Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao
Theo niên giám nông nghiệp, Ba Huân là công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp hóa sản phẩm chăn nuôi. Cụ thể, công ty hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn nhờ sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong chăn nuôi gà tại trang trại lên tới 18 ha, tổng đàn 1 triệu con; tại nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Tân Uyên - Bình Dương; nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2 ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại huyện Bình Chánh - TP.HCM; nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, tổng công suất 30 tấn/ngày tại Đức Hòa - Long An đều áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, bảo quản từ công nghệ của Tập đoàn Moba - Hà Lan.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Việt (NTNN) rằng lý do nào khiến Ba Huân chọn công nghệ của Moba - Hà Lan, bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty Ba Huân nói: Công nghệ của Tập đoàn Moba (Hà Lan) với hệ thống xử lý trứng tự động hóa hoàn toàn 100%, giảm nhân công đáng kể. Đặc biệt, hệ thống này giúp diệt khuẩn đạt 99,9% tất cả các loại vi khuẩn có hại cho thực phẩm. Ngoài ra, công nghệ này còn quét lớp dầu bảo vệ để ngừa, chống vi khuẩn xâm nhập vào trứng. Tính tới thời điểm này, Ba Huân đã nhập 2 hệ thống công nghệ đồng bộ của Moba với công suất 125.000 quả/giờ và 65.000 quả trứng/ giờ.
“Trong bối cảnh cần phải tiết kiệm chi phí tới mức tối ưu, ngay từ đầu, Ba Huân đã xác định cần phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý để đưa mức tiêu thụ điện năng xuống tối thiểu. Đấy cũng là lý do mà Ba Huân chọn lựa công nghệ của Moba (Hà Lan) dù giá thành công nghệ này cao hơn hẳn dây chuyền của nhiều nước khác” – Bà Phạm Thị Huân cho hay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương trong lần thăm dây chuyền sản xuất công nghệ cao tiết kiệm năng lượng của Công ty Ba Huân. Ảnh: Ngọc Thọ
Vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo quan sát của phóng viên, biện pháp cụ thể mà Ba Huân áp dụng tại các trang trại chăn nuôi công nghệ cao là: Ba Huân lắp máng, chảo chụp ở các đèn còn thiếu để tăng độ phản chiếu ánh sáng và điều chỉnh lắp đèn ở độ cao thích hợp để có độ phản chiếu ánh sáng cao. Đặc biệt theo sự tư vấn của đơn vị kiểm toán năng lượng và ngành Điện, Ba Huân thực hiện mỗi đèn một công tắc đóng, mở. Ngoài ra, Ba Huân thực hiện 2 chế độ ánh sáng trong phòng gồm ánh sáng đi lại sinh hoạt và ánh sáng làm việc. Nhiều người thấy lạ khi Ba Huân sử dụng 2 chế độ ánh sáng, ông Phạm Thanh Hùng – Phó Giám đốc Công ty Ba Huân giải thích sâu hơn về “mẹo” tiết kiệm điện này: Ba Huân dùng rất ít đèn ống neon treo trên tường vừa đủ ánh sáng đi lại cho sinh hoạt và dùng đèn bàn compact cho mỗi bàn làm việc của cán bộ (chỉ bật khi làm việc). Riêng hệ thống chuồng trại, Ba Huân thiết kế hệ thống tắt/mở tự động theo lịch trình.
Tại trang trại chăn nuôi quy mô tới 18ha tại Tân Uyên – Bình Dương, mỗi tháng tính ra Ba Huân tiết kiệm được 5% sản lượng điện năng tiêu thụ, tương ứng với 25 triệu đồng/tháng. Tính ra cả năm, trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Ba Huân tại Tân Uyên đã tiết kiệm được 300 triệu đồng - một con số không nhỏ trong bối cảnh hiện nay” – ông Phạm Thanh Hùng – Phó Giám đốc Công ty Ba Huân thông tin.
Tận dụng ánh sáng tự nhiên, kết hợp với dây chuyền công nghệ cao của Moba (Hà Lan), mỗi năm Ba Huân tiết kiệm trên nửa tỷ đồng tiền điện. Ảnh: Ngọc Thọ
Ông Hùng cũng hồ hởi cho biết, tại nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Bình Dương, Ba Huân đã áp dụng biện pháp là lắp biến tần cho các động cơ, máy hút và máy nén khí là những phụ tải tiêu tốn nhiều điện năng nhất.
“Ba Huân bố trí người tắt công tắc điện máy nén khí khoảng 20 phút trước khi kết thúc làm việc, thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ hệ thống hơi để tránh rò rỉ hơi, gây thất thoát điện năng. Một phương pháp nữa là kỹ sư vận hành chỉ được phép khởi động máy trước khi bắt đầu sản xuất 5 phút. Từ lâu, chúng tôi đã quy định hạn chế vận hành các máy, thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn của nhà máy vào giờ cao điểm để giảm áp lực cung ứng điện năng cho Nhà nước, ngành Điện” - ông Hùng cho hay.
Trước khi chia tay phóng viên, ông Hùng nói: “Tháng 5 năm sau (2016), Ba Huân sẽ khởi công nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao với tên gọi Ba Huân miền Bắc với quy mô 2 ha, vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng. Dự kiến nhà máy có công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Công ty vẫn trung thành với công nghệ cao của hãng Moba (Hà Lan) bởi qua thực tế, dây chuyền công nghệ cao của Moba giúp tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, tại nhà máy đầu tiên ở miền Bắc này, chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống đèn led tiết kiệm điện lắp đặt trong nhà máy cũng như xung quanh khuôn viên nhà máy. Như vậy, số tiền tiết kiệm điện của Ba Huân tại các cơ sở trên toàn quốc không chỉ dừng lại ở con số nửa tỷ đồng đâu, nhà báo ạ!”.
“Sử dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến và bảo quản đầu tiên là giúp Công ty tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, công nghệ cao còn giúp đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, chăn nuôi theo quy trình VietGap, tất cả các nhà máy của chúng tôi đã đạt ISO và chuẩn HACCP. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng và cải tiến liên tục. Vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi nói không với công nghệ lạc hậu, nói không với chất cấm trong chăn nuôi” - ông Phạm Thanh Hùng – Phó Giám đốc Công ty Ba Huân.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.