Tiết lộ về cô gái ám sát hụt tướng Hoàng Xuân Lãm năm 1969

PV (tổng hợp) Thứ tư, ngày 27/01/2021 08:31 AM (GMT+7)
… Khi bà Tiết mang vũ khí trong chiếc xách tay qua cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), để đi gặp Lãm thì bị lộ. Tướng Lãm đích thân đến gặp bà gầm lên: Vì sao muốn giết tui? Bà ung dung bảo...
Bình luận 0

Kỷ niệm về những tấm ảnh đã phai màu

Loanh quanh hỏi thăm những người dân ở khu phố mới bên bờ Đông sông Hàn, thuộc phường An Hải Tây, TP Đà Nẵng, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà bà Tiết. Cô gái một thời được đám tướng tá quân đội Sài Gòn ca tụng là "Ngôi sao quận III", "Hoa khôi hạng nhất" bây giờ đã là một bà lão, tóc trắng hoa cau, đi đứng cũng phải có người dìu đỡ.

Cô cháu gái Trần Thị Lê gọi bà Tiết bằng dì ruột, cho biết, chừng hơn chục năm trở lại đây căn bệnh đau thần kinh của bà Tiết ngày một nặng hơn nên việc đi lại, nói năng cũng rất khó khăn. Song, bà Tiết vẫn nhớ như in về những kỷ niệm của một thời son trẻ hoạt động cách mạng như một chiến sĩ tình báo ngay bên cạnh viên tướng ngụy Hoàng Xuân Lãm.

Tiết lộ về cô gái ám sát hụt tướng Hoàng Xuân Lãm năm 1969 - Ảnh 1.

Bà Tiết hồi còn trẻ.

Chỉ cần lướt qua những tấm ảnh của bà Tiết chụp hồi còn con gái được phóng to treo trên bức tường của phòng khách, tôi đã hiểu được vì sao một tướng ngụy khét tiếng chống Cộng như Lãm lại bị bà Tiết "hớp hồn". Nhưng, đó chưa phải là những tấm ảnh mà bà Tiết quý nhất.

Bà bảo chị Lê mở tủ mang ra cho tôi xem hai tấm ảnh trắng, đen đã phai màu được bà cất giữ như báu vật. Một tấm chụp ngôi nhà hai tầng bề thế và tấm kia là ảnh bà Tiết sau ngày giải phóng Đà Nẵng, ngồi bên số súng đạn được đưa lên từ cái hầm bí mật ngay dưới lòng đất của ngôi nhà.

Bà Tiết chậm rãi kể rằng, trong ảnh là ngôi nhà cũ của bà, nó đã bị dỡ bỏ để phục vụ cho việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị Đà Nẵng. Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ khốc liệt 1965 - 1968, ngôi nhà từng là nơi chôn giấu vũ khí của bộ đội và du kích. Đặc biệt, trong cuộc tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cơ quan chỉ đạo tiền phương của Quận ủy quận III, trực thuộc Đặc khu Quảng Đà cũng đặt tại đây...

Bà Tiết nhớ lại: Hôm ấy là 25 tết, có lẽ đánh hơi thấy có thể bị bộ đội ta tấn công, bọn địch bố ráp dồn dân An Hải về ngã năm trên đường Ngô Quyền để thanh lọc. Nhiều đồng chí lãnh đạo Quận ủy quận III xuống Nại Nghĩa đào thêm hầm bí mật để giấu quân và một số du kích cải trang hoạt động hợp pháp cũng bị địch gom về...

Khi được biết chỉ huy cuộc bố ráp là Trung úy cảnh sát Đặc khu Đà Nẵng Hồ Xuân Nén, bà Tiết trang điểm đôi chút, mặc áo dài, vai mang túi xách nhỏ vờ đi dạo phố. Biết bà quen với vợ tướng Lãm, từ xa Nén đã đon đả chào, rồi giới thiệu bà với Nguyễn Văn Dinh là Trưởng phòng Cảnh sát Đà Nẵng, cùng tham gia chỉ huy bố ráp với y. Thế là, bà mời chúng và bọn lính đang canh gác ở ngã năm vào quán nước bên đường đãi một chầu bia đến say túy lúy. Lợi dụng bọn địch đang lo chúc tụng bia bọt lấy lòng người đẹp, các cán bộ và du kích của ta liền thoát khỏi vòng vây.

Đến 29 Tết, Quận ủy quận III cho đặt một khẩu cối 82 ly trên sân thượng tầng hai nhà bà, nhằm bắn khống chế trung tâm Sơn Trà, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, đánh vào trụ sở và chi khu của bọn địch ở bờ Đông sông Hàn...

Nhưng rồi do bị lộ, lực lượng đặc công, biệt động thành có lệnh rút về căn cứ lõm K20 ở Bắc Mỹ An. Tuy nhiên, bọn địch cũng đã đón các ngả đường nên mọi người phải nằm lại hầm bí mật tại nhà bà Tiết, trong đó có đồng chí Năm Thông, Bí thư Quận ủy quận III. Hầm hết chỗ, 14 cán bộ, chiến sĩ đặc công lên ở luôn trên sân thượng, chỉ phủ bạt lại để che mắt máy bay địch nhòm ngó. Bà Tiết cùng các con lo tiếp tế cơm nước, sau đó tìm cách đưa các anh về căn cứ an toàn...

Hiên ngang trước tòa án quân thù

Vừa xinh đẹp, lại hát hay, năm mới lên mười bà Tiết đã vào đội văn nghệ Việt Minh ca hát, diễn kịch tuyên truyền phong trào chống Pháp. Kháng chiến chống Mỹ, bà Tiết là cơ sở cách mạng trung kiên trong lòng đô thị Đà Nẵng.

Sau khi Hoàng Xuân Lãm lên giữ chức Tư lệnh Vùng I chiến thuật, biết được vợ Lãm đam mê đi chùa và buôn lậu nên Tỉnh ủy Quảng Đà đã chỉ đạo các cơ sở cách mạng, biệt động thành tìm mọi cách tiếp xúc để hùn hạp buôn bán "mượn đường" vận chuyển lương thực, thuốc men ra vùng căn cứ của ta ở Đại Lộc, Điện Bàn.

Tiết lộ về cô gái ám sát hụt tướng Hoàng Xuân Lãm năm 1969 - Ảnh 2.

Tướng Ngụy Hoàng Xuân Lãm.

Bà Tiết được quận ủy quận III chỉ đạo tiếp cận vợ Lãm thu thập thông tin về những cuộc hành quân càn quét, lùng sục cơ sở cách mạng dưới sự chỉ huy của tướng Lãm để có phương án đối phó. Bà cười hóm hỉnh: "Tui tiếp cận và quen vợ Lãm trong một lần đi chùa. Vợ Lãm đưa tui về nhà, thấy tui Lãm cũng thích lắm. Từ đó, tui như người thân của vợ chồng Lãm. Thỉnh thoảng, họ dùng xe Jeep chở tui đi đây, đi đó. Bọn lính, cảnh sát thấy tui là dập chân chào kiểu nhà binh...".

Đến cuối năm 1969, bà Tiết được đồng chí Trần Văn Đán, (sau đó là nguyên Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh QN-ĐN) lúc bấy giờ là Phó Bí thư quận ủy quận I Đà Nẵng, kiêm chính trị viên Quận đội quận I, giao nhiệm vụ ám sát Hoàng Xuân Lãm.

Điều khó tin được là khi vào Thanh Quýt (Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam) gặp đồng chí Đán, bà Tiết đã đi nhờ xe ô tô do chính Chủ tịch Quốc dân đảng Đà Nẵng là Trần Đăng Sơn cầm lái. Được chở người đẹp đi chơi, Sơn mừng hí hửng. Đâu ngờ, bà Tiết đi nhận mệnh lệnh và vũ khí để ám sát tướng Lãm.

"Ông Đán giao cho tui một khẩu súng ngắn với hai băng 13 viên đạn. Thật đáng tiếc là vụ ám sát bất thành...". Bà Tiết lắc đầu tiếc rẻ. Hỏi ra mới biết, kế hoạch ám sát tướng Lãm được bà Tiết thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên.

Song, khi bà mang vũ khí trong chiếc xách tay qua cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), để đi gặp Lãm thì bị lộ. Tướng Lãm đích thân đến gặp bà gầm lên: Vì sao muốn giết tui? Bà ung dung bảo: "Quê hương tui bị bom cày đạn xới, người chết đầy đồng cũng do ông chỉ huy bọn lính càn quét, đánh phá. Tui giết ông để trả thù cho đồng bào tui, cho quê hương tui...", Tướng Lãm tái mặt nghẹn lời.

Sau đó, bọn địch đưa bà ra Toà xử tuyên án 15 năm tù. Trước đông đảo bọn giặc, Lãm gặp bà hất hàm: "Chừng ấy cũng đủ cho cô rục xương trong tù rồi! Ai biểu đi làm Cộng sản". Bà Tiết điềm nhiên trả lời: "Mạng sống tui giờ đang ở trong tay ông thì kêu bao nhiêu năm tù không được. Nhưng, biết đâu mai mốt tui về cũng có. Ông cứ ráng sống mà xem!...". Mà bà đã về thật.

Bọn giặc đưa bà đi khắp các nhà giam Thanh Bình, Gia Long, Kho đạn... dùng đủ thứ cực hình tra tấn, song bà vẫn một mực không khai ra cơ sở cách mạng. Mãi đến ngày giải phóng Đà Nẵng, 29/3/1975, bà được một chiến sĩ Biệt động thành Đà Nẵng vào cõng ra khỏi nhà giam Kho Đạn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem