Tuy nhiên, mới đây, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã giới thiệu đến công chúng yêu văn hóa dân gian cây hoa sen ở chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho rằng, cây hoa sen này chính là "cành hoa sen" đã đi vào ca dao Việt Nam qua bao thế hệ: "Đêm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen", "Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...".
Loài cây mà nghệ sĩ Quang Long nhắc đến được trồng tại chùa Bối Khê, gắn biển với tên gọi “cây sen đất”, có nơi gọi là cây sen núi. So với bông hoa sen mọc trong đầm thì hoa sen đất có cánh màu trắng, nhị vàng, to tương đương sen đầm, cánh hoa khum khum như bàn tay chụm lại. Đặc biệt, nụ của hoa sen đất khi chưa nở rất giống nụ sen trắng trong đầm.
Hoa sen đất khá giống với sen đầm, cánh dày, to và trắng tinh khiết. Ảnh: NQL.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, cây sen đất ở chùa Bối Khê có thân gỗ, gần giống thân cây hồng xiêm, lá giống lá đa. Hàng năm, sen đất chỉ nở vào mùa hạ, từ tháng Tư đến tháng Sáu âm lịch.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long tiết lộ, sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm của anh và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì anh tạm thời kết luận, trên khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ duy nhất ở chùa Bối Khê có cây hoa sen đất lâu đời dù vài năm gần đây, giống cây này được rao bán khá nhiều, có thể được nhập từ nước ngoài.
"Cách đây chừng 7-8 năm, trong hành trình tìm hiểu về các nghệ nhân hát xẩm, những câu hát xẩm, hát trống quân... chúng tôi tình cờ biết đến chùa Bối Khê và cây hoa sen đất. Khi đó, có cây hoa sen rất to đằng sau chùa và nhà chùa nỗ lực nhân giống cây hiếm này ra nhiều cây khác. Gần đây, có dịp quay trở lại, tôi đã thấy khuôn viên chùa hiện hữu 5 - 6 cây hoa sen cao quá đầu người được nhân giống từ cây sen già nay đã không còn nữa", nghệ sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ.
Nói về giả thuyết "cành hoa sen" trong câu ca dao: "Đêm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen" chính là cành của cây sen đất chứ không phải bông sen trong đầm như nhiều người vẫn nghĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long phân tích: "Toàn bộ không gian trong bài ca dao này toát lên khung cảnh của đồng bằng Bắc Bộ, nên chúng ta có thể nhận định là bài ca dao được ra đời ở vùng này. Khi chúng tôi đến nơi đây, các bậc cao niên ở địa phương cũng khẳng định cây sen trong ca dao này chính là loài sen đất. Theo các cụ, cây sen này rất khó sống, nó chỉ sống thích hợp khi được trồng nơi đình chùa. (Tuy nhiên có thể đây chỉ là cách nghĩ nhằm tôn thêm tính linh thiêng cho loài cây được trồng trong những không gian thiêng).
Đối với địa phương, cây sen được coi trọng như cây đa, cây bồ đề, muỗm cổ thụ... Từ chính sự linh thiêng ấy nên trong bài ca dao, khi chàng trai ngỏ ý với cô gái rằng bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, dù đó là sự tán tỉnh yêu đương nhưng nó lại thể hiện tính nghiêm túc trong tình cảm mà chàng trai muốn gửi tới cô gái".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long thừa nhận: "Tôi đã thay đổi suy nghĩ kể từ khi biết về cây sen này vì nó giải quyết được hết những thắc mắc trong câu ca dao kia. Hơn nữa, các cụ ta cũng chân chất, thật thà, ăn nói mộc mạc kiểu "Gặp đây anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này có lấy anh không?" chứ ít khi vòng vo, văn vở... Vì lối suy nghĩ người xưa gần gũi với hành động nên tôi cho rằng, không chàng trai nào nói dối như thế.
Toàn cảnh cây sen đất được trồng ở chùa Bối Khê. Ảnh: NQL
Không loại trừ giả thuyết, trong kiến trúc làng quê Việt, ao làng vốn có đầm sen và rất có thể chàng trai si tình sinh ra "ngớ ngẩn", vắt áo lên hoa sen trong đầm thật thì cũng khó xảy ra vì nếu vào mùa có sen, tôi nghĩ không tát nước được. Trong khi, là cây sen đất thì lúc nào cũng có thể vắt áo lên cành!".
Chùa Bối Khê tọa lạc trên thế đất đầu phượng, ngôi chùa được xây dựng năm 1382, dưới thời Trần trên mảnh đất rộng khoảng 4.000m2. Chùa có năm cửa, một cửa chính giữa và bốn cửa phụ chia đều cho hai bên. Một chiếc cầu nhỏ được xây bằng gạch vắt ngang đầm thả đầy hoa súng để dẫn tới cổng Tam quan 2 tầng, 8 mái. Tầng thượng có treo 2 quả chuông lớn, mỗi quả cao 1m, đường kính 20cm.
Chùa được bố cục theo lối truyền thống, tiền thờ Phật, hậu thờ Minh Đức chân nhân đời Trần, tên húy là Nguyễn Bình An. Ngài đã tu hành đắc đạo và hóa tại nơi đây, được nhân dân xây tháp để giữ hình hài cốt, tôn là Đức Thánh Bối. Người dân kể lại, ngài sinh năm Tân Tỵ (1281), quê ở làng Bối Khê, nhưng tu luyện ở chùa Trăm Gian (xã Tiên Lữ, huyện Chương Mỹ). Nên chùa Trăm Gian là nơi thờ chính thức ngài, còn ở Bối Khê là thờ vọng. Hàng năm cứ đến ngày 13 tháng Giêng, người dân trong vùng nô nức mở hội, rước kiệu Thánh để thể hiện lòng biết ơn tới Ngài.
Theo một số người dân ở đây, cây sen đất tại chùa đã hơn trăm năm tuổi và đều đặn ra hoa vào mùa hạ. Hoa sen đất có màu trắng tinh, cánh dày và thơm hơn sen nước, khi nở hết cỡ to bằng cái bát ăn cơm. Đời của hoa cũng “sớm nở tối tàn”, hoa chỉ có nhụy vàng mà không có gương sen như sen nước, nhưng khi cánh hoa khô rồi mà vẫn còn thơm”.
Sư thầy Đàm Phượng (trụ trì chùa Bối Khê) cho biết: “Người làng nói, ở chùa Bối Khê có hai cây sen đất do Phật tử cung tiến từ trăm năm trước đây. Nhưng một cây đã chết, giờ chỉ còn lại duy nhất cây sen tổ này. Qua năm tháng, cây sen tổ cũng cằn cỗi dần, nên cách đây khoảng chục năm nhà chùa đã cho chiết khoảng 40 cành, trồng trước cửa chùa hai cành, trồng ở chùa Trăm Gian 2 cành còn lại đem biếu các nơi. Sau một thời gian, được tin chỉ có hai cành được trồng phía trước cửa chùa Bối Khê và một cành ở chùa Trăm Gian là sống. Giờ ba cây đó đã cao trên 3m, cành lá xum xuê, cứ đến mùa lại đơm hoa trĩu cành, toả mùi thơm ngát dịu khắp chốn thiền môn.
Hà Tùng Long (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.