Tiết lộ trung tâm thử nghiệm y khoa tuyệt mật của Liên Xô cũ

Thanh Phong (theo APA, ANTG) Thứ sáu, ngày 07/08/2020 20:30 PM (GMT+7)
Hệ thống phòng thí nghiệm y khoa nằm ở ngoại vi thành phố Moskva là một trong những trung tâm nghiên cứu tuyệt mật của Liên Xô suốt một thời gian dài. Nó nằm sâu trong một cánh rừng và lực lượng bảo vệ được phép bắn hạ bất cứ kẻ nào xâm nhập!
Bình luận 0

Một buổi sáng tháng 2/1954 lạnh giá, nhóm phóng viên, đã được rà soát nhân thân, cẩn thận vượt qua bức tường trung tâm và họ vô cùng kinh ngạc trước những gì diễn ra nơi đây. Sau khi cánh cửa phòng thí nghiệm từ từ mở ra, nhân vật đầu tiên xuất hiện là chuyên gia phẫu thuật Vladimir Demikhov cùng với một con vật quái dị:

Người ta đã ghép đầu và thân trên của một con chó con vào thân của một con chó lớn để tạo ra con thú hai đầu to lớn kỳ dị này! Nhóm khách tham quan vừa kinh hoàng vừa thích thú chứng kiến cảnh cả hai cái mồm con thú tranh nhau liếm bát sữa mà các trợ lý của bác sĩ Demikhov đưa đến.

Tiết lộ trung tâm thử nghiệm y khoa tuyệt mật của Liên Xô cũ - Ảnh 1.

Ca ghép đầu 2 con chó quái dị.

Trông giống như quái thú mơ ước của nhân vật bác sĩ Frankenstein trong truyện của nữ tác giả Mary Shelley. Nhưng, con chó kỳ quặc thật sự là một thắng lợi khoa học. Theo tài liệu được tiết lộ trên tạp chí National Geographic, con chó hai đầu này là bước đầu tiên trong cuộc chạy đua của các nhà khoa học trong thời chiến tranh lạnh nhằm tạo ra "những cái dường như không thể" - tức là, bước đầu tiên để tiến tới việc... ghép đầu người!

Trong lĩnh vực nghiên cứu này, Vladimir Demikhov của Liên Xô - cùng với bác sĩ Robert White của Mỹ có lẽ là hai nhà khoa học cạnh tranh nhau quyết liệt nhất.

Con chó lai ghép này chỉ sống được 6 ngày - nhưng khoảng thời gian "sống" đó đủ để khiến cho nước Mỹ lo lắng. Không lâu sau đó, Mỹ bắt đầu khởi động chương trình cấy ghép đầy tham vọng dưới sự lãnh đạo của Robert White, nhà phẫu thuật não lừng danh đã từng tích cực phục vụ quân đội trong suốt Thế chiến II.

Trong thời gian phục vụ ở Nam Thái Bình Dương, Robert White nhìn thấy nhiều người bị liệt từ cổ trở xuống nên ông quyết định làm cái gì đó để giúp họ có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Sau thành quả con chó hai đầu của Demikhov, Chính phủ Mỹ quyết định giúp đỡ bác sĩ Robert White thành lập Trung tâm Nghiên cứu não bộ tại bệnh viện ở Cleveland, Ohio. White thực hiện nhiều ca phẫu thuật nghiên cứu tổn thương não ở người, song động vật mới thật sự là tâm điểm của ông.

Năm 1964, Robert White thực hiện một thí nghiệm quan trọng: lấy não - chứ không phải đầu - của một con chó rồi sau đó khâu nó dính vào lớp da cổ của một con chó khác. Với hệ thống mạch máu não chó gắn kết với mạch máu của con chó thứ hai, bác sĩ White giữ cho bộ não tách biệt sống được nhiều ngày.

Qua thí nghiệm này, White không chỉ chứng minh não bộ có thể sống được khi bị tách rời khỏi thân thể mà - không giống như thận - nó còn có khả năng được cấy ghép mà không bị "cơ thể" mới loại bỏ! Đây quả là bước đột phá vĩ đại, nhưng nó đã đặt ra nhiều vấn đề.

Não bộ đó có thể được mô tả là "có ý thức" hay không? Robert White không thể trả lời cho câu hỏi này và dường như ông đã đi vào ngõ cụt. Nhưng, đến năm 1966 White nhận được sự giúp đỡ từ phía không trông đợi nhất: Liên Xô. Giới khoa học Xôviết đã có lời mời ông viếng thăm các phòng thí nghiệm cũng như phòng phẫu thuật của họ.

Trong chuyến đi quý giá và bất ngờ nhất này, Robert White học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm của Liên Xô, trong đó có cái đầu con chó được giữ "sống" nhờ vào cỗ máy hỗ trợ sự sống đặc biệt (chứ không phải gắn nó vào thân con chó khác). Sự kiện đáng quan tâm nhất là cái đầu tách biệt này vẫn tiếp tục biểu lộ những dấu hiệu của ý thức - đôi mắt nhấp nháy trước ánh sáng mạnh và đôi tai vểnh lên khi người ta dùng búa gõ nhẹ lên mặt hộp nhốt nó!

Sự kiện này kích thích trí tưởng tượng của White đẩy thí nghiệm chó hai đầu nguyên thủy của Demikhov tiến xa hơn nữa: không chỉ dừng lại ở chỗ ghép đầu con thú này vào thân con thú khác, mà còn là thay thế hoàn toàn đầu của con vật bằng đầu con vật khác! Ý tưởng đầy tham vọng này đòi hỏi White phải mất 3 năm để lên kế hoạch.

Cuối cùng, vào buổi chiều ngày 14/3/1970, Robert White đã thực hiện được ca ghép đầu thật sự đầu tiên trên thế giới với sự sử dụng 2 con khỉ rhesus. Sau khi cắt đầu 2 con khỉ, ca phẫu thuật ghép đầu con khỉ này vào thân con khỉ kia đã diễn tiến thành công.

Robert White và êkíp khoa học phải đối mặt với sự chờ đợi căng thẳng và cuối cùng con khỉ "lai ghép" đã có ý thức: nó bắt đầu mở mắt, cố cắn ngón tay của một bác sĩ  đút vào miệng nó! Sau đó, con vật sáng tạo của êkíp Robert White chuyển động các cơ mặt, mắt, thậm chí uống một ống pipette.

Mặc dù đã đạt thành công, song White biết thành quả vẫn còn giới hạn lớn. Bởi vì, tủy sống đã bị cắt đứt trong quá trình phẫu thuật, nên con khỉ "lai ghép" bị liệt từ cổ trở xuống. Trong khi đó, êkíp phẫu thuật không thể nối lại hàng trăm triệu mạch thần kinh cần thiết để phục hồi bất kỳ chuyển động nào của thân thể.

Tuy nhiên, White nhấn mạnh, nghiên cứu của ông có thể giúp ích nhiều cho những bệnh nhân bại liệt từ cổ trở xuống - những người này sẽ đối mặt với cái chết xảy ra bất cứ lúc nào bởi vì phần đầu sẽ suy yếu dần do nhiều biến chứng y khoa kéo dài kèm theo tình trạng liệt nặng mở rộng.

Khi White công bố kết quả thí nghiệm ghép đầu khỉ rhesus của mình ra thế giới, ông đã gặp nhiều sự chống đối và lên án dữ dội. Mặc dù vậy, Robert White vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó phẫu thuật ghép đầu cho người sẽ thành hiện thực.

Cho đến ngày hôm nay, tức 35 năm sau thí nghiệm ghép đầu khỉ đầu tiên của White, dường như khoa học đã chứng minh được là ông đúng. Ví dụ, trong năm 2006, các nhà nghiên cứu ở University College của Anh đã thông báo kế hoạch tiêm tế bào gốc lấy từ mũi người vào tủy sống của bệnh nhân liệt.

Tự thân các tế bào này có thể tái sinh, thích nghi với nhiều mục đích khác nhau bên trong cơ thể và người ta hy vọng chúng sẽ tạo ra một "cầu nối" giữa các đầu dây thần kinh cột sống bị cắt đứt cho phép bệnh nhân liệt phục hồi được toàn bộ sự kiểm soát cơ thể mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem