Vua Lê tịch thu tài sản tham ô của công thần

Thứ ba, ngày 17/01/2023 14:33 PM (GMT+7)
Thời Lê sơ, trong việc sắp xếp quan lại, nhà nước đã tiến hành nhiều cách thức như tịch thu tài sản tham ô, quy định độ tuổi nghỉ hưu... để phòng chống tham nhũng.
Bình luận 0

Trong chính sách quan chế của nhà Lê sơ, để ngăn ngừa những tệ nạn của đội ngũ công quyền nảy sinh do không kiểm soát được, nhà nước đã sắp xếp các cơ quan, tổ chức theo hướng giám sát, ràng buộc trách nhiệm. Hoạt động Lục bộ có sự kiểm tra, giám sát và đàn hặc của Lục khoa. Việc xét duyệt sổ sách, giấy tờ quân nhu của phủ Đô đốc thì các quan kinh lịch, thủ lĩnh tra xét, đàn hặc. Hoạt động đúng, sai của quan lại và cả vua có tai mắt từ Ngự sử đài.

Vua Lê tịch thu tài sản tham ô của công thần - Ảnh 1.

Tranh tiến sĩ vinh quy. Ảnh: Sách Kỹ thuật của người An Nam.

Mỗi một tổ chức, cơ quan phân định rõ chức phận, nhiệm vụ khác nhau, tránh tình trạng chồng chéo. Trong sắc dụ Hiệu định quan chế năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông nêu rõ: "Ở trong, quân vệ nhiều thời ngũ phủ chia ra cai quản. Công việc phiền tạp thì sáu Bộ nắm coi. Cấm binh Thủ vệ ba Ty, phòng bị lòng bụng bọn nanh vuốt. Sáu Khoa xét hạch trăm quan, sáu Tự thừa hành mọi việc. Ty Thông chính sứ để tuyên đức trên, rõ tình dưới...".

Mỗi một chức vụ cụ thể, nhà nước cũng ban hành những điển chế quy định chức năng của người nắm giữ để làm đúng trọng trách được giao, ngăn tình trạng lạm quyền, hoặc mơ hồ không rõ nhiệm vụ. Trong một số trường hợp, xét thấy viên quan đó có đức độ, năng lực tốt, triều đình còn thực hiện việc cho họ đồng thời kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Vũ Duệ (1468 - 1522) thời vua Lê Chiêu Tông từng làm Thượng thư bộ Lại kiêm Đại học sĩ giảng dạy ở tòa Kinh diên; hay Bùi Xương Trạch (1451 - 1529) vừa làm Thượng thư bộ Binh giữ việc lục bộ, lại kiêm chức Đô ngự sử… là một số minh chứng.

Đầu thời Lê sơ, các công thần khai quốc có quyền cao, chức trọng, nhiều người lạm quyền, Đại Tư đồ Lê Sát lấn quyền vua Lê Thái Tông, Tư mã Lê Ngân ham quyền lực đến nỗi dựa vào trò mê tín để mong được vua tin dùng hơn… Để giảm dần vai trò của họ, các vua đầu thời Lê sơ như Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông đã giết công thần như Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Ngân.

Đến thời Lê Thánh Tông, vua thực hiện biện pháp răn đe, trách phạt công thần phạm tội như Nguyễn Xí tham ô bị tịch thu bạc, Lê Lăng âm mưu làm loạn bị giết… Để dứt hẳn nạn công thần lộng quyền, khi hiệu định quan chế, vua Lê Thánh Tông đã thực hiện cải cách quan chế theo hướng chuyên chế trung ương tập quyền. Trong đó, vua có quyền hành tối thượng.

Đối với đội ngũ quan lại trấn trị ở các địa phương, trong Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp cho biết: "Đã có lệ cấm quan lại không được trị nhậm ở hạt nhà cho quyến thuộc khỏi ỷ thế làm càn, cấm quan lại không được lấy vợ tại nơi trị nhậm hoặc tậu ruộng đất, nhà cửa ở nơi trị nhậm để tránh sư hà hiếp dân mà mua rẻ".

Năm Đinh Tỵ (1497), Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vua Lê Hiến Tông định lệnh "nếu có người nào có quê quán ở ngay bản phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở gần nha môn mình làm việc, thì Lại bộ điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay". Đây là biện pháp ngăn ngừa thân thích của quan viên cậy thế để ức hiếp, nhũng lạm dân lành.

Luật pháp, điển chế nhà Lê sơ cũng cấm quan viên không được lấy vợ ở nơi trị nhậm để tránh tình trạng thân thích bên vợ nhờ oai quyền mà làm tội dân. Năm Bính Ngọ (1486) đã có lệnh "Cấm quan nhậm chức ở các tỉnh ngoài lấy con gái thuộc bản hạt". Phạm lệnh cấm sẽ chịu mức phạt đánh 70 trượng, biếm 3 tư và bãi chức. Trong Quốc triều hình luật, Điều 33 thuộc Chương Hộ hôn đã thể chế hóa lệnh cấm năm Bính Ngọ.

Để hạn chế quan lại già cả, hết khả năng làm việc nhưng vẫn giữ chức vị làm hao tổn bổng lộc nhà nước, tạo điều kiện cho những người có tài, có đức được cơ hội tiến thân, nhà nước đã quy định tuổi nghỉ hưu của quan lại. Đây là một quy định tiến bộ từ thời Lê sơ mới bắt đầu thực hiện.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi, năm Nhâm Ngọ (1462), vua Lê Thánh Tông định lệ trí sĩ cho các quan văn võ: "Các quan văn quan võ, người nào 65 tuổi muốn xin trí sĩ; những giám sinh, nho sinh, sinh đồ được bổ sung làm lại điển ở các nha môn, nay đã quá 60 tuổi về hưu dưỡng, đều phải do bộ Lại tâu bày rõ ràng đầy đủ".

Với những quy chế sắp xếp quan lại mang tính chặt chẽ, đặc biệt là ở thời vua Lê Thánh Tông, đã có tác dụng to lớn đối với cả chính quyền trung ương và đội ngũ quan lại mới: "Tầng lớp quan lại mới đã tìm được chỗ đứng của họ qua chế độ cải cách nền hành chính do nhà vua tiến hành năm 1671, chủ trương đó không làm giảm đi mà còn tăng thêm quyền lực của ngai vàng cho nhà vua".

Nhà nước đã chọn lựa được nhiều quan lại thực tài, đức độ, xứng đáng với vị trí, chức vụ của họ. Đời sau vẫn còn ca ngợi nhiều vị quan trung lương, tài giỏi như Đào Công Soạn, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Trực, Lương Thế Vinh… Nhiều quan lại tiêu biểu cho sự thanh khiết như Vũ Tụ, Bùi Xương Trạch, Ngô Tuấn Kiệt…

Dù vậy, chính sách sắp xếp quan lại của nhà Lê sơ có hoàn bị đến bao nhiêu vẫn không thải loại hết được những quan lại phẩm chất kém như Trần Phong, Nguyễn Như Đổ; hoặc những quan lại thoái hóa, biến chất như Lê Quảng Độ.

PV (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem