Tin hơn lớp trẻ nông thôn

Chủ nhật, ngày 15/04/2012 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đang phát sóng trên kênh VTV1, phim “Qua ngày dông bão” của đạo diễn Đỗ Chí Hướng khiến nhiều khán giả có cái nhìn thiện cảm hơn với thế hệ trí thức trẻ ở nông thôn. Đó là những người dám nghĩ dám làm và thiết tha với những giá trị truyền thống...
Bình luận 0

Để không sống thờ ơ

Với Thiện Tùng và Thùy Dương- hai diễn viên trẻ vào vai Văn Vũ và Phương trong "Qua ngày dông bão", khi bộ phim đóng máy cũng là lúc họ thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều trong cuộc đời và trong nghề nghiệp.

img
Cảnh trong phim “Qua ngày dông bão”.

Thiện Tùng- diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: "Lần đầu tiên được vào vai một trí thức trẻ ở nông thôn, được tiếp xúc gần gũi với bà con nông dân ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) nơi đoàn phim chọn làm bối cảnh chính trong suốt mấy tháng trời, tôi đã có rất nhiều suy nghĩ và thấu hiểu, để làm ra một hạt gạo nhỏ nhoi là bao nhiêu công sức vất vả của nông dân trên đồng ruộng, vậy nhưng hình như nhiều người trong thế hệ chúng tôi chưa biết trân trọng điều đó".

Tùng kể, đoàn phim quay vào những ngày nắng nóng gay gắt của mùa hè năm ngoái. Hết cảnh quay, anh lại vào ngồi nghỉ dưới bóng cây trên bờ ruộng, nhưng phóng tầm mắt ra xa vẫn thấy những người nông dân miệt mài làm việc dưới nắng, không một lời than thở, chấp nhận mọi khó khăn, vất vả...

Những hình ảnh ấy đã khiến Tùng phải nghĩ lại về thế hệ của mình. Rất nhiều người như anh, chưa bao giờ biết nỗi vất vả của nông dân là gì nếu như không trải nghiệm trong thực tế, thế nên họ rất dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Tùng tâm sự: "Tôi trân trọng hơn những người nông dân, họ vất vả nhất và cũng nghèo khó nhất, nhưng lúc nào cũng có một tình yêu và niềm say mê lao động".

Còn Thùy Dương- nữ diễn viên vào vai Phương (con gái ông chủ tịch tỉnh) thì lại trăn trở bởi một điều khác: "Từ lúc đọc kịch bản, tôi đã thấy yêu nhân vật của mình, bởi đó là một cô gái dám yêu dám sống, đồng hành với người yêu để đi tìm cách khôi phục giống nếp cái hoa vàng cho đồng ruộng quê hương. Nếu những người thuộc thế hệ trẻ như Vũ, Phương, Thái- các nhân vật trong phim mà thờ ơ với những giá trị tốt đẹp của truyền thống, của cha ông rồi để chúng mất đi thì thật là một điều đáng tiếc và có lỗi.

Tôi mong rằng sau khi xem bộ phim này, sẽ có nhiều người trẻ sẽ suy nghĩ nhiều hơn về truyền thống dân tộc, về những giá trị lâu đời. Đừng ai nghĩ việc lưu giữ, khôi phục những giá trị ấy không phải là việc của mình. Bởi nếu ai cũng nghĩ vậy thì chúng ta sẽ không còn lại gì cho mai sau”.

Vẫn theo lối cũ...

Với đạo diễn Nguyễn Chí Hướng, việc làm bộ phim này là một niềm say mê riêng của ông. “Tôi không thích làm những phim về đề tài chân dài, người đẹp, tình yêu tay ba, tay tư... Những kịch bản ấy không hấp dẫn tôi. Đọc “Qua ngày dông bão” của hai tác giả Lê Công Hội và Phương Dung là tôi đã thấy thích ngay bởi nó đề cập đến vấn đề của nông thôn mới hôm nay chứ không phải là nông thôn của vài chục năm trước kia.

Tôi hy vọng phim sẽ đem đến một cái nhìn tươi tắn, ấm áp cho khán giả về thế hệ những trí thức trẻ của nông thôn hôm nay, những người không lựa chọn ở lại thành phố mà quyết tâm về với quê hương để sát cánh với nông dân, tìm lại giống lúa quý gần như đã thất truyền” - đạo diễn cho biết.

“Kỷ niệm đẹp nhất với các thành viên đoàn phim là khi bà con nông dân ở Hải Dương thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng, mỗi người được mua 5kg loại nếp quý này, ai cũng thấy vui”.

Điều hơi tiếc là các tuyến nhân vật trong phim được xây dựng theo lối cổ điển với người tốt, người xấu được chia tách rõ ràng khiến sức hấp dẫn và vẻ đời thường bị giảm sút ít nhiều. Ví dụ như tính cách của Chí- ngay từ đầu, anh đã thể hiện là một kẻ hư hỏng, đố kỵ với đồng nghiệp trong cả công việc lẫn tình yêu, tính cách này quá một màu khiến khán giả thấy chán. Hay Phương, nhiều người thấy khó hiểu khi cô con gái ông chủ tịch tỉnh trước sau đều một lòng một dạ yêu và tin tưởng Vũ- một kỹ sư nông nghiệp nghèo, vậy nhưng cuối cùng cô lại quay ngoắt sang cưới người mà mình không hề yêu. Lẽ ra, với tính cách quyết liệt của Phương, cô sẽ là người đi đến tận cùng trong tình yêu của mình thì sẽ hợp lý hơn và tình yêu của Vũ- Phương mới kết thúc có hậu.

Một nhân vật được khá nhiều khán giả yêu thích chính là ông trưởng tộc họ Ngô Văn, ông Trần (diễn viên lão thành Mai Ngọc Căn thể hiện). Ông quyết liệt phản đối đứa cháu trai của dòng họ khi anh phải bán cả nhà thờ họ để có tiền trả nợ ngân hàng để tiếp tục dự án trồng nếp cái hoa vàng. Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn cho biết: “Tôi xúc động nhất là diễn cảnh hai bác cháu ngồi uống rượu với nhau, cả hai cùng khóc cho những thăng trầm đã trải qua khi Vũ quyết tâm khôi phục giống lúa tới mức bị khai trừ ra khỏi dòng tộc”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem