Vào ngày 6.12.2012, tại Paris (Pháp), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (Việt Nam) đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Điểm đặc biệt giúp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được vinh danh chính là sức sáng tạo và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Trong quyết định công nhận hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, UNESCO nêu rõ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên thành lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình -Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và ban tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Lào, Ban điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào làm lễ an vị tôn, ngày 6.4.2019 (2.3 âm lịch). Ảnh: VÂN THIÊNG
"Việc tạo ra một thần thoại về tổ tiên quốc gia có thể được coi là một kiệt tác của nhân loại”.
GS - TS Nguyễn Chí Bền
|
Khi hồ sơ đề nghị công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa thế giới được đệ trình lên UNESCO, “các yếu tố thuần Việt” được coi là điểm mạnh của hồ sơ.
PGS Bùi Quang Thanh - một thành viên tham gia xây dựng hồ sơ, cho biết: “Phong tục thờ cúng người thành lập một quốc gia rất phổ biến ở các nước Đông Á. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô của phong tục để toàn bộ cộng đồng tham gia vào các nghi lễ thì không dễ thấy”.
Cụ thể, theo GS - TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, người Trung Quốc tôn thờ Quan Vũ và Khổng Tử, nhưng không coi những nhân vật này là tổ tiên. Nhật Bản tôn thờ Hoàng đế Jimmu Tenno và Hàn Quốc tôn thờ triều đại cổ Joseun, nhưng điều này chỉ giới hạn ở một vài địa phương hay trong gia đình hoàng tộc.
Ngược tại, ở Việt Nam, ngay từ các triều đại phong kiến đã rất coi trọng việc gìn giữ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Theo PGS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, dưới triều đại hậu Lê và nhà Nguyễn, người dân địa phương thậm chí còn được miễn thuế đất và giao ruộng quanh đền thờ để họ kiếm tiền duy trì hoạt động của đền.
GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ: “Việc người dân cùng tổ chức tưởng niệm một người cha chung xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam là rất quan trọng. Việt Nam luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nên các triều đại phong kiến luôn đề cao sự cần thiết của việc xây dựng một hệ thống tư tưởng hay tín ngưỡng chung để làm nền tảng cho sự thống nhất của quốc gia. Vì vậy, bất kỳ triều đại nào cũng phải ưu tiên duy trì và giữ vững niềm tin này”.
Theo các chuyên gia, hầu như tất cả địa phương trên cả nước đều có đền thờ Vua Hùng. Thậm chí, tại TP.San Jose xa xôi ở bang Canifornia, Mỹ, người Việt tại đây đã đóng góp để xây dựng đền thờ Quốc Tổ Vọng Từ, thờ cúng Vua Hùng theo đúng khuôn mẫu tại quê nhà.
Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ giới hạn quanh khu vực Đền Hùng ở Phú Thọ hay một số đền thờ Hùng Vường ở các tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.