Tìm kiếm giải pháp biến rác thải thành tài nguyên

Quang Sung Thứ ba, ngày 30/08/2022 14:38 PM (GMT+7)
Các dooanh nghiệp Việt Nam và Canada hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tái chế rác thải đã cùng trao đổi, tìm hiểu các công nghệ và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này
Bình luận 0

Với mong muốn hợp tác, chia sẻ và xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp ngành xử lý rác thải và tái chế giữa hai nước Việt Nam và Canada, ngày 30/8 Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM phối hợp với Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam đồng tổ chức hội thảo "Từ rác thải tới tài nguyên - Giải pháp từ Canada". 

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải đến từ Việt Nam và Canada.

Tìm kiếm giải pháp biến rác thải thành tài nguyên - Ảnh 1.

PGS.TS Lê Hùng Anh - Trưởng văn phòng đại diện Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP.HCM phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Quang Sung

PGS.TS Lê Hùng Anh - Trưởng văn phòng đại diện Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tại TP.HCM cho biết, công nghệ xử lý rác thải của Canada đã có nhiều thành công trên trường quốc tế, tuy nhiên tại Việt Nam chưa được biết đến nhiều. 

“Hội thảo này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các trường đại học có cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các công ty Canada đang hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải các loại. Hướng đến hợp tác chuyển giao công nghệ, tìm giải pháp phù hợp cho tình hình thực tế tại Việt Nam”, ông Anh nói.

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của 6 doanh nghiệp tại Canada, đem đến nhiều công nghệ, giải pháp về xử lý chất thải. Điển hình như công nghệ xử lý rác sinh học và cơ học. Với công nghệ này, rác thải không cần phân loại tại nguồn. Tại nhà máy rác thải sẽ được nén ép. Nước từ thải được đưa vào biogas, phần xác còn lại sử dụng làm chất đốt, tạo ra nhiệt năng lớn.

Đối với lĩnh vực rác thải công nghệ, phía doanh nghiệp Canada đem đến công nghệ xử lý rác thải điện tử, khai thác kim loại quý. 

Theo PGS.TS Lê Hùng Anh, đây là giải pháp cần thiết khi rác thải điện tử ngày càng nhiều. Với công nghệ này, nhà máy sẽ nhận rác thải từ các nguồn thu gom, sau đó tiến hành nghiền nhỏ, chuyển đến nhà máy tách lấy kim loại quý.

Ngoài ra còn có các công nghệ xử lý rác thải khác như: công nghệ khí hóa rác thải; nhiệt phân, xử lý rác thải nhựa thành các sản phẩm dầu mỏ. 

Điểm chung của các công nghệ này là ngoài việc xử lý rác thải, còn phải tận dụng được nguồn năng lượng từ rác, theo tinh thần của hội thảo “Từ rác thải đến tài nguyên”.

Tìm kiếm giải pháp biến rác thải thành tài nguyên - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi hội thảo “Rác thải tới tài nguyên - Giải pháp từ Canada". Ảnh: Quang Sung

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã báo cáo chi tiết, về hiện trạng quản lý và xử lý chất thải rắn tại Việt Nam. Theo đó, trong tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt có 10-12% là rác thải nhựa, 50-70% là rác thải hữu cơ. Tỷ lệ thu gom trung bình toàn quốc chiếm tại đô thị chiếm 93,7%, nông thôn chiếm 83%. Công nghệ xử lý chủ yếu tại Việt Nam là chôn lấp (chiếm 70%), trong đó hầu hết các bãi chôn lấp không đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường. 

Theo TS Phùng Chí Sỹ, hiện nay công tác vận động tái chế chất thải rắn tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ tái chế rác thải thấp, đặc biệt là rác thải nhựa. Các chương trình phân loại rác tại nguồn chưa mang lại thành công. 

Cuối buổi hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã đặt câu hỏi trực tiếp với đại diện các công ty phía Canada nhằm giải đáp các thắc mắc, tìm hiểu về công nghệ xử lý rác và cơ hội chuyển giao, tiến đến hợp tác trong tương lai.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem