“Tiếp lửa” cho thanh niên làng nghề

Thứ bảy, ngày 02/11/2013 17:53 PM (GMT+7)
“Thanh niên hiện không muốn làm nghề thủ công nữa, chúng tôi phải tạo môi trường để họ giao lưu, học hỏi, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm làng nghề của mình để vực nghề dậy”.
Bình luận 0
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội.Hoạt động mới nhất của trung tâm là tổ chức.Hội thi “Bàn tay vàng thanh niên làng nghề truyền thống” ngày 26.10, tại huyện Chương Mỹ. Hội thi thu hút hơn 1.000 lao động làng nghề tham gia.

Kết nối thanh niên cùng làm giàu

Có mặt từ rất sớm để chuẩn bị trưng bày và trình diễn kỹ thuật nghề nón lá, chị Phan Thị Đắc, xã Phú Châu (Ba Vì) chia sẻ: “Sinh ra trong làng nghề nên ngay từ khi 10 tuổi tôi đã học làm nón rồi. Thời ấy, nghề làm nón là nghề chính của chị em phụ nữ trong làng, giờ số chị em làm nón ít lắm. Đến đây tôi chủ yếu trình diễn kỹ thuật làm nón lá từ giai đoạn làm phôi đến khi thành một sản phẩm hoàn thiện”.

Các thí sinh tham gia dự thi nghề mây tre đan.
Các thí sinh tham gia dự thi nghề mây tre đan.

Chị Đắc phân tích: Để làm một sản phẩm nón hoàn chỉnh, làm liên tục cả ngày mới chỉ được 2 – 3 cái, giá bán hiện nay 60.000 – 80.000 đồng/cái, giá mua nguyên liệu khoảng 30.000 đồng/nón. Như vậy, một sản phẩm sẽ thu về được 35.000 – 50.000 đồng, chị em chăm chỉ mới thu được 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nón ngày càng có chiều hướng giảm bởi thanh niên giờ ít đội nón. “Hội thi mang lại cho chúng tôi nhiều cái lợi: Lợi thứ nhất là được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các bạn nghề. Lợi thứ hai là được giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp trẻ tiêu thụ sản phẩm”- chị Đắc nói.

Tạo nguồn lực để phát triển

Bên cạnh những thanh niên trẻ mong muốn gắn bó với nghề và thành công từ làm nghề truyền thống, hiện có một thực trạng đáng lo ngại ở các làng nghề ngoại thành Hà Nội là nhiều thanh niên có tư tưởng thoát ly để tìm kiếm công việc khác. Ông Nguyễn Văn Trung – Nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Phú Xuyên, Hà Nội) tỏ ra lo lắng vì lớp trẻ tìm đến các khu công nghiệp, thành phố lớn khiến làng nghề đang rơi vào cảnh thiếu thợ, nhất là thợ có kỹ thuật.

Hội thi đã trao 12 giải thưởng cho 4 đội tham gia dự thi. Trong đó, 2 giải nhất thuộc về huyện Chương Mỹ với nghề mây tre đan và huyện Thường Tín với nghề thêu tay truyền thống.

Như ở làng nghề Phú Vinh- là cái nôi của nghề mây tre đan truyền thống nhưng hiện chỉ còn người già, trẻ em làm nghề. Ông nói: “Nghề thủ công nếu chỉ làm gia công sản phẩm thì thu nhập rất thấp, không thu hút được thanh niên”. Theo ông Vinh, Nhà nước nên có các chính sách khuyến khích như: Đào tạo nghề thủ công miễn phí; hỗ trợ vốn để đầu tư thiết bị, máy móc làm nghề...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết: “Hiện các làng nghề vẫn còn vướng phải những khó khăn như thiếu lao động trẻ; quy hoạch làng nghề chưa đồng bộ; thị trường không ổn định. Để thu hút sự tham gia của lao động trẻ, chúng tôi đang hướng dẫn thanh niên làng nghề lập dự án vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội”.

Ngô Xuân (Ngô Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem