Ly hôn vì không thể “yêu”
Mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện (BV) E đã tiến hành ca phẫu thuật tạo hình thành công dị dạng âm đạo (ÂĐ) bẩm sinh cho một phụ nữ 23 tuổi ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Chia sẻ với tâm trạng buồn phiền, chị cho biết chị lớn lên bình thường như bao cô gái khác, nhưng đến năm 17 tuổi chị vẫn không có kinh nguyệt nên gia đình đưa đi khám ở BV Phụ sản T.Ư. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân không có ÂĐ, tử cung kích thước rất nhỏ nhưng buồng trứng vẫn phát triển bình thường.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2019/images/2019-06-14/bv-e1-1560511256-width500height333.jpg)
Ca phẫu thuật tạo hình âm đạo cho một bệnh nhân tại Bệnh viện E. Ảnh: D.L
Nhưng do xấu hổ, sợ hãi, chị không điều trị mà âm thầm chịu đựng. Cứ nghĩ mình chỉ không thể có con nên chị chấp nhận lấy một người đàn ông bị vô sinh do biến chứng quai bị. Tuy nhiên, đời sống vợ chồng của chị không thể diễn ra bình thường do chị rất khó quan hệ tình dục. Cuối cùng, chị đành phải ly hôn.
Theo bác sĩ Lương Thanh Tú - phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (BV E), xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ của bệnh nhân là 46XX, khẳng định bệnh nhân có giới tính nữ. Tuy nhiên, bệnh nhân bị mắc dị tật bẩm sinh gọi là hội chứng bất sản ống Muller (hay còn gọi là hội chứng Mayer – Rokitansky- Kuster – Hauser). Đây là dị tật không có ÂĐ bẩm sinh, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, chất lượng sống của người bệnh.
Một nghiên cứu mới đây của nhóm bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba), bác sĩ Trần Thiết Sơn, Phạm Thị Việt Dung (Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết, dị tật không ÂĐ không hiếm. Trong khoảng từ tháng 6/2015 đến tháng 8/2016 đã có 11 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh này tại BV Xanh Pôn (Hà Nội). Các bệnh nhân đều phải trải qua ca phẫu thuật tạo hình ÂĐ, giúp chị em có thể hưởng thụ niềm hạnh phúc của yêu đương.
“Không ÂĐ là dị tật bẩm sinh hiếm với tỷ lệ 1/4.000 - 1/10.000 trẻ gái. Các bệnh nhân có buồng trứng bình thường nhưng không có tử cung, ÂĐ có thể không có hoặc ngắn, kèm theo các rối loạn khác ở thận và xương” - bác sĩ Thu Trang cho biết.
Cứu cánh bằng niêm mạc miệng
Theo bác sĩ Thu Trang, kỹ thuật tạo hình ÂĐ có khá nhiều phương pháp như sử dụng dụng cụ nong, ghép da xẻ đôi; sử dụng các vạt da cân, da cơ; hay dùng đoạn ruột. Tuy nhiên, nếu tạo hình bằng vạt và da ghép có hạn chế là sự giãn nở, không gây thuận tiện cho quan hệ tình dục… Tất cả các kỹ thuật này có thể để lại sẹo khá rõ trên thành bụng, nơi cho da ghép…
"Những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như: Đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được… đều phải thăm khám sớm. Hầu hết các dị tật "vùng kín" đều có thể phát hiện bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, chụp X-quang và MRI được áp dụng trong những ca bệnh khó xác định”.
Bác sĩ Lương Thanh Tú
|
Tại BV Xanh Pôn, các bác sĩ đã lấy 2 dải niêm mạc miệng để tạo hình ÂĐ cho bệnh nhân. Sau 6 tháng điều trị, có 7/11 bệnh nhân đã có thể quan hệ tình dục (5 bệnh nhân quan hệ thường xuyên). 4/7 bệnh nhân cho biết, mình có cảm giác rất tốt, bệnh nhân và bạn tình đều hài lòng với chất lượng đời sống tình dục của mình.
“Sử dụng kỹ thuật này giúp bệnh nhân che giấu được sẹo, thời gian phục hồi nhanh và cho kết quả tốt, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân” - bác sĩ Trang kết luận.
Bác sĩ Tú (BV E) cũng cho biết, dị tật không ÂĐ là một bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ mà nguyên nhân chưa được rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Ở tuổi sơ sinh, dưới tác động của estrogen (một loại hoóc-môn do một số cơ quan sinh dục nữ tiết ra) từ mẹ truyền qua con trong giai đoạn thai kỳ, cổ tử cung trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch dẫn đến ứ dịch vùng ÂĐ có thể gây ra các khối u vùng kín hoặc các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục…).
Còn ở tuổi dậy thì, đến thời kỳ có kinh nhưng nữ giới chỉ bị đau bụng theo chu kỳ tháng nhưng không thấy kinh. Đặc biệt, để có đời sống tình dục bình thường, nữ giới mắc dị tật này cần được phẫu thuật tạo hình ÂĐ. Tuy nhiên, không ít phụ nữ, nhất là chị em ở vùng sâu vùng xa, nông thôn do ít kiến thức, lại xấu hổ, sợ hãi nên thường âm thầm chịu đựng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.