Tin vui: Mẹ ung thư cổ tử cung vẫn có thể sinh con

Bạch Dương Thứ năm, ngày 16/06/2022 11:44 AM (GMT+7)
Mới đây, một phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung được phẫu thuật điều trị bằng phương pháp không cắt cổ tử cung tận gốc, sau đó vẫn mang thai, sinh con được. Hiện cháu bé khỏe mạnh bình thường.
Bình luận 0
Tin vui: Mẹ ung thư cổ tử cung vẫn có thể sinh con - Ảnh 1.

Kỹ thuật mổ bảo tồn tử cung đem lại hy vọng làm mẹ cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, thông tin này đã mở ra hy vọng cho nhiều phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ, một bệnh nhân ung thư cổ tử cung đã sinh con an toàn, thực hiện thành công giấc mơ làm mẹ. Trước đó, chị đã phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung tận gốc.

Chị N.T.T.T. (39 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, hơn hai năm trước, chị được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh ung thư cổ tử cung xâm lấn giai đoạn 1. Khi đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã triển khai phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung mới là không cắt cổ tử cung tận gốc để những người phụ nữ trẻ, mong muốn sinh con vẫn có thể sinh con.

Tháng 2/2020, bệnh nhân được phẫu thuật cắt cổ tử cung ngả bụng và nạo hạch chậu 2 bên. Ca phẫu thuật chọn lọc và tạo hình giữ lại tử cung để mang bào thai. Chỉ sau sáu tháng được phẫu thuật bảo tồn cổ tử cung, chị T. đã mang thai tự nhiên, được theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ.

Trong thai kỳ, bệnh nhân có 2 lần có nguy cơ sinh non, được đặt thuốc và nằm nghỉ ngơi hoàn toàn. Sau đó, chị được đặt vòng nâng tử cung.

Thời điểm thai được 35 tuần, sản phụ có dấu hiệu vỡ ối nên được sinh mổ chủ động sau khi tiêm trưởng thành phổi thai nhi. Ngày 4/4/2021, bé trai nặng 2,1kg chào đời an toàn. Hiện tại, bé được 14 tháng tuổi và phát triển bình thường.

Theo phương pháp này, các bác sĩ chỉ cắt cổ tử cung, sau đó lấy tử cung nối vào âm đạo, để tạo hình cho tinh trùng có đường vô tử cung, bảo tồn động mạch để nuôi tử cung. Bác sĩ Tiến cho biết, tỷ lệ sinh đẻ thành công sau khi thực hiện phương pháp này khoảng 50% và ít được áp dụng trên thế giới.

Ông cho rằng, rất nhiều bệnh nhân ung thư trẻ tuổi có mong muốn được làm mẹ. Do đó, việc xem xét điều trị bảo tồn chức năng sinh sản là một vấn đề quan trọng. Những nghiên cứu quan sát được công bố trong một thập kỷ qua cho thấy dự hậu tốt về ung thư và sản khoa sau cắt cổ tử cung tận gốc.

Tuy nhiên, chăm sóc thai kỳ ở bệnh nhân cắt cổ tử cung tận gốc là một thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp của bác sĩ ung thư phụ khoa, bác sĩ sản khoa và bác sĩ sơ sinh. Những nguy cơ có thể xảy ra là sảy thai ở tam cá nguyệt thứ hai, vỡ ối non, sinh non, nhiễm trùng ngược dòng...

Tin vui: Mẹ ung thư cổ tử cung vẫn có thể sinh con - Ảnh 3.

Bé trai chào đời khoẻ mạnh từ người mẹ ung thư tử cung. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Tiến cho biết, từ tháng 7/2018 đến 9/2020, có 12 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm đã được phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc tại Khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu TP.

Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đang nghiên cứu hợp tác với các hội ung thư trên thế giới sẽ điều trị bảo tồn cho những phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn hơn (giai đoạn 1B2). Đó là trường hợp các bướu có kích thước từ 2-4cm. Khi đó, bệnh nhân được hóa trị giảm kích thước bướu, rồi cắt cổ tử cung qua ngả âm đạo và nạo hạch chậu.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, phụ nữ trẻ trong độ tuổi hoạt động tình dục nên đi khám tầm soát định kỳ, nếu phát hiện ra ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể phẫu thuật, vừa điều trị khỏi bệnh, vừa được sinh con và cuộc sống trở lại bình thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem