TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Đâm chết chồng hờ của cô ruột; bắt nghi phạm giết người đang trên đường bỏ trốn
TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Đâm chết chồng hờ của cô ruột; bắt nghi phạm giết người đang trên đường bỏ trốn
A.Đ (T/H)
Thứ ba, ngày 07/11/2023 19:00 PM (GMT+7)
Đâm chết chồng hờ của cô ruột; bắt nghi phạm giết người, khi đang ngủ say trên xe khách chạy Bắc - Nam; bị bắt vì doạ tung clip nóng, bị can tiếp tục bị tố lừa hơn 800 triệu đồng... là những tin nóng 24 giờ qua.
Ngày 7/11, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đang điều tra nguyên nhân vụ án mạng xảy ra trên địa bàn thị xã Gò Công (Tiền Giang) làm 1 người tử vong.
Theo thông tin ban đầu, do nợ nần nên Nguyễn Duy Bình (43 tuổi) đến nhà cô ruột là bà N.T.X.H. (50 tuổi, ngụ phường 2, thị xã Gò Công) để ở nhờ.
Khoảng 20h40 ngày 6/11, bà H. gọi điện thoại nói với Bình rằng ông N.T.C. (49 tuổi, sống chung như vợ chồng với bà H.) đang tìm Bình để đánh.
Khoảng 5 phút sau, ông C. về đến nhà, tay cầm theo ống túyp sắt đuổi đánh Bình. Bình chạy ra sau nhà lấy 2 con dao để đâm lại ông C..
Hậu quả, nạn nhân tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Bình bị cơ quan chức năng tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra.
Bắt nghi phạm giết người, khi đang ngủ say trên xe khách chạy Bắc - Nam
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 7/11, thông tin từ Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ đối tượng Cao Bá Khoa (SN 1998, trú tại bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình). Khoa là nghi phạm trong vụ án giết người tại tỉnh Thái Bình.
Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An tiếp nhận thông tin từ Công an huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về việc phối hợp truy bắt nghi phạm trong một vụ án giết người xảy ra trên địa bàn.
Cụ thể, vào khoảng 22h, ngày 6/11, do mâu thuẫn cá nhân, đối tượng Cao Bá Khoa dùng dao đâm vào ngực anh Tr.Đ.Th (SN 1981). Hậu quả làm anh Th tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, đối tượng Khoa đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Nhận được tin báo, Công an huyện Thái Thụy, Thái Bình đã vào cuộc truy bắt đối tượng Khoa. Tuy nhiên, đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát. Khoa đã lên xe giường nằm để lẩn trốn vào các tỉnh phía Nam.
Nhận được được thông tin từ Công an huyện Thái Thụy, Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai lực lượng đón lõng trên các cung đường để kiểm tra xe khách.
Vào khoảng 3h45' ngày 7/11, tại km418 quốc lộ 1A, Tổ công tác của Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ thành công đối tượng Khoa khi đang nằm ngủ trên xe khách.
Đối tượng sau đó được bàn giao cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Thái Thụy để di lý về tỉnh Thái Bình phục vụ công tác điều tra.
Bị bắt vì doạ tung clip nóng, bị can tiếp tục bị tố lừa hơn 800 triệu đồng
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 7/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) cho biết, đang điều tra, làm rõ hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" đối với bị can Nguyễn Quốc Việt (SN 1994, trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Trước đó, ngày 15/9/2023, Cơ quan CSĐT Công an quận Cẩm Lệ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Quốc Việt về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".
Việt là đối tượng đánh cắp clip cảnh sinh hoạt vợ chồng từ camera trong phòng ngủ của chị L.L.H (SN 1991, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) rồi tống tiền bị hại.
Việt yêu cầu chị H phải chuyển khoản 130 triệu đồng để xóa clip, nếu không sẽ bán cho bên thứ 3 hoặc đăng lên trang web đồi trụy. Vì lo sợ, chị H đã chuyển trước cho Việt 10 triệu đồng và sau đó sự việc được Công an quận Cẩm Lệ vào cuộc điều tra, làm rõ.
Sau khi vụ việc bị phát giác, đã có thêm nhiều bị hại tố cáo Việt lừa đảo, chiếm đoạt số tiền trên 800 triệu đồng. Trong đó, chị Vũ Thị N. (1980, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) tố giác Nguyễn Quốc Việt có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua camera giám sát nhưng không trả tiền.
Cơ quan công an xác định, do làm ăn thua lỗ, Việt lợi dụng tư cách Công ty Gotech do vợ mình làm giám đốc để đặt mua camera giám sát của Công ty V.H rồi quỵt nợ. Tiếp đó, Việt rao bán lại số camera giám sát trên cho khách hàng khác với giá rẻ hơn với yêu cầu phải đặt cọc tiền hàng nhưng không giao hàng. Việt đã chiếm đoạt của 3 bị hại số tiền 657.050.000 đồng.
Ngoài thủ đoạn lừa bán camera giá rẻ như trên, Nguyễn Quốc Việt còn bị tố lừa đảo, chiếm đoạt 4 chiếc ĐTDĐ hiệu iPhone 11 promax trị giá 45.690.000 đồng của anh Nguyễn H. (SN 1996, trú tỉnh Quảng Ngãi), 11 ĐTDĐ hiệu iPhone các loại khác trị giá 50,1 triệu đồng và 40 triệu đồng tiền mặt của anh Trần Văn N. (SN 1993, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Tại cơ quan công an, Việt khai nhận do đầu tư tiền ảo bị thua lỗ nên phải vay nợ nhiều người và mất khả năng chi trả, đầu tháng 9/2023, Việt nảy sinh ý định đăng nhập vào các tài khoản camera đã lắp đặt trước đó cho khách để xem. Nếu phát hiện có những hình ảnh nhạy cảm, Việt sẽ quay lại, sau đó nhắn tin đe dọa để tống tiền.
Ngoài ra, Việt còn lừa đảo, chiếm đoạt tiền nhiều người thông qua hình thức mua bán camera, điện thoại giá rẻ. Số tiền chiếm đoạt được của bị hại, Việt sử dụng vào mục đích trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Do liên tục lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhiều người nên Việt vào Quảng Nam thuê phòng trọ ẩn náu cho đến khi bị Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cẩm Lệ bắt giữ.
Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Diễn biến mới vụ Hoa hậu Thùy Tiên bị kiện đòi tiền tỷ
Ngày 7/11, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản và tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là bà Đặng Thị Thùy Trang (36 tuổi) và bị đơn Nguyễn Thúc Thùy Tiên (25 tuổi, Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021).
Theo nội dung vụ án, bà Đặng Thùy Trang cho rằng tháng 6/2017, do cần tiền tham gia cuộc thi Hoa khôi Nam bộ 2017 nên hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên chủ động tìm và vay của bà Trang số tiền 1,5 tỷ đồng, với mục tiêu lọt vào top 3 chung cuộc.
Lo ngại Thùy Tiên không có tiền trả, chồng bà Trang nhờ bạn là ông Nguyễn Quan Trọng đứng ra ký biên bản xác nhận nợ đề ngày 22/7/2017 với tư cách là bên cho Tiên vay tiền, còn bà Trang chỉ là người làm chứng. Sau đó, bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã ký, điểm chỉ và ghi rõ đã nhận đủ tiền, thời hạn trả một năm.
Nhiều lần yêu cầu trả nợ nhưng không được Tiên thanh toán, bà Trang có hẹn bà Tiên ra một quán cà phê để nói chuyện. Tại quán cà phê này, lợi dụng bà Trang sơ hở nên Nguyễn Thúc Thùy Tiên tự ý giật giấy xác nhận nợ và xé.
Vì vậy, bà Trang khởi kiện yêu cầu Thùy Tiên trả khoản nợ gốc 1,5 tỷ đồng và bồi thường một số tiền liên quan đến tổn thất tinh thần; yêu cầu Tiên đăng thông báo xin lỗi công khai trên 3 trang báo.
Hoa hậu Thùy Tiên có thắc mắc về việc không được nhận tiền, bà Trang cho biết số tiền đó được bà đưa cho ban tổ chức cuộc thi. Khi Tiên liên hệ ban tổ chức cuộc thi và xác định không có sự việc này nên cô không đồng ý trả nợ.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Quan Trọng trình bày có ký vào giấy nhận nợ của Nguyễn Thúc Thùy Tiên, nhưng sau đó ông không đưa cho bà Trang hay Tiên một khoản tiền nào. Ông cũng không chứng kiến việc bà Trang đưa tiền cho Tiên. Ông đứng giúp trên giấy nợ cho bà Trang vì quan hệ bạn bè.
Về việc giao nhận tiền cho Thùy Tiên, bà Trang cho rằng trước khi ông Trọng đến khoảng một giờ bà đã giao đủ 1,5 tỷ đồng cho nữ hoa hậu. Khi ông Trọng đến, ông Trọng có hỏi Tiên nhận đủ tiền chưa, Tiên trả lời đã nhận đủ 1,5 tỷ đồng, ông Trọng mới ký vào bên cho vay tiền. Tuy nhiên, theo trình bày của ông Trọng, ông ký giấy xong là đi về, ông không hỏi gì về việc Tiên có nhận tiền hay không.
Từ đó, TAND quận Gò Vấp không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thùy Trang đòi Nguyễn Thúc Thùy Tiên trả nợ vay 1,5 tỷ đồng.
Cho rằng bản án sơ thẩm tuyên không phù hợp với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, nên bà Đặng Thùy Trang kháng cáo đề nghị TAND TP.HCM sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà.
Tại tòa hôm nay, bà Trang giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm xét xử lại, buộc Thùy Tiên trả lại số tiền 1,5 tỷ đồng.
"Tôi kháng cáo vì bản án sơ thẩm không phù hợp với yêu cầu của tôi và các tài liệu chứng cứ", bà Trang nói.
Trả lời HĐXX, bà Trang cho rằng ngày 12/7/2017, đã trực tiếp giao số tiền 1,5 tỷ đồng bằng tiền mặt cho Thùy Tiên tại một quán cà phê ở Tân Phú.
Việc giấy biên nhận tiền giữa hai bên ký vào ngày 22/7/2017, tức sau 10 ngày nhận tiền là theo yêu cầu của phía Thùy Tiên. Theo Trang, thời điểm giao tiền, chỉ có hai người với nhau, tại vị trí góc khuất hơn nữa thời gian đã quá lâu nên không thu giữ được hình ảnh thể hiện việc giao tiền.
Do có quen biết với nhau nên hai bên không thỏa thuận về việc trả lãi. Bà Trang cũng khẳng định chỉ đưa tiền mặt chứ không hứa hẹn về việc sẽ hỗ trợ trang phục cho Thùy Tiên. Trả lời luật sư bảo vệ quyền lợi của Thùy Tiên, bà Trang thừa nhận, ông Trọng là người đứng tên trên giấy cho vay tiền, song giữa bà và ông Trọng không có giấy ủy quyền về việc đi đòi nợ thay.
Đại diện theo ủy quyền của Thùy Tiên không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn vì cho rằng bản án sơ thẩm tuyên phù hợp với thực tế khách quan. Thùy Tiên thừa nhận có ký vào giấy nhận nợ nhưng không nhớ ngày nào.
Song thực tế không có việc đưa tiền như lời khai của bà Trang. Giữa hai bên không có quan hệ quen biết, thân thiết từ trước. Do bà Trang thấy Tiên có tiềm năng trong cuộc thi nên tiếp cận và đặt vấn đề đầu tư trang phục nhưng thực tế không hề hỗ trợ gì.
Đại diện VKS cho rằng trong vụ án này bà Trang có đủ tư cách khởi kiện. Về yêu cầu đòi bị đơn trả số tiền 1,5 tỷ đồng, cơ quan công tố cho rằng bà Trang có nhiều lời khai mâu thuẫn. Ông Trọng xác nhận không giao tiền cho nguyên đơn, bị đơn cũng như không chứng kiến bà Trang giao tiền cho hoa hậu Thùy Tiên.
Từ những phân tích trên, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bà Trang.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa tới 14/11.
Tòa tuyên nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái vô tội
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 7/11, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã tuyên án sơ thẩm đối với 10 bị cáo trong vụ án "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ; Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Trong vụ án, nhiều bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái truy tố cùng lúc 2 tội danh.
Cụ thể, bị cáo Lăng Đức Hân – Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm và bị cáo Bùi Minh Đức – công nhân Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm bị truy tố 2 tội "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ", "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
3 bị cáo là lãnh đạo Công ty Tuyên Huy bị truy tố 2 tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ", "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên". Họ gồm Nguyễn Văn Hậu – Giám đốc, Nguyễn Trọng Tuấn – Phó Giám đốc, Bùi Mạnh Hùng - Phó Giám đốc.
Với tội danh "Vận chuyển trái phép vật liệu nổ", phía Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái truy tố 2 bị cáo là Trần Đắc Việt – thủ kho vật liệu nổ Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm và Nguyễn Văn Báu – bảo vệ của Công ty Ngọc Tâm.
Với tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", 3 người bị cáo buộc phạm tội là Lưu Bằng Đoàn (SN 1972, trú TP.Yên Bái, Yên Bái), Nguyễn Mạnh Hùng – tức Hùng lùn (SN 1978, trú TP.Hà Nội), Đinh Tiến Hùng – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái.
Cơ quan truy tố cáo buộc, trong thời gian từ tháng 10/2020 đến ngày 30/12/2020, lợi dụng hợp đồng nổ mìn sửa chữa, nâng cấp đường lên mỏ Công ty Tuyên Huy, Lăng Đức Hân cùng đồng phạm đã sử dụng trái phép 2768 kg thuốc nổ các loại, 3391 kíp nổ các loại để khai thác trái phép quặng chì – kẽm trong các hầm lò có sẵn tại mỏ của Công ty Tuyên Huy và mỏ dưới thuộc thôn Làng Rẫy (Cảm Nhân, Yên Bình) với tổng khối lượng 1.096 tấn quặng chì – kẽm, giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Số vật liệu nổ sử dụng trái phép tại mỏ của Công ty Tuyên Huy là 1726 kg thuốc nổ các loại và 2325 kíp nổ các loại. Số quặng khai thác trái phép tại mỏ Công ty Tuyên Huy là 1.073 tấn quặng chì – kẽm, giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Trong vụ án, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng bị cáo buộc có vai trò là người khởi xướng, đặt vấn đề và đưa ra mức hưởng lợi nhuận của bản thân cũng như với Công ty Tuyên Huy, thống nhất giao cho Nguyễn Mạnh Hùng tìm người lên mỏ để triển khai thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và phải chịu trách nhiệm đối với lượng khoáng sản khai thác trái phép tại mỏ của Công ty Tuyên Huy là hơn 1.073 tấn quặng chì – kẽm, có giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Tại tòa hôm nay, HĐXX nhận định, tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo Hân, Tuấn, Hùng "lùn", Đức, Việt, Báu, Đoàn đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được các quy định của pháp luật về quy định trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ và khai thác tài nguyên nhưng vẫn cấu kết với nhau, cố ý thực hiện hành vi sử dụng trái phép vật liệu nổ với khối lượng lớn để khai thác khoáng sản.
Hành vi phạm tội của những bị cáo này là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an toàn công cộng và trật tự quản lý kinh tế nhà nước, gây dư luận xấu.
Về những cáo buộc với nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, HĐXX thấy cáo trạng xác định, tại cuộc gặp ngày 18/102020 tại quán cà phê Đồng Tâm (TP.Yên Bái), Đinh Tiến Hùng đặt vấn đề với Tuấn và Hậu với nội dung: Các ông có mỏ, tôi thì có quan hệ, bây giờ đang tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn, tôi sẽ đứng ra lo quan hệ, cơ chế, còn Hùng "lùn" đi tìm người về khai thác quặng. Sau khi khai thác và bán quặng, tính toán trừ đi chi phí quan hệ, chi phí sản xuất thì Đinh Tiến Hùng sẽ lấy 1/3, 2/3 còn lại của Công ty Tuyên Huy và Hùng "lùn". Sau khi nghe lời đề nghị của Đinh Tiến Hùng, Hậu và Tuấn đồng ý.
Xét lời khai của Hậu tại biên bản lấy lời khai ngày 1/11/2021, khoảng tháng 10/2020, Tuấn gọi điện thoại cho Hậu nói là đã bàn bạc với Đinh Tiến Hùng về việc Hùng "lùn" vào khai thác quặng tại mỏ Núi Ngàng và đã thống nhất với nhau tỉ lệ ăn chia sau khi khai thác…
Tại tòa, Hậu khai về câu nói của Đinh Tiến Hùng tại quán cà phê Đồng Tâm có đại ý rằng, tiện việc làm đường thì tiến hành khai thác quặng luôn. Đinh Tiến Hùng sẽ đứng ra lo quan hệ, cơ chế, còn Hùng "lùn" tìm người khai thác quặng, Đinh Tiến Hùng nhận 1/3/, 2/3 còn lại của Công ty Tuyên Huy và Hùng "lùn". Hậu nghe xong thì đồng ý, còn Tuấn không biết có nghe rõ hay không nhưng không nói gì.
Sau cuộc gặp mặt này Hậu không có liên lạc gì với Đinh Tiến Hùng, cũng không thấy Đinh Tiến Hùng liên hệ, lo quan hệ, cơ chế gì, cũng chưa làm gì giúp Công ty Tuyên Huy và Công ty Tuyên Huy cũng chưa trả gì cho Đinh Tiến Hùng. Hậu cho rằng nội dung cuộc nói chuyện ở quán cà phê Đồng Tâm là chưa được triển khai trên thực tế.
Tại tòa, bị cáo Tuấn khai, tại cuộc gặp ở quán cà phê Đồng Tâm thì chỉ có Hậu nói chuyện với Đinh Tiến Hùng, Tuấn không tham gia, có lúc Tuấn nghe điện thoại nên chỉ nghe bập bõm và cũng không có ý kiến gì. Sau khi ra về được Hậu nói lại nội dung Đinh Tiến Hùng nói.
HĐXX xét thấy, bị cáo Hậu, Tuấn tại cơ quan điều tra và tại tòa nhiều lần thay đổi lời khai, nội dung khai báo về cuộc gặp với Đinh Tiến Hùng còn nhiều mâu thuẫn, do đó cần phải có thêm chứng cứ khác để kiểm tra, đối chiếu các thông tin về nội dung Đinh Tiến Hùng nói tại quán cà phê Đồng Tâm.
Đây là một trong những yêu cầu mà HĐXX đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung tuy nhiên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái không thu thập được dữ liệu âm thanh, hình ảnh của buổi nói chuyện; không có người làm chứng; không có chứng cứ nào khác để xác định nội dung cuộc nói chuyện của Đinh Tiến Hùng với Hậu và Tuấn ngày 18/10/2020.
Vì vậy cáo trạng chỉ dựa duy nhất vào lời khai của bị cáo Hậu để xác định Đinh Tiến Hùng có lời nói khởi xướng, đặt vấn đề chia lợi nhuận và việc khai thác quặng trái phép tại mỏ Núi Ngàng là không đúng chứng cứ chứng minh.
Mặt khác, theo HĐXX, lời khai của Hân, Tuấn tại phiên tòa thể hiện, Hân là người đặt vấn đề với Tuấn về việc nổ mìn trong mỏ để lấy đá làm đường, đồng thời tiến hành khai thác quặng. Tuấn đã tiếp nhận đề xuất của Hân và báo cáo Hậu. Khi Hậu đồng ý thì Tuấn thông báo lại cho Hân để tiến hành nổ mìn trong các hầm lò của Công ty Tuyên Huy.
Hân cũng khẳng định Đinh Tiến Hùng không bàn bạc, không có liên quan gì đến hoạt động của Công ty Ngọc Tâm trên mỏ Núi Ngàng. Lời khai của Hân và Tuấn cũng phù hợp với lời khai của Hậu, cho rằng cuộc nói chuyện tại quán cà phê Đồng Tâm chưa được triển khai trên thực tế.
"Từ đó có đủ căn cứ kết luận bị cáo Đinh Tiến Hùng không phải là người khởi xướng, thúc đẩy hoạt động khai thác quặng trái phép ở mỏ Núi Ngàng" – HĐXX nhận định.
Trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Đinh Tiến Hùng không thừa nhận bất cứ nội dung nào về việc bàn bạc, trao đổi việc khai thác ở mỏ Núi Ngàng với bất kỳ ai; không sắp xếp, bố trí ai lên mỏ Núi Ngàng; không thừa nhận có trao đổi điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến khai thác mỏ; không được bàn bạc, nhận và hưởng lợi gì từ việc khai thác quặng tại mỏ Núi Ngàng.
Xét lời khai của các bị cáo Hân, Tuấn, Đức, Nguyễn Mạnh Hùng chỉ là một chiều riêng rẽ, không xác định được thời gian và nội dung trao đổi cụ thể. Các lời khai này không chứng minh được cho nhau, không chứng minh được vai trò, vị trí và tính liên quan trực tiếp của Đinh Tiến Hùng như cáo trạng truy tố.
Ngoài ra, không có tài liệu chứng cứ nào khác thể hiện Đinh Tiến Hùng có hành vi cụ thể nào phù hợp với nội dung trao đổi tại quán cà phê Đồng Tâm ngày 18/10/2020 như cáo trạng truy tố.
Cụ thể, không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh Đinh Tiến Hùng tham gia chỉ đạo, thúc đẩy việc khai thác trái phép mỏ Núi Ngàng. Không có chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng có hành vi sắp xếp, bố trí người, phương tiện, vật tư khai thác trái phép quặng.
Không có chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, quan hệ cá nhân để tác động, bao che việc khai thác trái phép mỏ Núi Ngàng; không có chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng đã nhận được lợi ích gì, do đó cáo trạng truy tố Đinh Tiến Hùng là đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" với vai trò là người tổ chức là không có căn cứ.
Quá trình điều tra và tranh tụng tại tòa đã không chứng minh được Đinh Tiến Hùng là đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Tòa án đã 2 lần trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái để bổ sung chứng cứ chứng minh cho việc truy tố Đinh Tiến Hùng, nhưng Viện Kiểm sát đã không bổ sung được chứng cứ gì mới.
Từ các lẽ trên, HĐXX quyết định, tuyên bố các bị cáo Lăng Đức Hân, Bùi Minh Đức phạm tội "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ" và "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn, Nguyễn Văn Hậu, Bùi Mạnh Hùng phạm tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" và "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Tuyên bố các bị cáo Trần Đắc Việt, Nguyễn Văn Báu phạm tội "Vận chuyển trái phép vật liệu nổ"; Lưu Bằng Đoàn, Nguyễn Mạnh Hùng phạm tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".
Tuyên bố bị cáo Đinh Tiến Hùng không có tội. Việc khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của Đinh Tiến Hùng được giải quyết theo quy định của pháp luật.
9 bị cáo khác lần lượt chịu các mức án như sau:
Lăng Đức Hân - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm, 19 năm tù
Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy, 18 năm tù.
Bùi Minh Đức - công nhân Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm, 17 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Trọng Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy, 14 năm tù.
Bùi Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy, 17 năm tù.
Nguyễn Văn Báu - bảo vệ Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm, 15 năm tù.
Trần Đắc Việt - thủ kho vật liệu nổ Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm, 10 năm tù.
Các bị cáo Lưu Bằng Đoàn và Nguyễn Mạnh Hùng - lao động tự do, đều bị tuyên án 2 năm tù cho hưởng án treo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.