TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Nữ sinh lớp 7 sinh con trong phòng tắm; bồi thường vụ 39 năm án oan giết người
TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Nữ sinh lớp 7 sinh con trong phòng tắm; bồi thường vụ 39 năm chịu tiếng oan giết người
A.Đ (T/H)
Thứ năm, ngày 16/02/2023 19:00 PM (GMT+7)
Nữ sinh lớp 7 sinh con trong phòng tắm; 39 năm chịu tiếng oan giết người, 2 cụ ông được bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng; xôn xao vụ khoe "hack" số km đường trường khi học lái xe ô tô... là những tin nóng 24 giờ qua.
Vụ nữ sinh lớp 7 sinh con trong phòng tắm: Bắt thanh niên là bố cháu bé
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 16/2, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ Nông Văn Minh (SN 2006, ở Sơn Động, Bắc Giang) về hành vi "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi".
Trước đó, cảnh sát nhận tin báo về việc khoảng 4h30 ngày 11/2, tại xã An Bá, huyện Sơn Động, gia đình phát hiện cháu T.T.M.C (SN 2010, là học sinh lớp 7) đẻ một bé trai trong phòng tắm tại nhà.
Cảnh sát bắt giữ Nông Văn Minh vì xâm hại, làm nữ sinh lớp 7 đẻ con. Ảnh: Công an Bắc Giang
Do vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cảnh sát lập tức điều tra và xác định Nông Văn Minh là người xâm hại cháu bé.
Nam đối tượng khai với cảnh sát, giữa mình và cháu C có quan hệ tình cảm yêu đương. Khoảng tháng 6/2022, hai người nhiều lần quan hệ tình dục dẫn đến cháu C mang thai và sinh con.
Liên quan vụ việc, ngày 14/2, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động ra văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng, yêu cầu tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Chính quyền địa phương cũng động viên gia đình, hỗ trợ đột xuất cho cháu C 3 triệu đồng.
39 năm chịu tiếng oan giết người, 2 cụ ông được bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 15/2, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã trao số tiền gần 1,1 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Trần Ngọc Chinh (82 tuổi, trú tại huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc).
Dự kiến, ngày 16/2, cơ quan này tiếp tục trao số tiền gần 1,7 tỷ đồng bồi thường oan sai cho gia đình ông Trần Trung Thám (trú cùng địa phương, đã chết).
Ông Chinh, ông Thám và ông Khổng Văn Đệ (cùng địa phương, 100 tuổi) là 3 người bị hàm oan trong vụ án giết người xảy ra cách đây hơn 43 năm.
Theo nội dung vụ án, năm 1980, ông Chu Văn Quản - Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô bị sát hại. Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) đã khởi tố, bắt giam 4 bị can, gồm các ông Nguyễn Đình Ký, Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám và Khổng Văn Đệ.
Trong quá trình giam giữ, ông Trần Trung Thám tử vong vì bệnh. Năm 1983, TAND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) xác định chỉ một mình bị cáo Nguyễn Đình Ký gây án nên tuyên phạt chung thân về tội giết người; 3 người còn lại không liên quan đến vụ án nên đã được đình chỉ điều tra.
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng đã không có bất cứ quyết định chính thức nào khẳng định ba người đàn ông này bị oan. Tai tiếng giết người cứ đằng đẵng đeo bám các ông cùng gia đình.
Đến tháng 10/2019, sau khoảng 39 năm, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc mới tổ chức xin lỗi, cải chính công khai giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc đối với ông Trần Ngọc Chinh (khi đó đã 81 tuổi), ông Trần Trung Thám (77 tuổi, em ruột ông Chinh, đã mất năm 1980) và ông Khổng Văn Đệ (89 tuổi, cùng trú tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh) bị truy tố oan tội giết người vào năm 1980.
Đến tháng 9/2020, trải qua nhiều lần thương lượng, gia đình ông Đệ đã chấp nhận khoản tiền bồi thường oan sai hơn 1,1 tỷ đồng từ VKSND tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong khi đó, gia đình ông Chinh và ông Thám khởi kiện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, yêu cầu bồi thường tổng số 38 tỷ đồng (ông Chinh đòi bồi thường gần 12 tỷ 870 triệu đồng; gia đình ông Thám đòi bồi thường 25 tỷ đồng).
Tòa án sau đó tuyên viện kiểm sát bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó ông Chinh được bồi thường gần 1,1 tỷ đồng, gia đình ông Thám được bồi thường gần 1,7 tỷ đồng vì những tổn thất mà họ phải gánh chịu.
Xôn xao vụ khoe "hack" số km đường trường khi học lái xe ô tô
Như Dân Việt đã thông tin: Những ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh đang được lan truyền về hình ảnh một chiếc xe ô tô tập lái xe màu trắng được gắn gần 10 thiết bị đo đếm, theo dõi tập lái xe ô tô, kèm theo nội dung: "810 km đường trường để thi sát hạch? Đừng lo đã có thầy! Ơ thế là "hack" được thật hả...?"
Nội dung này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận và được nhiều người lo ngại nếu đây là sự thật thì người được cấp giấy phép lái xe có đảm bảo được tính an toàn khi lái xe khi ra đường hay không?
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Đơn vị đã nắm được thông tin hình ảnh về việc một chiếc xe có gắn nhiều thiết bị theo dõi tập lái xe ô tô".
"Chúng tôi đang xác minh hình ảnh này chụp địa chỉ nào, đơn vị nào để làm có hay không việc gian lận số km trong việc học lái xe ô tô. Có thể đây là lúc Trung tâm sát hạch lái xe thử nghiệm, kiểm tra thiết bị giám sát đạo tạo lái xe", ông Thống cho biết.
Cũng theo ông Thống, tại thời điểm này, Cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với các Sở GTVT, các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra rà soát các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, nên sẽ khó có chuyện gian lận trong đào tạo lái xe. Nếu có phát hiện ra trường hợp gian lận chúng tôi sẽ yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
"Thông qua hình ảnh này, chúng tôi sẽ có văn bản gửi tới Sở GTVT các tỉnh và các đơn vị liên quan để rà soát chẩn chỉnh, theo dõi việc đạo tạo sát hạch lái xe. Chúng tôi cũng không loại trừ trường hợp người đăng hình ảnh này có mục đích không rõ ràng", ông Thống nêu rõ.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo về việc triển khai Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định lắp đặt thiết bị DAT để quản lý thời gian, quãng đường học thực hành học lái xe ô tô của học viên.
Thống kê cho thấy, đến nay, hệ thống đã tiếp nhận dữ liệu của 672.392 học viên (trong đó có 473.733 hoàn thành đủ khối lượng), 13.791 khóa học, 6.520.877 phiên học thực hành và 40.673 xe tập lái đáp ứng nhu cầu quản lý của các Sở Giao thông vận tải.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc ứng dụng DAT vào công tác quản lý đào tạo được dư luận, học viên, cơ sở đào tạo lái xe và các Sở GTVT đánh giá cao.
"Thông qua DAT, học viên học lái xe được đảm bảo nội dung chương trình giảng dạy, kiểm tra được khối lượng nội dung cần thực hành so với quy định, qua đó chất lượng học viên được nâng cao, thể hiện rõ rệt qua kết quả các kỳ sát hạch lái xe", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá.
Cũng theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, cơ sở đào tạo kiểm soát được công tác giảng dạy, quản lý được việc sử dụng phương tiện cũng như sử dụng người lao động (giáo viên dạy lái xe).
Cơ quan quản lý Nhà nước giảm bớt kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, kiểm soát được tuyến đường đào tạo lái xe và xác định được các học viên đã hoàn thành đủ quãng đường, thời gian học thực hành lái xe.
Hiện, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đưa thêm tình huống giao thông trên đường cao tốc để học viên được tiếp cận và thêm kỹ năng khi tham gia giao thông.
Trước đó, việc học phí đào tạo lái xe tăng cao đang khiến cho nhiều người ngỡ ngàng khi chi phí khóa học bằng lái xe B2 trọn gói lên tới 16 triệu đồng. Trong khi đó, vào tháng 10/2022, người học và thi chỉ mất hơn 12 triệu đồng.
Dùng chiêu cũ rích để lừa đảo vẫn chiếm đoạt được hàng trăm triệu đồng
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 16/2, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, vẫn đang mở rộng điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Bị can là Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1991), trú tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị khởi tố, bắt tạm giam vào giữa tháng 1/2023.
Cán bộ điều tra của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, Thắm có một mảnh đất nhưng đã bán.
Trước khi phạm tội, Thắm tham gia làm "cò đất". Thấy dễ có tiền, Thắm vay nóng để kinh doanh bất động sản, "lướt sóng đất"… Tuy nhiên, khi cơn "sốt đất" qua đi, Thắm vỡ nợ vì thua lỗ.
Vậy là Thắm nghĩ đến việc lừa đảo. Để thực hiện hành vi, tháng 6/2022, Thắm đặt làm 4 "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" giả (gọi là sổ đỏ giả). Sau đó, Thắm dùng 3 sổ đỏ giả để lừa đảo một số bị hại, chiếm đoạt số tiền trên 700 triệu đồng.
Thủ đoạn của Thắm là dùng sổ đỏ giả để rao bán đất và nhận được sự tin tưởng của khách hàng, đến mức Thắm đã làm xong thủ tục công chứng việc mua bán đất trên sổ đỏ giả cho khách hàng.
Cán bộ điều tra của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, trong vụ án này, điều đáng nói nhất là Thắm đã lợi dụng sơ hở trong việc công chứng thủ tục chuyển nhượng đất của một số cơ quan, đơn vị để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo công an, Thắm đã ly hôn, các con do chồng chăm sóc. Bị hại chủ yếu là người quen của Thắm. Trước khi phạm tội, Thắm đã thực hiện một số thủ tục để xuất khẩu lao động để kiếm tiền chính đáng. Tuy nhiên, khi dự định chưa hoàn thành thì Thắm đã vướng vòng lao lý.
Khởi tố vụ án "thổi giá" hàng chục tỷ đồng thiết bị giáo dục tại Hà Tĩnh
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 16/2, thông tin từ Công an Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến những sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị giáo dục xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo cơ quan điều tra, trong giai đoạn từ năm 2017 – 2019, tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh xảy ra nhiều sai phạm trong công tác mua sắm thiết bị giáo dục. Trước đó, ngày 13/9/2022, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kết luận thanh tra số 320/KL-UBND đã chỉ ra hàng loạt bất thường trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2017 - 2019.
Trong giai đoạn trên, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã thực hiện 17 gói thầu trong việc mua sắm thiết bị dạy học với tổng giá trị 250 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện thầu, các đơn vị trúng thầu đã có sự tráo đổi phụ lục trong phần hồ sơ; hợp thức hóa giá trúng thầu, giá hợp đồng.
Theo tài liệu từ cơ quan chức năng, những gói thầu trên có giá cao bất thường so với những thiết bị nhập khẩu và giá bán của nhà phân phối. Cụ thể, giá nhập khẩu và giá bán lại cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chênh lệch hơn 60 tỷ đồng, tại những gói mua sắm thiết bị giáo dục.
Liên quan những sai phạm trên, đầu tháng 2/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm các cá nhân liên quan, gồm: Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp - Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Trần Trung Dũng - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Xuân Trường - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Hải Lý - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.