Tiểu thương bỏ chợ ra… đứng đường

Thứ sáu, ngày 02/05/2014 08:59 AM (GMT+7)
Đi chợ bây giờ không phải chen lấn, xô đẩy mà lối đi vào chợ lại rộng thênh thang, hàng sạp vắng hoe. Có những khu chợ tiểu thương treo biển sang, bán sạp hàng loạt…
Bình luận 0
Các chợ vỉa hè cũng đang lấy khách của nhà lồng chợ. Ảnh: Lê Quang Nhật
Các chợ vỉa hè cũng đang lấy khách của nhà lồng chợ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Gần 9 giờ sáng, khu vực bố trí các dãy sạp bán thịt và thuỷ hải sản nằm ở cuối chợ nhà lồng Thủ Đức chỉ còn lác đác bóng dáng vài người khách. Không ai bảo ai, tiểu thương ở các sạp bắt đầu thu dọn đồ đạc. Từng tảng thịt được gói ghém vào các làn. Con dao, cái thớt được móc sẵn trên chiếc xe đẩy. Ở phía đối diện, các chị, các mợ bán cá cũng nhanh tay bê những cục đá lạnh to tướng ném bịch bịch vào thùng xốp. Sau đó là con cá, con tôm được xếp hàng xếp lớp vào để giữ lạnh. Họ cần mẫn, lầm lũi thu dọn hàng hoá giữa thời điểm lẽ ra là phải bận rộn nhất trong ngày.

Đóng hai lần phí để… đứng đường!

Hỏi một bà tiểu thương bán thịt heo tên Hoa tại sao lại dọn hàng về sớm như vậy, bà liền khoát tay: “Chú nhìn cả chợ xem đếm được mấy người khách. Dọn đi là dọn ra ngoài đường đứng bán đó chú!”

Dọc các con hẻm bên hông chợ Thủ Đức, một không khí xô bồ của không gian chợ chồm hỗm. Cũng như các tiểu thương khác, sau khi dọn hàng ở trong chợ, bà Hoa thuê một khoảng vỉa hè rộng chừng 2m2, đặt lọt thỏm chiếc bàn inox rồi kê thêm chiếc ghế ngồi bán thịt. Mấy chị bán cá, bán tôm thì trải một tấm bạt, lấy mấy viên gạch chặn xung quanh để làm chỗ đựng hàng. Để có được một thẻo mặt bằng tiếp tục bán hàng sau khi chợ hết khách, tiểu thương phải trả cho chủ nhà có mặt tiền 50.000 đồng. Như vậy là họ phải đóng hai lần tiền thuê mặt bằng mới có thể bán hết lượng hàng lấy trong ngày.

Trên địa bàn thành phố có tới 238 chợ truyền thống như chợ Thủ Đức. Tuy không thể “lội” hết được các chợ, nhưng hầu hết những nơi mà người viết đi đến, đều bắt gặp cảnh tiểu thương phải ra đứng đường nhằm đối phó với tình cảnh chợ ế ẩm, vắng khách. Bà Thuỷ, tiểu thương chợ Tân Định (quận 1), gắn bó với nghề bán thịt heo 20 năm, chưa bao giờ lại nghĩ có ngày phải ra đứng đường bán thịt. Trước đây cũng có dịp chợ ế ẩm, tiểu thương như bà Thủy thường nghĩ do quầy thịt chưa được sạch sẽ, nên họ bỏ tiền đầu tư bàn inox, dao, thớt chặt thịt cũng tươm tất hơn, thịt được treo móc chứ không để trên nền gạch. Tốn cả đống tiền đầu tư xong rồi nhưng lượng khách vào mua vẫn vắng. Vì vậy, cũng như tiểu thương ở chợ Thủ Đức, nhiều tiểu thương ở chợ khác cũng phải hùa nhau đổ ra đường.

“Trước đây mỗi ngày tui lấy một con heo cả trăm ký mà bán cũng gọn trong buổi sáng. Bây giờ nhập vào có 20kg thịt, mối lái cũng như vầy nhưng còn dư đến một nửa nên phải ra đường đứng bán cho hết”, bà Thuỷ tâm sự.

Chợ quá nhiều nhược điểm?


Chợ truyền thống bây giờ không còn “độc quyền” cung cấp hàng hoá nữa, trong khi phong cách phục vụ vẫn giữ “nguyên bản” trước đây nên mất dần vai trò cũng là xu hướng tất yếu.

Trên các diễn đàn mạng, mỗi khi có một topic bàn về chủ đề chợ truyền thống, thì ngay lập tức có vô số comment phàn nàn. Nào là vô chợ truyền thống mua sắm vừa bị tiểu thương nói thách, khi mở miệng trả giá thì lập tức bị chửi. Cân 1kg thì còn 800g... Hay, “không thích đi chợ nữa vì phải chen lấn, kẹt xe, dơ dáy, người bán hàng không văn minh, lịch sự; nguồn gốc hàng hoá tạp nham, không rõ ràng, hay bán hàng gian… Đi chợ truyền thống chuốc thêm bực mình!” Có ý kiến còn gợi ý, chợ truyền thống muốn hút khách thì phải chấm dứt ngay nạn nói thách; phải có bãi giữ xe cho khách đàng hoàng; có nhà vệ sinh sạch sẽ cho khách; phải gọn gàng ngăn nắp, có lối đi thông thoáng, rõ ràng và hơn hết là phải sạch sẽ, không được bán hàng hoá ôi thiu, kém chất lượng nữa...
Hoàng Bảy – Minh Phúc – Minh Cúc (Thế giới Tiếp Thị) (Hoàng Bảy – Minh Phúc – Minh Cúc (Thế giới Tiếp Thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem