Các tư liệu lịch sử của nước Pháp đã ghi nhận rất nhiều vụ đắm tàu dọc theo bờ biển của Việt Nam thời thuộc địa. Hầu hết các vụ việc này đều không được chú ý vì hiếm khi có người Pháp gặp nạn, và đây là chuyện thường xảy ra ở vùng biển nhiều bão tố của Việt Nam.
Nhưng thảm họa của tàu con hơi nước mang tên “Hải Phòng” năm 1924 lại là một ngoại lệ đặc biệt vì mức độ thảm khốc của nó.
Tàu “Hải Phòng” được đóng vào năm 1885 ở xưởng La Ciotat với chiều dài 89 mét dài, tốc độ di chuyển đạt 15 hải lý (28 km một giờ). Sau 38 năm chuyên chở hành khách và hàng hóa ở Đông Dương, nó đã trở nên xuống cấp và được đưa vào danh sách loại bỏ.
Tuy vậy, sự thiếu hụt của tàu thuyền tại Đông Dương thời điểm này đã khiến con tàu cũ kỹ lọt vào mắt xanh của một công ty Trung Quốc có tên Bay A. Con tàu được công ty này mua lại với ý định tiếp tục khai thác.
Nhưng người chủ tàu đã gặp phải trở ngại khi con tàu hai lần bị văn phòng kiểm định tại địa phương từ chối cấp phép hoạt động. Cuối cùng, nó cũng được cấp phép từ một văn phòng khác.
Với thủy thủ đoàn chủ yếu là người Hoa, con tàu rời Sài Gòn 27/11/1904 và khó nhọc cập bến Qui Nhơn sau 6 ngày hành trình, thay vì 2 ngày như những con tàu khác. Tình trạng của nó thật sự tồi tệ, bánh lái bị méo, nhiều cánh quạt trong buồng máy bị mất, hàng hóa sắp xếp tràn lan, xăng dầu rò rỉ tỏa ra mùi vô cùng khó chịu đối với hành khách. Một sự thật khủng khiếp là 170 tấn xăng dầu đã được chứa trong chiếc bồn bị thủng và chắp vá bằng xi măng.
Không nhận được bất cứ một sự sửa chữa nào, con tàu tiếp tục khởi hành đến Đà Nẵng ngày hôm sau. Và đó là thông tin cuối cùng mà người ta biết được về nó.
Trên con tàu “Hải Phòng” hoàn toàn không có các thiết bị thông tin liên lạc và cứu hộ. Nó đã mất tích trên quãng đường từ Quy Nhơn về Đà Nẵng.
Con tàu đã bị nhấn chìm bởi một cơn bão? Hay xăng dầu rò rỉ đã bốc cháy và thiêu rụi nó? Nguyên nhân của vụ tai nạn đến bây giờ vẫn là ẩn số. Nhưng hậu quả của nó thì vô cùng khủng khiếp: 140 người đã chết, gồm 128 người Việt và Hoa, 12 người Pháp. Không có một ai trên con tàu được xác nhận là còn sống sót.
Thảm họa này đã làm chấn động dư luận Pháp và Đông Dương, dẫn đến việc Bộ trưởng Bộ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương bị bắt hai tháng sau đó. Vụ việc cũng buộc chính quyền Pháp phải đặt ra các quy định gắt gao trong việc kiểm định và cấp phép cho những con tàu chở khách để tránh những thảm họa tương tự xảy ra trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.