Một lãnh đạo của thành phố đã tự tin: Với 1,2 triệu người đang thuê chỗ ở trong khoảng 67.000 nhà trọ hiện nay thì mỗi người "không bị tăng giá 50.000đồng", mỗi tháng đã "kiềm chế tăng giá" được 500 tỷ đồng.
Những bản cam kết có được thực hiện hay không thì có lẽ chỉ người dân mới biết, bởi bản chất của những cuộc vận động chỉ đơn thuần là khuyến khích và không có chế tài.
Giá mà những cam kết đó không chỉ được đảm bảo bằng mỗi "lương tâm", hay gọi cách khác là "trách nhiệm công dân". Giá mà những phong trào này trong thực tế có thể thực sự kiềm chế tăng giá.
Hội nghị của TP.HCM được tổ chức ngay sau khi Cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 đã tăng 3,16% so với tháng trước (Hà Nội là 3,28%). Nếu muốn hiểu được mức độ tăng giá phi mã, cần phải đưa ra chỉ số, trong tương quan so sánh với cùng kỳ năm 2010, theo đó CPI TP.HCM đã tăng 13,99% và Hà Nội là 17,51%. Toàn những con số không đẹp, toàn là những con số phá mốc kể từ sau khi lạm phát lên đến cực độ hồi đầu năm 2008.
Trong rổ hàng CPI, ngoài nhóm giao thông, điện, nước, chất đốt đương nhiên tăng vọt do tác động của giá điện, xăng được điều chỉnh, thì nhóm lương thực, thực phẩm, đã tăng đột biến, cao hơn rất nhiều mức tăng CPI chung: Tại TP.HCM là 4,56% và Hà Nội là 5,06%. Không mất mùa, không thiên tai, không xuất khẩu đột xuất, không thu gom bất thường, nhưng việc giá lương thực, thực phẩm lên quá cao chứng tỏ là giá xăng và điện khi được "điều chỉnh" đã không buông tha bất cứ mặt hàng nào.
Một chính sách kiềm chế lạm phát được đảm bảo bằng những điều hành hành chính còn không kiềm chế được đà tăng giá thì liệu một phong trào có thể làm biến đổi hành vi của người dân, có thể kiềm chế tăng giá?
Hà Nội cũng có vẻ say sưa với những con số hiệu quả của chính sách bình ổn hàng thiết yếu. Không rõ bao nhiêu phần trăm dân chúng thủ đô mua được "giá bình ổn" đối với 9 mặt hàng thiết yếu. Không rõ việc tung hàng trăm tỷ đã kéo được bao nhiêu phần trăm CPI, chỉ biết CPI Hà Nội tăng còn hơn TP.HCM và thủ đô tiếp tục dành ngân sách hơn 474 tỷ cho chính sách bình ổn giá.
Những phong trào kiểu như "3 tiết kiệm, 3 tương trợ" là cần thiết về mặt tuyên truyền, nhưng điều thiết thực phải là những con số thực tế, chứ không phải những con số tính toán trên sổ sách. Và sẽ rất thiết thực nếu trong tháng 5, tháng bắt đầu mùa khô này, TP.HCM sẽ đăng ký cắt giảm nhu cầu điện 100 triệu kWh bởi theo tính toán, các phong trào của họ đã tiết kiệm 10% sản lượng điện.
Anh Đào
Vui lòng nhập nội dung bình luận.