Tin thế giới: Sự thật ẩn giấu dưới lớp sóng gào thét Mỹ-Triều Tiên

Duy Anh (Tổng hợp) Thứ ba, ngày 19/12/2017 19:30 PM (GMT+7)
Nói về chính sách của Mỹ về Triều Tiên, Đại sứ Cho Yoon-je đã ví von: "Những cơn sóng đang "thét gào" trên mặt nước, nhưng ở phía dưới, những dòng hải lưu ngầm vẫn luôn nhất quán”.
Bình luận 0

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tự hào về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngày 19.12, Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je khẳng định Mỹ nhất quán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại. 

Trước đó, Mỹ tuyên bố cân nhắc mọi phương án trong đó có giải pháp quân sự, nhưng vẫn ưu tiên các giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Mặc dù vậy, những lo ngại về khả năng Mỹ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào đất nước của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn hiện hữu, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc thử hạt nhân và tên lửa, bấp chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Nói về chính sách của Mỹ về Triều Tiên, Đại sứ Cho Yoon-je đã ví von: "Những cơn sóng đang "thét gào" trên mặt nước, nhưng ở phía dưới, những dòng hải lưu ngầm vẫn luôn nhất quán”.

Ngày 18.12, trong bản chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết dành sự quan tâm tới đe dọa hạt nhân và tên lựa đạn đạo từ Triều Tiên. Ông Trump khẳng định sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên nhằm đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với chính quyền Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, bài xã luận trên tờ "Rodong Sinmun" của Triều Tiên cho biết, Triều Tiên không đồng ý với Mỹ để thảo luận về chương trình hạt nhân, theo sáng kiến Washington đưa ra nhằm thúc đẩy nghị quyết về biện pháp trừng phạt Triều Tiên ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

"Vào thời điểm thông qua thảo luận hiếu chiến đổ trách nhiệm cho chúng tôi về sự suy thoái tình hình trên bán đảo Triều Tiên, chúng tôi không đồng ý đối thoại để thảo luận về việc chúng tôi từ bỏ chương trình hạt nhân. Đề xuất mà ông Tillerson đưa ra về đàm phán không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào và hành động có liên quan của Nhà Trắng không thể được coi là điều gì khác, ngoài nỗ lực chuẩn bị một "nghị quyết trừng phạt" của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống CHDCND Triều Tiên, trong đó có các hình thức cứng rắn như phong tỏa đường biển" bài xã luận cho biết.

Trước đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên và tiến hành đàm phán hiệu quả, trong đó cần điều khoản về khoảng thời gian im lặng. Ông nói thêm rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán với CHDCND Triều Tiên về vấn đề hạt nhân mà không cần điều kiện tiên quyết, nhưng nhấn mạnh rằng "điều quan trọng là các nỗ lực ngoại giao được hỗ trợ bằng các giải pháp quân sự đáng tin cậy." CHDCND Triều Tiên bác bỏ sáng kiến ​​của Mỹ để thảo luận chương trình hạt nhân.

Trong khi đó, Mỹ cũng cần Trung Quốc giúp kiềm chế thái độ hung hăng của Triều Tiên. Hồi tháng 9, Trung Quốc loan báo ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chỉ thị các nhà cho vay địa phương nghiêm ngặt thi hành những chế tài của Liên hợp quốc, theo Reuters. Tuy nhiên Nhà Trắng vẫn cho rằng Bắc Kinh chưa làm đủ.

Trong khi đó, các luận điểm gay gắt của Mỹ có thể khiến Trung Quốc trả đũa. Đại sứ Thôi Thiên Khải của Trung Quốc gần đây đã cảnh báo về hậu quả của cuộc chiến thương mại với những ảnh hưởng toàn cầu.

Nhà Trắng đang muốn đạt cả hai mục tiêu: vừa trừng phạt các thực hành thương mại bất công của Trung Quốc, vừa được Bắc Kinh hỗ trợ kiềm chế Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hai mục tiêu này tỷ lệ nghịch với nhau.Trước mối đe dọa an ninh hiện hữu từ Triều Tiên, thật khó để thấy được căng thẳng gia tăng với Trung Quốc có thể giúp ích gì cho Mỹ hay cho thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem