ chức bài bản, có giáo trình, giáo viên, người dân được học nghề từ kỹ năng tới tổ chức sản xuất. Và quan trọng nhất là được hỗ trợ về tài chính”.
Bản thân nghệ nhân Tô Xuân Hiến dù tuổi đã cao, nhưng vẫn trực tiếp tổ chức và tham gia dạy nghề ở 3 lớp dạy nghề dệt chiếu ở 3 xã Đồng Minh, Hòa Bình, Cộng Hiền cho gần 100 người dân. Giờ thu nhập của mỗi người đạt khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy thu nhập đó chưa cao, nhưng cũng phần nào giúp bà con có việc làm ổn định ngoài việc đồng ruộng để cải thiện cuộc sống.
Muốn khôi phục làng nghề thì chúng ta phải quan tâm đến các nghệ nhân, bởi họ chính là nhân tố quan trọng trong việc lưu giữ và bảo tồn nghề truyền thống.
Ông Bùi Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt NamNgoài nghề dệt chiếu, ông Hiến cũng đề xuất mở lớp dạy nghề cho làng nghề mỹ nghệ Đồng Minh và đề nghị huy động nghệ nhân ở chính làng nghề cùng tham gia giảng dạy.
Trong một hội thảo dạy nghề cho lao động nông thôn gần đây, ông Đặng Văn Tâng- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hải Phòng nhấn mạnh, đào tạo lại nghề cho chính người dân làng nghề để vực dậy, phát triển ngành nghề địa phương là ưu tiên hàng đầu. Sở đã phối hợp với rất nhiều làng nghề như đúc Mỹ Đồng (Thủy Nguyên), dệt chiếu Lật Dương (Tiên Lãng), tạc tượng Đồng Minh (Vĩnh Bảo) để mở các lớp học. Những làng nghề này đang trong giai đoạn phát triển rất bấp bênh, nhưng sau liên kết dạy nghề cho bà con thì có sức sống trở lại.
Ông Tâng cho biết: “Những lớp học này giúp bà con thay đổi phương thức truyền nghề, cụ thể là chú trọng xây dựng giáo trình dạy nghề bài bản và học cách tiếp cận thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm các làng nghề”. Đó chính là cách tiếp cận để có lớp thợ mới giỏi nghề, yêu nghề và có kỹ năng phát triển sản xuất.
Bùi Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.