Tìm thấy lục địa cổ ngập sâu dưới Ấn Độ Dương

Thứ sáu, ngày 03/02/2017 14:30 PM (GMT+7)
Có một lục địa cổ đại đã từng kẹp giữa Ấn Độ và Madagascar, và hiện nay đang nằm rải rác ở dưới đáy Ấn Độ Dương.
Bình luận 0

img

Đảo núi lửa Mauritius ngự trên một phần của một lục địa cổ

Những manh mối đầu tiên về sự tồn tại của lục địa này đã xuất hiện khi một số khu vực của Ấn Độ Dương được phát hiện là có trường hấp dẫn mạnh hơn những nơi khác, điều này cho thấy ở đó có lớp vỏ dày hơn. Một giả thuyết được đặt ra là có những mảnh lục địa đã bị chìm xuống và gắn liền với lớp vỏ đại dương bên dưới.

Đảo Mauritius là một nơi có lực hấp dẫn mạnh mẽ. Năm 2013, nhà khoa học Lewis Ashwal công tác tại Đại học Witwatersrand ở Nam Phi và các đồng nghiệp của ông đã đề xuất rằng có lẽ hòn đảo núi lửa này ngự trên một mảnh lục địa cổ bị chìm.

Mặc dù Mauritius chỉ có 8 triệu năm tuổi, một số tinh thể khoáng zircon nằm trên bờ biển của hòn đảo này lại có độ tuổi là gần 2 tỷ năm. Có lẽ các vụ phun trào núi lửa đã đẩy khoáng zircon từ khối đá cổ bên dưới ra ngoài.

Mới đây, Ashwal và nhóm nghiên cứu của mình đã tìm thấy các tinh thể zircon có độ tuổi lên tới 3 tỷ năm ở Mauritius. Thông qua các phân tích chi tiết, họ vẫn đang tái tạo lại lịch sử địa chất của châu lục bị mất tích mà họ đặt tên là Mauritia này.

Sự tan vỡ

Cho đến khoảng 85 triệu năm trước, Mauritia vẫn là một lục địa nhỏ - có kích thước bằng khoảng ¼ Madagascar – nằm giữa Ấn Độ và Madagascar (khi đó, Ấn Độ và Madagascar nằm gần nhau hơn so với hiện nay rất nhiều). Sau đó, Ấn Độ và Madagascar bắt đầu chuyển động ra xa, và Mauritia bắt đầu bị kéo giãn và vỡ ra.

Ông Martin Van Kranendonk hiện công tác tại Đại học New South Wales, Australia cho biết “nó giống như là plastic (nhựa dẻo) vậy: khi các lục địa bị kéo căng thì chúng trở nên mỏng hơn và tách ra thành các mảnh nhỏ. Chính những miếng mỏng này chìm xuống dưới đại dương”.

Có bằng chứng rằng các đảo núi lửa khác ở Ấn Độ Dương, trong đó có Cargados Carajos, Laccadive và Chagos, cũng nằm trên những mảnh vỡ của lục địa Mauritia.

Giáo sư Alan Collins – hiện công tác tại Đại học Adelaide, Australia - cho biết các dấu tích còn lại của các lục địa cổ khác đang dần được phát hiện ngày càng nhiều. Gần đây, có một số mảnh đã được tìm thấy ở ngoài khơi Tây Úc và bên dưới Iceland. “Gờ đây, chỉ khi chúng ta càng tìm hiểu phía sâu dưới các đại dương, chúng ta mới tìm kiếm được tất cả những mảnh vỡ của các lục địa cổ xung quanh đó.”

Anh Thư (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem