Theo các chuyên gia kinh tế, để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, có rất nhiều việc phải làm từ cả Nhà nước và phía doanh nghiệp…
Đó là quan điểm được thống nhất tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: "Tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững", do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Đại học Tài chính - Marketing tổ chức, diễn ra ngày 10/12.
Theo chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp (DN) và có ít nhất 2 triệu DN vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân (KTTN) cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN đạt khoảng 55% GDP (năm 2025); 60 - 65% GDP (năm 2030) và 65 - 70% GDP (năm 2040). Với định hướng chiến lược phát triển kinh tế ấy của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, đã làm cho khu vực KTTN có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, kinh tế tư nhân đã mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới.
Cụ thể: KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Đóng góp của khu vực KTTN trong cơ cấu GDP luôn ở mức trên 43% (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 18% GDP).
Tuy nhiên, KTTN chưa thực sự trở thành vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế như kỳ vọng; vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của KTTN ở nước ta hiện nay, cụ thể: Môi trường pháp lý đối với khu vực KTTN chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo, các DNTN còn bị đối xử chưa công bằng so với các loại hình DN khác. Một số chính sách quy định chỉ đề cập đến DN nhà nước (DNNN) mà chưa đề cập đến DNTN. Nhiều DNTN phải trả các chi phí "không chính thức" để giải quyết công việc…
Những bất cập này càng khiến cho khu vực KTTN đã nhỏ lại kém phát triển. Ngoài ra năng lực sản xuất công nghiệp của khu vực KTTN còn yếu, mới chỉ ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các DNTN là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Các công đoạn sản xuất đưa lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, tạo kiểu dáng, marketing... phần lớn được thực hiện bởi đối tác nước ngoài. Các DNTN phần lớn vẫn hoạt động ở thị trường trong nước, rất ít DNTN vươn được ra thị trường nước ngoài.
"Ngay cả ở thị trường trong nước, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt, các DNTN lớn có xu hướng rút khỏi các ngành sản xuất công nghiệp, nhường lại sân chơi cho các DN nước ngoài. Sự rút lui này cũng diễn ra trong một số lĩnh vực dịch vụ như phân phối, bán lẻ được ưu tiên và có nhiều tiềm năng của nền kinh tế; thiếu thị trường, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh là trở ngại lớn nhất đối với các DNTN", TS. Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhận định.
Trước những khó khăn, bất cập ấy, các chuyên gia kinh tế - tài chính đề nghị, việc quan trọng nhất của phía Nhà nước là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đây là tiền đề và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới. Còn với khu vực kinh tế tư nhân, việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong mấy thập niên tới.
"Trong gần 35 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã thành công trong việc làm cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường trở nên không thể đảo ngược được, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm để hoàn tất quá trình này và thiết lập nền tảng vững chắc của kinh tế thị trường. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất của kinh tế thị trường là tự do cạnh tranh. Nguyên tắc này cần được thực hiện trên nền tảng của một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp, những người chơi chính trên thị trường…", một chuyên gia kinh tế, đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.