Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra nguồn phát tín hiệu bí ẩn suốt một thập kỷ qua.
Theo Daily Mail, các nhà thiên văn học đã phải “đau đầu” suốt một thập kỷ kể từ khi lần đầu tiên bắt được tín hiệu bí ẩn từ vũ trụ.
Một số người thậm chí còn cho rằng, tín hiệu này là dấu hiệu của người ngoài hành tinh đang cố gắng liên lạc với Trái đất.
Cụ thể, sóng vô tuyến nhanh (FRB) mới chỉ xuất hiện 18 lần kể từ năm 2007 và là một trong những bí ẩn thiên văn lớn nhất. Sóng FRB có cường độ rất mạnh nhưng chỉ kéo dài không quá 1/1000 giây.
Hìn ảnh minh họa một vụ nổ siêu tân tinh.
Nguồn phát tín hiệu này mới đây đã được các nhà thiên văn xác định là bắt nguồn từ một thiên hà lùn cách Trái đất hơn 3 tỷ năm ánh sáng.
“Giờ đây, chúng ta biết được những tín hiệu này đến từ một thiên hà lùn cách 3 tỷ năm ánh sáng”, Tiến sĩ Shami Chatterjee đến từ trường Đại học Cornell nói. “Đây là bước tiến lớn trong việc tìm hiểu về hiện tượng này”.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tổ hợp kính cực lớn Karl Jansky (VLA) ở New Mexico và kính thiên văn Arecibo ở Puerto Rico để xác định cụ thể nguồn phát tín hiệu.
Tín hiệu bí ẩn có thể là tia vật chất bắn ra từ vành một lỗ đen siêu lớn.
“Trước đây, có một số giải thích cho rằng nguồn gốc của FRB đến từ bên trong hoặc gần dải Ngân hà. Tuy nhiên, phát hiện mới này đã loại trừ giải thuyết nêu trên”, Tiến sĩ Shriharsh Tendulkar, thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học McGill ở Montreal, Canada, cho biết.
Dù đã xác định được vị trí của nguồn phát FRB nhưng các nhà thiên văn vẫn chưa biết đó cụ thể là gì. Hiện tượng này có thể là một ngôi sao Neutron siêu dày với từ trường mạnh mẽ hoặc là tia vật chất bắn ra từ vành một lỗ đen siêu lớn.
Tiến sĩ Shami Chatterjee nói nhóm nghiên cứu vẫn có nhiều việc phải làm để hiểu sâu hơn về nguồn phát tín hiệu giống “người ngoài hành tinh” cũng như vì sao lại xuất hiện tín hiệu này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.