Tìm giải pháp kết nối nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, giảm kẹt xe tại cửa ngõ sân bay
Tìm giải pháp kết nối nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, giảm kẹt xe tại cửa ngõ sân bay
Gia Linh
Thứ hai, ngày 02/12/2024 12:59 PM (GMT+7)
Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang chạy đua về đích. Một trong những vấn đề được đặt ra đó là việc kết nối công trình này vào hệ thống giao thông thành phố đồng bộ để phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc.
Tiến độ một số công trình kết nối nhà ga T3 Tân Sơn Nhất còn chậm
Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là một trong những công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Theo kế hoạch, các đơn vị đang nỗ lực thi công, chạy nước rút đưa công trình vào khai thác dịp lễ 30/4/2025.
Công trình nhằm mục đích góp phần giảm tải áp lực cho 2 nhà ga hiện hữu, giúp sân bay Tân Sơn Nhất thoát cảnh quá tải. Ngoài ra, nhà ga T3 cùng với loạt dự án giao thông khác đang được triển khai được kỳ vọng sẽ kết nối hiệu quả, phát huy tác dụng giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông, từ đó hạn chế tình trạng ùn tắc cho cửa ngõ sân bay nói riêng và TP.HCM nói chung.
Liên quan đến vấn đề kết nối dự án nhà ga T3 và các công trình khác, tại cuộc họp kinh tế - xã hội TP.HCM vừa qua, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) Bùi Hòa An cho biết nhà ga T3 dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2025 và đang được triển khai đồng bộ các dự án để kết nối.
Cụ thể, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), hiện đã hoàn thành được 88%. Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, nếu các cơ quan có thể bàn giao được mặt bằng của 68 hộ dân đang vướng vào ngày 28/12 này thì sẽ hoàn thành vào ngày 28/2/2025.
Một dự án khác trong khu vực là mở rộng đường Hoàng Hoa Thám.
Tiến độ dự án hiện chỉ khoảng 55% khối lượng, chưa đạt yêu cầu đề ra. Lý giải của lãnh đạo Sở GTVT, nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do diện tích mặt bằng chưa được bàn giao.
"Thời gian tới, Sở GTVT sẽ cố gắng làm việc với các cơ quan chức năng để có thể giải phóng mặt bằng sớm và sau khi có mặt bằng trong vòng 2 tháng sẽ thi công xong, cố gắng đảm bảo ngày 30/4/2025 sẽ đưa vào khai thác đồng bộ cùng với nhà ga T3", ông Bùi Hòa An cho hay.
Cấm ô tô theo giờ tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Ngoài các công trình cầu vượt, hầm cầu vượt quanh các tuyến đường vào sân bay, Sở GTVT cho biết đơn vị cũng đã triển khai nhiều giải pháp điều hành, điều tiết giao thông thông minh để giải tỏa giao thông kết nối khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Sở GTVT, thời gian qua xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông quanh sân bay. Trong đó có hiện tượng ùn tắc cục bộ trên đường Hồng Hà, giao lộ Hồng Hà (nhánh Hồng Hà) và giao lộ Hồng Hà (nhánh Bạch Đằng) đặc biệt vào khung giờ xe tải từ 9 giờ đến 16 giờ.
Nguyên nhân do lượng phương tiện (đặt biệt xe tải) từ nhánh Hồng Hà rẽ trái vào đường Hồng Hà cùng với phương tiện đi thẳng đường Hồng Hà (hướng từ đường Hoàng Minh Giám đến nhánh Hồng Hà) dẫn đến dòng xe chờ kéo dài (đoạn từ nhánh Hồng Hà đến nhánh Bạch Đằng) bít giao lộ Hồng Hà.
Qua đó, Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ kiến nghị Sở chấp thuận thông qua phương án cấm ô tô từ nhánh Hồng Hà rẽ trái vào đường Hồng Hà trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 16 giờ (Lộ trình thay thế Nhánh Hồng Hà - Đặng Văn Sâm - Nhánh Bạch Đằng).
Thu hồi biển báo cấm xe tải lưu thông (từ 6 giờ đến 22 giờ) trên nhánh Hồng Hà (đoạn từ đường Hồng Hà đến đường Đặng Văn Sâm). Thu hồi biển báo cấm xe tải lưu thông (từ 6 giờ đến 22 giờ) trên nhánh Bạch Đằng (đoạn từ đường Hồng Hà đến đường Đặng Văn Sâm).
Trước đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đề xuất phương án vận chuyển hành khách bằng xe buýt theo lộ trình từ nhà ga T3, đường Phan Thúc Duyện - Trường Sơn - nhà ga T2 - nhà ga T1 và ngược lại sau khi nhà ga T3 đưa vào khai thác. Mục đích giải toả bớt áp lực hành khách tại khu vực trong và ngoài sân bay, hạn chế ùn tắc.
Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là một trong những công trình trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Dự án có công suất 20 triệu hành khách/năm nhằm giảm tải cho 2 nhà ga hiện hữu T1 và T2. Công trình gồm hạng mục chính sau: 4 Nhà ga hành khách (PTB); Nhà xe cao tầng và dịch vụ phi hàng không (PNA); Nhà cơ điện (UC); Hệ thống cầu cạn và sân đỗ máy bay với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.