Hệ thống hành tinh xoay quanh ngôi sao HD 10180, cách trái đất hơn 100 năm ánh sáng, có thể là hệ hành tinh phong phú nhất từng được phát hiện. Một nhà thiên văn học cho biết đây là một phần trong nhiều bằng chứng cho thấy vũ trụ có muôn vàn hành tinh và có thể trong số chúng giống với Trái đất của chúng ta.
“Điều quan trọng của phát hiện hành tinh mới này là mở đường cho những nghiên cứu mới, tìm tòi ra những hành tinh khác nữa ngoài vũ trụ”, nhà khoa học Alan Boss thuộc Viện Khoa học Carnegie (Mỹ) chia sẻ.
Mặc dù hầu hết các hành tinh đã được tìm thấy đều rất lớn, gấp khoảng 13 tới 25 lần trái đất, tuy nhiên một hành tinh mới trong hệ hành tinh quanh ngôi sao HD 10180 có kích thước chỉ gấp 1,4 lần trái đất – các nhà thiên văn học khẳng định tại cuộc Hội thảo quốc tế diễn ra vào thứ ba vừa qua ở Pháp.
Đó có thể là hành tinh nhỏ nhất từng được phát hiện mà không theo quỹ đạo của hệ mặt trời.
Các nhà khoa học đã nỗ lực tìm kiếm những hệ hành tinh ngoài hệ mặt trời trong suốt 15 năm qua, và hiện giờ danh sách này đã lên tới 450 hành tinh. nhưng hầu hết chỉ giới hạn ở mức 1, 2 hay 3 hành tinh, như những quả bóng khí khổng lồ như sao Mộc hay sao Thổ.
Tuy nhiên, phát hiện này - ngôi sao với 7 hành tinh bao quanh, được xem là có số lượng lớn nhất, tương tự như hệ mặt trời, gồm 8 hành tinh.
Christophe Lovis, thuộc đại học Geneva, một trong những nhà khoa học đứng đầu nhóm phát hiện ra hệ thống hành tinh này, cho biết có 5 hành tinh khá giống với sao Hải vương.
“Về cơ bản, chúng được hình thành từ đá và băng, có lõi đặc. Nhưng phần trên của chúng là một lớp khí, có thể là khí hydro và heli. Gần như không phải là nơi có thể sinh sống”, ông Lovis nói.
Hành tinh thứ sáu có thể giống sao Thổ trong khi đó hành tinh thứ bảy, hành tinh nhỏ nhất, nằm rất gần ngôi sao chính.
Hoàng Nam
Theo AP
Vui lòng nhập nội dung bình luận.