TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Mẹ nhẫn tâm bán con 2 tuổi; thông tin mới vụ chém đứt lìa chân ở Hà Nội
TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Mẹ nhẫn tâm bán con ruột 2 tuổi; thông tin mới vụ chém đứt lìa chân ở Hà Nội
A.Đ (T/H)
Thứ ba, ngày 30/08/2022 19:00 PM (GMT+7)
Tạm giữ hình sự người mẹ nhẫn tâm bán con ruột 2 tuổi; thông tin mới vụ chém đứt lìa chân ở Hà Nội; tuyên án vụ cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam; xét xử vụ “bay lắc” trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I... là những tin nóng 24 giờ qua.
Tạm giữ hình sự người mẹ nhẫn tâm bán con ruột 2 tuổi
Như Dân Việt đã thông tin: Theo thông tin từ Công an Hải Phòng, khoảng 19h ngày 28/8, Công an quận Đồ Sơn nhận được đơn trình báo về vụ việc có dấu hiệu giữ người trái pháp luật trên địa bàn quận Đồ Sơn. Qua điều tra, Công an quận Đồ Sơn đã nhanh chóng xác minh, kịp thời phát hiện, triệt xoá ổ nhóm mua bán người dưới 16 tuổi.
Căn cứ tài liệu và chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đồ Sơn đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng gồm: Đặng Văn Dũng, sinh năm 1989, trú tại Đoàn Xá, Kiến Thuỵ, Hải Phòng; Bùi Thị Phương, sinh năm 1990, trú tại Ân Nghĩa, Lạc Sơn, Hoà Bình và Vũ Thị Hiền, sinh năm 1996, trú tại Nam Thái, Nam Trực, Nam Định.
Nạn nhân là bé gái sinh năm 2020, chưa có giấy khai sinh, được xác định là con đẻ của Vũ Thị Hiền.
Hiện Công an quận Đồ Sơn tiếp tục điều tra, mở rộng án để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Vụ người đàn ông bị chém đứt lìa chân ở Hà Nội: Diễn biến mới từ cơ quan điều tra
Hậu quả của vụ việc khiến nạn nhân bị đứt lìa chân. Nạn nhân được xác định là anh N.V.H (SN 1972, trú xã Hồng Vân).
Công an huyện Thường Tín đã khẩn trương vào cuộc điều tra, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.Hà Nội truy xét, làm rõ các đối tượng liên quan.
Vũ Tá Đăng áp sát từ phía sau lưng nạn nhân H rồi vung dao chém đứt lìa chân người này. Ảnh cắt từ clip
Ở diễn biến mới nhất, Công an huyện Thường Tín đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Huy Hoàng (SN 2000, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và Vũ Tá Đăng (SN 1994, Trúc Bạch, Ba Đình, TP.Hà Nội) về hành vi "Cố ý gây thương tích".
Nguyễn Huy Hoàng và Vũ Tá Đăng được xác định là các đối tượng liên quan đến vụ chặt đứt lìa chân người đàn ông nêu trên. Vũ Tá Đăng được xác định đã bỏ trốn, cơ quan điều tra hiện đang truy bắt đối tượng này.
Về nội dung vụ án, tài liệu điều tra thể hiện, do có mâu thuẫn tiền bạc với anh H, đầu giờ chiều 13/7, Đăng gọi điện cho Hoàng rủ đi "giải quyết" mâu thuẫn với nạn nhân H.
Hoàng nhận lời, ngày 14/7 mượn xe máy chở Đăng đi. Các đối tượng đã chuẩn bị biển kiểm soát khác để lắp vào xe máy, Đăng mang theo dao "mèo" tìm anh H. Do không thấy anh H nên Hoàng và Đăng ra về.
16 giờ ngày 15/7, hai đối tượng quay lại khu nơi anh H ở.
Khi thấy nạn nhân đang đi bộ trên vỉa hè, Đăng cầm dao áp sát từ sau lưng rồi chém đứt chân nạn nhân.
Tuyên án vụ cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 30/8, TAND TP.Hà Nội tuyên án sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty SX-XNK).
Trong số 28 người, bị cáo Phạm Văn Cành, cựu Bí thư Thường trực Bình Dương và Đỗ Thị Thanh Thuý, cựu Kế toán trưởng Tổng công ty SX-XNK xin vắng mặt từ đầu. Ông Cành mới phẫu thuật sọ não còn bà Thúy mới sinh, sức khỏe yếu nên được đồng ý vắng.
Video tuyên án cựu Bí thư Tỉnh ủy cùng hàng loạt cựu quan chức Bình Dương.
Chủ tọa Vũ Quang Huy thay mặt HĐXX tuyên án sơ thẩm thể hiện, các sai phạm trong vụ án xảy ra tại Bình Dương nhưng viện kiểm sát có thể ủy quyền cho các cấp dưới thực hành công tố. Tại cáo trạng vụ án, VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND TP.Hà Nội nên việc TAND TP.Hà Nội xét xử là đúng thẩm quyền.
Về nội dung, án sơ thẩm thể hiện Công ty SX – XNK do bị cáo Minh làm Chủ tịch là doanh nghiệp vốn Nhà nước. Năm 2006, doanh nghiệp này được nhận quản lý các khu đất 43ha và 145ha tại Bình Dương.
Năm 2011, Công ty SX-XNK Bình Dương chính thức được giao quyền sử dụng 2 khu đất trên. Tuy nhiên, bị cáo Trần Văn Nam và một số thuộc cấp áp giá thu tiền theo khung giá năm 2006, gây thiệt hại 761 tỷ đồng.
Tại khu 43ha, sau khi được giao đất, Nguyễn Văn Minh mang đi góp vốn vào Công ty Tân Phú – doanh nghiệp sân sau của gia đình. Khi Công ty SX-XNK phải cổ phần hóa, Tỉnh ủy yêu cầu chuyển khu đất 43ha nói trên về Cty Impco (trực thuộc Tỉnh ủy).
Tuy nhiên, các bị can trong vụ làm ngược lại với "động cơ chiếm đoạt, hưởng lợi từ các khu đất". Nguyễn Văn Minh thống nhất với con rể Nguyễn Đại Dương cùng các đồng phạm bán trái phép, gây thiệt hại 984 tỷ đồng, theo viện kiểm sát.
Sai phạm tiếp theo tại khu 145ha, cáo trạng xác định Nguyễn Văn Minh và và đồng phạm cũng tìm cách thâu tóm bằng cách mang đi liên doanh, góp vốn vào Công ty Tân Thành – doanh nghiệp của chính ông Minh.
Tỉnh ủy yêu cầu khu đất phải để lại Công ty SX – XNK sử dụng sau khi cổ phần hóa nhưng bị cáo Minh đưa cả 145ha từ "tài sản đang dùng" vào danh mục "tài sản chờ thanh lý" để không xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Như vậy, 145ha không được đưa vào giá trị khi cổ phần hóa Công ty SX – XNK dẫn tới thất thoát 4.030 tỷ đồng của Nhà nước.
Ngoài ra, năm 2018, bị cáo Minh còn chỉ đạo Công ty SX – XNK mua cổ phần của Công ty Tân Thành. Tuy nhiên, giá mua bán thay vì 16.000 đồng/cổ như thực tế được nâng lên thành hơn 105.000 đồng/cổ. Qua đây, nhóm Nguyễn Văn Minh tham ô 815 tỷ đồng.
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Minh có vai trò chính, cầm đầu, tổ chức. Các bị cáo còn lại phạm tội trong vai trò đồng phạm; có bị cáo phạm tội do bị ảnh hưởng của Minh như con gái, các cấp dưới.
HĐXX đánh giá, hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu tới dư luận; xâm phạm quyền quản lý kinh tế của Nhà nước… nên phải nhận mức án nghiêm.
Tuy nhiên, tòa ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ như các bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo. Đặc biệt, hậu quả vụ án đã cơ bản được khắc phục.
Về trách nhiệm dân sự, án sơ thẩm xác định do UBND tỉnh Bình Dương vào năm 2011 đã áp giá sai khi giao các khu đất 43ha và 145ha nên hiện tại, Công ty SX- SXK phải nộp bù 761 tỷ đồng; xác nhận doanh nghiệp này đã nộp hơn 200 tỷ đồng, còn thiếu hơn 500 tỷ đồng.
Với việc chuyển nhượng 43ha, HĐXX tuyên tạm giao khu đất này cho Công ty Tân Phú. Còn khu 145ha, án sơ thẩm tuyên trả về cho Tỉnh ủy Bình Dương theo quy định; ngân hàng BIDV phải bàn giao giấy tờ khu đất này. Các quan dân sự khác, án sơ thẩm dành quyền cho các bên tự thỏa thuận hoặc nếu có tranh chấp được khởi kiện theo quy định.
Mức án sơ thẩm các bị cáo phải nhận:
Nhóm 22 người bị phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí":
Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, 7 năm tù.
Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, 7 năm tù.
Phạm Văn Cành, cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, 3 năm tù treo.
Huỳnh Công Phát, cựu Phó giám đốc Tổng công ty SX-XNK Bình Dương 4 năm 6 tháng tù.
Lý Thanh Châu, cựu Phó giám đốc Tổng công ty SX-XNK Bình Dương 4 năm 6 tháng tù.
Ngô Dũng Phương, cựu Trưởng phòng Tài chính Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương 4 năm tù.
Nguyễn Thế Sự, cựu Kiểm soát viên Tổng công ty SX-XNK Bình Dương 5 năm 6 tháng tù.
Đỗ Thị Thanh Thuý, cựu Kế toán trưởng Tổng công ty SX-XNK Bình Dương 30 tháng tù.
Hồ Đắc Hiếu, cựu Tổng giám đốc Công ty tư vấn và thẩm định giá Đông Nam, 5 năm tù.
Phạm Hữu Hiền, cựu Phó giám đốc Công ty tư vấn và thẩm định giá Đông Nam 4 năm tù.
Hồ Hoàng Nam, cựu Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn và thẩm định giá Đông Nam 3 năm 6 tháng tù.
Vũ Thị Lợi, cựu Phó phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương 30 tháng tù.
Nguyễn Thị Kim Liên, cựu Chi cục trưởng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, 4 năm tù.
Hà Văn Thuận, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, 4 năm tù.
Nguyễn Thái Thanh, cựu Phó phòng thuộc Cục Thuế tỉnh Bình Dương, 5 năm tù.
Võ Thanh Bình, cựu Cục phó Cục Thuế tỉnh Bình Dương, 6 năm tù.
Lê Văn Trang, cựu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương, 7 năm tù.
Trần Xuân Lâm, cựu Chánh thanh tra tỉnh Bình Dương 4 năm 6 tháng tù.
Võ Văn Lượng, cựu Chánh VP UBND tỉnh Bình Dương 3 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Thanh Trúc, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương 4 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Quốc Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty BĐS Âu Lạc, 3 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Đại Dương (con rể Nguyễn Văn Minh), kinh doanh tự do, 5 năm tù.
Ba người bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản":
Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương án 14 năm tù về tội "Vi phạm…" và 13 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; tổng hợp hình phạt 27 năm tù.
Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty SX-XNK Bình Dương, 12 năm tù về tội "Vi phạm…" và 11 về tội "Tham tài sản", tổng hợp 23 năm tù.
Huỳnh Thanh Hải, cựu Phó giám đốc Tổng công ty SX-XNK Bình Dương, 9 năm tù về tội "Vi phạm…" và 8 năm tù về tội "Tham ô tài sản", tổng hợp 17 năm tù.
Ba người bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" gồm:
Võ Hồng Cường, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Hưng Vượng, 5 năm tù.
Nguyễn Thục Anh (con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh), doanh nghiệp tư nhân, 3 năm tù treo.
Trần Đình Như Ý, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển, án 3 năm tù treo.
Xét xử vụ “bay lắc” trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 30/8, TAND TP.Hà Nội xét xử Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) cùng Nguyễn Văn Ngọc (SN 1974), Nguyễn Trung Nguyên (SN 1983), Nguyễn Công Thường (SN 1986), Lê Hoàng Hải (SN 1986), Bùi Chí Hải (SN 1998).
Nhóm này bị truy tố về 3 tội gồm: "Tàng trữ trái phép chất ma tuý", "Mua bán trái phép chất ma tuý" và "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý". Trong 6 bị cáo trên, 4 người đã "dính" các tiền án, tiền sự liên quan đánh bạc, ma túy, trộm cắp, gây rối…
Cùng vụ án, 4 nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương I bị xét xử, trong đó bị cáo Đỗ Thị Lưu, cựu Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền hầu tòa về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Nhóm Nguyễn Minh Huệ và Bùi Thi Hạt, cựu điều dưỡng viên và hộ lý Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, bị truy tố về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Bị cáo Nguyễn Anh Vũ, cựu kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, hầu tòa về tội "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý".
Có 7 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ “bay lắc” trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Ảnh: N.C
Sau phần thủ tục, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng thể hiện, Quý bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của VKSND huyện Thanh Trì về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy".
Anh ta điều trị tại phòng tầng 2, Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Quý khai không mắc bệnh tâm thần nhưng lợi dụng việc này để trốn tránh việc chấp hành bản án.
Cuối năm 2020, khi Khoa Phục hồi chức năng chuyển về khu nhà mới, Quý được điều trị một mình phòng bệnh tầng 2, không có bệnh nhân ở cùng. Lợi dụng sơ hở của cán bộ khoa, Quý đánh chìa khóa riêng để tự do đưa người lạ vào khoa này mua bán, tổ chức sử dụng ma túy.
Bị cáo còn tự thiết kế phòng mình thành 3 buồng, ngăn ngoài cùng để giường bệnh điều trị. Buồng giữa Quý lắp đặt hệ thống loa công suất lớn, âm ly, đèn nháy, bàn DJ để "bay lắc". Một buồng trong cùng, Quý kê giường và các vật dụng khác để nghỉ ngơi, sinh hoạt.
Sau khi cải tạo xong, Quý đã nhiều lần tổ chức các bữa tiệc sử dụng ma túy và "bay lắc" ở đây cho bạn bè, người thân đến thăm và một số nhân viên y tế như Vũ, Huệ, Hạt. Phía truy tố xác định, Quý cùng đồng bọn đã tổ chức thành công 3 bữa "tiệc ma túy" tại phòng này.
Điển hình như tối 1/2/2021, Quý được Huệ mời dự tiệc sinh nhật chị ta ở phòng cán bộ, cạnh nơi điều trị của Quý. Anh ta sau đó cảm ơn bằng cách cho Huệ và bạn bè mượn phòng "bay lắc" để sử dụng ma túy từ 22h đến 5h sáng hôm sau
Một lần khác, Huệ, Hạt, Vũ còn lên tận phòng Quý để xin ma túy mang xuống phòng âm nhạc của khoa cùng sử dụng. Ngoài ra, cáo trạng xác định Quý thường xuyên mua bán ma túy ngay tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Quý khai mua ma túy của một người không rõ lai lịch ở Nghệ An và được giao đến tận phòng điều trị. Nhận hàng, Quý và Ngọc chia thành các hộp, cất giấu lên trần phòng điều trị để tránh bị phát hiện.
Khách mua ma túy, Quý thường đưa vào phòng riêng của anh ta để thỏa thuận về số lượng, giá cả. Đàn em đi giao hàng sẽ được Quý sẽ trả công bằng cách cho sử dụng miễn phí ma túy trong phòng điều trị.
Về hành vi "bảo kê" cho Quý lộng hành ở viện, Viện kiểm sát xác định, bác sĩ Lưu là Trưởng khoa, chịu mọi trách nhiệm về công tác chuyên môn, quản lý hành chính và nhân sự của khoa. Ngoài việc điều trị tự nguyện cho bệnh nhân tâm thần, khoa của bị cáo Lưu còn điều trị cho 10 bị can đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, trong đó có Quý.
Quý khai, hàng tháng nộp cho bác sĩ Lưu từ 6-10 triệu đồng tiền buồng bệnh để được tự do sử dụng và đưa bạn bè đến "bay lắc" mà không bị nhắc nhở. Quý còn khai rằng từng bị Trưởng khoa Lưu đe dọa sẽ nhận xét vào bệnh án là sức khỏe tốt để đi chấp hành án, không được điều trị tại khoa.
Sau khi nhận tiền của Quý, bác sĩ Lưu đưa cho tổ công đoàn 2-3 triệu đồng mỗi tháng để nhập quỹ. Tổ trưởng công đoàn có viết chi tiết các khoản thu nhưng sau đó bà Lưu chỉ đạo tiêu hủy hết sổ sách nên không thể nhớ từng khoản. Quá trình điều tra, nữ Trưởng khoa khai, Quý 4 lần chúc mừng khoa với tổng số tiền là 8,5 triệu đồng.
Về việc Quý tự cải tạo buồng bệnh, bị cáo Lưu cho hay "có nghe cán bộ khoa phản ánh và lên nhắc nhở" nhưng Quý không thực hiện. Bị cáo phủ nhận việc thu tiền phòng hàng tháng của Quý.
Ngoài hành vi bao che cho Quý, cơ quan tố tụng xác định bà Lưu còn lợi dụng chức vụ trưởng khoa của mình để thu, nhận tiền trái phép của bệnh nhân và người nhà họ. Bị cáo thông qua quỹ công đoàn để chia cho mỗi cán bộ, nhân viên trong khoa trung bình 600 nghìn đồng/tháng; tổng cộng cho 38 cán bộ trong khoảng 24 tháng với tổng số 384 triệu đồng. Hiện các nhân viên trong khoa nhận thức đây là tiền hưởng lợi trái phép đã nộp lại 247 triệu đồng.
Liên quan vụ án, ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I bị cách chức vì buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu; để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong phạm vi bệnh viện, hậu quả rất nghiêm trọng.
Đánh nhau trong đêm, 2 thanh niên bị đâm thương vong
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 29/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã bắt khẩn cấp Võ Nguyễn Tuấn Khang (17 tuổi) và Đặng Huỳnh Thanh Nghĩa (19 tuổi, cùng ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) để điều tra vụ đánh nhau làm một người chết, một người bị thương xảy ra tại phường Phước Tân.
Từ can ngăn đánh nhau, nam thanh niên rút dao đâm chết người
Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 25/8, tại khu phố Vườn Dừa (phường Phước Tân) xảy ra vụ ẩu đả giữa nhóm của Khang, Nghĩa với nhóm thanh niên gồm: Bùi Văn Nam, Phan Ngọc Duy, Nguyễn Quốc Hùng (cùng ngụ TP.Biên Hòa).
Trong lúc đánh nhau, Khang dùng dao đâm Bùi Văn Nam gây thương tích. Tiếp đến Khang tiếp tục chạy đến dùng dao đâm nhiều nhát vào người Duy. Hậu quả khiến Duy tử vong sau đó, còn Nam bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Nhận thông tin vụ việc, lực lượng công an vào cuộc xác minh và bắt giữ các nghi can để tiếp tục điều tra làm rõ.
Xét xử vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng còn sống: Đại diện UBND TP.Hà Nội không đến tòa
Như Dân Việt đã thông tin: Tòa án nhân dân TP.Hà Nội hôm nay (30/8) đã mở lại phiên tòa dân sự tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ. Vụ án có liên quan đến việc con dâu khai tử bố mẹ chồng còn sống ở Tây Hồ (TP.Hà Nội), tuy nhiên, tòa tiếp tục có quyết định bất ngờ vì những tình tiết liên quan.
Nguyên đơn là chị Hoàng Thùy Linh (SN 1975), anh Nguyễn N (SN 1968), cùng trú An Dương (Tây Hồ). Bị đơn trong vụ án là bà Vũ Thị Viễn (SN 1956, Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp (SN 1932), cụ Nguyễn Thị An (SN 1932), cùng trú phường Nhật Tân (Tây Hồ). Người đại diện theo ủy quyền của 2 cụ Hợp, cụ An là bà Đỗ Thị Huyền (SN 1959, phường Nhật Tân); ông Đỗ Xuân Hương (SN 1970, phường Nhật Tân); bà Đinh Hồng Nhung (SN 1991, Bắc Từ Liêm).
Ngoài 2 cụ Hợp, cụ An, còn có 12 đơn vị, cá nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án như: Phòng công chứng số 3 TP.Hà Nội, UBND TP.Hà Nội, UBND quận Tây Hồ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, Phòng công chứng số 1, UBND phường Nhật Tân…
Tại phiên tòa vụ "Tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" hôm nay, sau phần thủ tục, Hội đồng xét xử quyết định hoãn tòa.
Lý do được đưa ra hôm nay là tòa án đã triệu tập một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, họ là những đơn vị, cá nhân triệu tập lần đầu nhưng đã vắng mặt, trong đó có đại diện UBND TP.Hà Nội, Văn phòng đăng ký đất đai và 1 số người khác vắng mặt không lý do.
Mặc dù còn sống khỏe mạnh nhưng vợ chồng cụ ông 90 tuổi ở Tây Hồ đã bị con dâu khai tử. Ảnh: TK
Cũng tại tòa, phía nguyên đơn đề nghị hoãn tòa để tiến hành định giá lại tài sản. Trong vụ án, chị Linh mua nhà của bà Viễn, chị Linh yêu cầu khởi kiện vì cho rằng bà Viễn ở nhờ nhà của mình.
Trước những diễn biến này, sau hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn tòa.
Về phía 2 cụ Hợp, cụ An là 2 người bị con dâu khai tử mặc dù còn sống từ nhiều năm trước, hôm nay 2 cụ vắng mặt với lý do sức khỏe quá yếu. Phía luật sư bảo vệ quyền lợi cho 2 cụ cho biết, sau thời điểm bị Covid-19, sức khỏe tim mạch của 2 cụ không tốt.
Tuy nhiên 2 cụ đã ủy quyền cho 2 con tham dự phiên tòa và cả 2 người con này đều đã đến tham gia tố tụng đúng quy định.
Về diễn biến, vụ việc trải qua nhiều lần hoà giải, nhiều lần đưa ra toà nhưng Hội đồng xét xử vẫn chưa thể đưa ra phán quyết.
Thời điểm ngày 18/9/2020, phiên tòa xét xử vụ việc đã được mở, dù bị đơn không có mặt, Hội đồng xét xử vẫn làm việc.
Sau khi tranh tụng, Hội đồng xét xử nhận thấy việc bà Viễn làm thủ tục khai tử bố mẹ chồng đang sống có dấu hiệu vi phạm hình sự nên đã tạm dừng xét xử, chuyển hồ sơ để đề nghị cơ quan điều tra làm rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.