Tiêu chết trắng, người trồng bỏ nhà trốn nợ

Lê Kiến Thứ hai, ngày 27/02/2017 13:30 PM (GMT+7)
Hai huyện Chư Sê, Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được mệnh danh là “thủ phủ hồ tiêu” của Tây Nguyên, nơi có nhiều tỷ phú nông dân nhất cả nước. Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu đổi khác khi thời gian gần đây, nhiều diện tích tiêu bị chết trắng, khiến nhiều người lâm nợ nần, phải bỏ nhà tha hương làm ăn...
Bình luận 0

Tan tác thủ phủ tiêu

Tin nhiều người trồng tiêu ở Chư Sê và Chư Pưh lâm nguy, nợ nần chồng chất khiến tôi giật mình. Còn nhớ, cuối niên vụ 2015-2016 giá tiêu vẫn ở mức cao chót vót, hơn 200.000 đồng/kg, chưa kể bà con đã có nhiều năm tích lũy từ cây tiêu, vậy sao lại có chuyện khó tin này? Để tìm hiểu thực hư, tôi đã đến các xã Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ của huyện Chư Pưh và những gì tận mắt thấy khiến tôi bàng hoàng. Sau những ngôi biệt thự đủ màu sắc là những vườn hồ tiêu đã héo khô, trơ cọc dưới cái nắng như quạt lửa mùa khô…

img

Hồ tiêu chết hàng loạt khiến nhiều nông dân lâm nợ. L.K

Ông Lưu Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: “UBND huyện đã làm việc với các ngân hàng đề xuất cho người dân trồng tiêu được dãn nợ, vay mới để vượt qua giai đoạn khó khăn, tuy nhiên việc khoanh nợ thuộc thẩm quyền cấp bộ, Chính phủ chứ ngân hàng không quyết được. Hiện tổng dư nợ trong dân trên địa bàn huyện đã lên tới 1.200 tỷ đồng”.

Ngồi trong nhà nhìn ra vườn tiêu chỉ còn lác đác vài trụ, bà Nguyễn Thị Vân (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) nghẹn lời kể: “Nhà tui ở Nghệ An, vì làm ăn khó quá nên mới dắt nhau vào đây lập nghiệp. Hồi đầu thấy đất đai màu mỡ, làm cái chi cũng có tiền nên ham lắm. Đặc biệt là từ khi trồng được cây hồ tiêu thì kinh tế gia đình thay đổi hẳn, có của ăn của để. Nhà tui có 4.000 trụ tiêu, mỗi năm thu hoạch 4-5 tấn, hàng năm có vài trăm triệu bỏ túi nhẹ nhàng. Năm vừa rồi tôi vay ngân hàng 300 triệu đồng, rồi vay thêm bên ngoài 200 triệu nữa để xây căn nhà gần 2 tỷ đồng. Cứ tưởng mọi chuyện xuôi chèo mát mái, nào ngờ nhà vừa xây xong thì hồ tiêu đồng loạt rụng khớp, trụi lá, cả vườn chỉ còn vài cây. Nhìn cảnh tiêu chết mình cũng muốn bệnh theo”.

Bây giờ, để có tiền trả lãi ngân hàng và trang trải chi phí cho gia đình hàng ngày, bà Vân đành phải… nhổ trụ tiêu đã trồng lâu nay mang đi bán. “Mình mua vào giá trên 200.000 đồng/trụ, nay nhổ đi bán chừng 100.000 đồng/trụ thôi, thế mà tìm người mua cũng khó. Giờ dân ở đây có tiền thì lo cho nồi cơm trước đã, ai còn sức đâu mà mua trồng mới” – bà Vân than thở.

Theo ông Nguyễn Duy Trung – Trưởng thôn Thủy Phú (xã Ia Blứ), chuyện tiêu chết hàng loạt là tình trạng chung của nhiều vườn tiêu trong khu vực. Theo thống kê sơ bộ, đã có đến 80% vườn hồ tiêu bị chết. Còn theo ông Nguyễn Long Khánh – Phó Trưởng phòng NNPTNT Chư Pưh, qua thống kê, toàn huyện Chư Pưh có 2.800ha hồ tiêu thì đã có 300ha tiêu chết.

 Tương tự, huyện Chư Sê có khoảng 3.750ha hồ tiêu thì năm 2016 đã có 350ha bị chết, giảm 25% sản lượng… Theo ngành nông nghiệp các địa phương, tiêu chết do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do hạn hán, nấm bệnh và một phần do bà con dùng phải thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả. Không ít vườn tiêu đang tươi tốt, bón phân xong thì dần rụng đốt rồi chết.

Bỏ nhà đi trốn nợ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết: Cách đây 3-4 năm, xã Ia Blứ là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện, tỉnh. Nay tiêu chết hàng loạt, kéo từ năm trước sang năm sau nên gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều hộ dựa vào hồ tiêu vay vốn để xây nhà, giờ vỡ nợ; thậm chí có người phải bán nhà, bán đất, bỏ đi làm ăn xa. Trước đây, chính quyền đã có khuyến cáo người dân tính toán kỹ khi trồng tiêu ồ ạt, nhưng người dân vẫn cố trồng bằng mọi giá.

Ông Khương Văn Tỵ - Trưởng thôn Thiên An thở dài ngao ngán: “Nếu năm 2010-2013, người dân xây nhà ào ào thì nay có đến 2/3 số hộ có hồ tiêu lâm vào cảnh điêu đứng. Tiêu chết khiến nhiều hộ không có thu nhập, lâm vào cảnh túng quẫn, treo bảng bán đất cũng không ai mua, dù so với trước đây giá đất đã hạ xuống gần một nửa. Một số hộ nợ nần nhiều, không có khả năng trả nợ ngân hàng thì bỏ nhà trốn… Vào mùa này, thanh niên ở đây đa phần vào TP. HCM làm thuê chứ ở nhà không có việc gì làm. Ngay cả 2 đứa con tôi cũng phải đi làm ăn xa bởi nhà tôi có 1.000 trụ tiêu, song nay chỉ còn đất trắng vì tiêu đã chết cả”.

Ông Tỵ còn cho biết, những hộ không có khả năng trả nợ, bỏ đi khỏi địa phương đều “cắt đứt liên lạc”. Như tại xã Ia Blứ, hộ anh N.N.K (thôn Thiên An) bỏ đi từ nhiều tháng nay, hộ anh M.T.S (thôn Thủy Phú) vay 350 triệu đồng để xây nhà, xong xuôi thì 2.000 trụ tiêu chết khiến vợ chồng phải kéo vào TP.HCM làm ăn… “Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều hộ dân là chủ nhà nhưng không phải người giữ chìa khóa nữa, mà là ngân hàng. Riêng thôn tôi đã có trên 80% số hộ vay vốn ngân hàng. Một khi ngân hàng làm căng, bắt trả đúng kỳ hạn cả gốc lẫn lãi vào tháng 3 này thì nhiều người sẽ mất nhà. Mong nhất của bà con bây giờ là được ngân hàng cho dãn hoặc khoanh nợ” – ông Tỵ nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem