Tình báo Pháp vô dụng như thế nào trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

N.H Thứ ba, ngày 13/10/2020 18:30 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên tại Đông Dương, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tất cả các lực lượng tình báo Pháp cùng nhau phối hợp tác chiến. Nhiệm vụ của họ lần này không chỉ là tìm diệt các đơn vị du kích hay các lực lượng chính quy, mà còn xác định thông tin về hoạt động của đối phương.
Bình luận 0

Tình báo Pháp vốn có lợi thế hơn đối phương, và đây là lần đầu tiên, họ được sử dụng đầy đủ mọi phương tiện để phục vụ các hoạt động. Tướng De Castries, tổng chỉ huy các lực lượng không lục Pháp tại Điện Biên Phủ, có trong tay thông tin từ 2 nguồn: nguồn trực tiếp từ Phòng nhì Nhóm Tác chiến Tây Bắc (GONO) và các nguồn bên ngoài.

Tình báo Pháp vô dụng như thế nào trong chiến dịch Điện Biên Phủ? - Ảnh 1.

Lính dù Pháp đáp xuống Điện Biên Phủ(dienbienphu.org).

GONO có nhiệm vụ khai thác các thông tin mà họ tiếp nhận được để làm thành các nguồn tin có ích cho tổng chỉ huy, theo dõi các đơn vị Việt Minh, xác định và nắm thông tin về các loại vũ khí được sử dụng, đặc biệt phải xác định càng chính xác càng tốt vị trí các đội du kích chiến đấu và ụ pháo. Tất cả những thông tin liên quan đến hoạt động và dự định của quân Việt Minh đều được đưa đến phòng nhì của lực lượng lục quân Bắc Việt Nam. GONO không có quyền quyết định trong mọi trường hợp, mà chỉ đóng vai trò là một đơn vị tham vấn.

GONO sử dụng rất nhiều nguồn nhân sự, gồm nhân viên tình báo, người đưa tin và một số thường dân (trong số 8.000-15.000 người không được sơ tán khỏi trận địa). Để thu thập được thông tin, phòng nhì có một "nguồn tài chính đặc biệt", ban đầu là 20.000 franc/tháng, đến cuối tháng 4 tăng lên 50.000 franc/tháng. Khoản này được chi cho các nhân viên tình báo và những người cung cấp thông tin, tuỳ theo giá trị thông tin mà họ cung cấp.

Những người cung cấp thông tin đóng giả làm phu và trà trộn vào các đơn vị. Tuy nhiên, rất hiếm khi họ cung cấp được số hiệu, mà chỉ đưa ra được số lượng binh lính, trang phục, dân tộc và loại vũ khí được sử dụng. Thông tin về ý đồ hoạt động của đối phương cũng rất hiếm. Đến tháng 2/1954, Việt Minh đề phòng nhiều, khiến những người cung cấp tin không hoạt động nổi nữa.

Một nguồn khác là lực lượng tình báo chuyên đi gặp gỡ tìm kiếm thông tin tại các khu vực chung quanh các cứ điểm. Nhóm này thu thập thông tin tù binh hay các tư liệu thu thập được.

Chỉ huy phòng nhì tại Điện Biên Phủ còn có thể có thông tin từ các đơn vị đặc biệt là Đơn vị Tình báo Tác chiến (SRO) và Nhóm đặc biệt bay hỗn hợp (GCMA), sau đổi tên thành Nhóm Can thiệp hỗn hợp (GMI).

SRO, có nhiệm vụ thu thập thông tin trong khu vực phi kiểm soát tại Đông Dương thông qua nhân viên tình báo, nằm dưới quyền của Tổng chỉ huy quân đội. GCMA, sau này là GMI, gồm những người địa phương đi theo Pháp. Cũng như các nguồn tin khác mà Pháp sử dụng, các nhóm dân tộc ít người và gia đình của họ không còn tác dụng sau khi các cứ điểm bị bao vây và trong giai đoạn đầu cuộc tổng tấn công.

Một nguồn thông tin dồi dào khác là do tù binh và quân đảo ngũ cung cấp. Đội ngũ này cung cấp rất nhiều tin tức quý giá về vị trí đóng quân của đối phương. Tuy vậy, số lượng tù binh và quân đảo ngũ rất thấp. Trong khi các trận đánh diễn ra, chỉ có khoảng hơn 10 lính Việt Minh đảo ngũ, trong khi quân Việt Minh có tới 50.000 người. Hơn nữa, không phải tất cả số lính đảo ngũ này đều quy hàng theo Pháp. Tù binh là một nguồn cung cấp thông tin quý, nhưng số lượng cũng rất ít. Thường tù binh cung cấp vị trí các đơn vị Việt Minh và đặc điểm nhận dạng.

Phòng nhì GONO cũng nắm các phương tiện đạn pháo. 5 đài quan sát của lực lượng tình báo pháo binh được thiết lập, trong đó 3 trạm quan sát pháo binh có tầm nhìn tốn nhất ở đồi Him Lam (phía đông), Độc Lập (phía bắc) và Bản Kéo (phía tây). Ngày 17/3/1954. 3 trạm quan sát tốt nhất này bị đánh gục. Chỉ còn lại 2 đài quan sát không quân (phụ) ở hầm chỉ huy và đồi Claudine.

Máy móc quan sát cùng các sĩ quan của lực lượng quan sát pháo binh không quân số 21 (GAOA 21) có nhiệm vụ xác định tất cả các dấu hiệu đào bới xây dựng hoặc lắp đặt ụ pháo. Hàng đêm, các sĩ quan GAOA 21 đứng từ trạm quan sát, cố gắng xác định vị trí đặt khẩu pháo của đối phương mà trước đó họ chưa xác định được.

Căn cứ không lục Điện Biên Phủ có 5-7 máy bay Morane 500 của GAOA 21, tuỳ thuộc vào nhu cầu và đơn vị bảo dưỡng. Nhiệm vụ của các phương tiện này thường bắt đầu lúc 10 giờ sáng, khi sương mù tan. Pháp sử dụng các phương tiện thăm dò này để bổ sung và hỗ trợ cho lực lượng lục quân. Ngoài ra, 2 chiếc F8F thuộc phi đội trinh sát hoạt động hỗ trợ.

Lực lượng tình báo từ bên ngoài gồm nhiều đơn vị, trong đó có lực lượng làm nhiệm vụ chụp ảnh trinh thám từ trên cao thuộc 2 phi đội đang hoạt động tại Đông Dương là EROM 80 và các máy bay Bearcat và phi đội Armagnac có các máy bay RB26. Những máy bay này có ưu thế hơn vì khả năng hoạt động độc lập, nhưng vào tháng 2/1954, chỉ có 4 phương tiện loại này. Chúng được sử dụng để chụp ảnh trinh thám và ít hoạt động được phía trên khu vực lòng chảo.

Chụp ảnh trinh thám có nhiệm vụ thăm dò và phát hiện các phương tiện của quân Việt Minh, theo dõi hành quân của các đơn vị, xác định kho và đường băng. Thông thường, các phi đội này khẳng định lại thông tin mà các nguồn khác đã có được. Mỗi ngày có 1-2 chuyến đi chụp ảnh trinh thám. Việc phóng và phân tích ảnh sẽ do lực lượng phân tích ảnh không quân (SIPA) đảm nhiệm tại căn cứ. Sau khi phân tích, báo cáo được gửi về phòng nhì FTNV và bản copy được gửi cho phòng nhì GONO.

Công việc trinh thám gặp nhiều khó khăn do địa hình tự nhiên và khí hậu của khu vực này. Các đỉnh núi có thể cao trên 1.000 mét gây khó khăn cho máy bay. Sương mù buổi sáng cũng che lấp các thung lũng, khiến việc chụp ảnh không thể thực hiện được. Những cơn mưa rào như trút nước trong mùa mưa vô hiệu hoá trinh thám. Vì vậy, có những ngày quân Pháp không chụp được một bức ảnh nào. Ngoài ra, rừng rậm nhiệt đới dày đặc đến tận độ cao 700 mét và rừng á nhiệt đới làm các quan sát từ máy bay không thể phát hiện được gì tại khu vực, trừ các đường băng và đường bộ. Thêm vào đó, nghệ thuật nguỵ trang tài tình của Việt Minh khiến ảnh trinh thám không thể phát hiện ra dấu vết gì khác ngoài các tuyến đường hay được sử dụng, các tuyến đường hay công sự mới mở. Bên cạnh đó, Việt Minh có các quy định chặt chẽ trong việc bảo mật nơi trú quân, không có một sơ hở nào. Để phát hiện sự nguỵ trang của đối phương, bộ chỉ huy Pháp cho thử nghiệm các phương tiện kỹ thuật mới như chụp ảnh bằng tia hồng ngoại.

Lực lượng không quân cũng được huy động, nhằm phát hiện tất cả các dấu hiệu nguỵ trang và trận địa pháo của quân Việt Minh. Phim chụp do Mỹ cung cấp với một chuyên gia phân tích người Mỹ có mặt tại chỗ - đại uý Hickey, thuộc lực lượng tình báo Mỹ. Các phi vụ này đã không đạt kết quả vì theo dự định, các phi vụ có nhiệm vụ phát hiện ra các chỗ nguỵ trang nhân tạo bằng cành cây. Nhưng trong rừng rậm, Việt Minh không cần chặt cây để nguỵ trang các kho hàng, đại bác hay các loại vũ khí khác. Tất cả được cất giấu dưới tán cây khiến Pháp không thể phát hiện ra.

Một nguồn thông tin từ xa khác nữa là thông tin kỹ thuật. Hệ thống kiểm soát vô tuyến điện gồm các phương tiện xác định phương bằng vô tuyến điện, hoạt động dự theo nguyên tắc 3 góc, trong đó có 2 điểm cố định và một điểm di động thường nằm trên một tàu thuỷ, xe tải hoặc máy bay. Máy bay định góc là phương tiện hiệu quả duy nhất để theo dõi việc chuyển quân của Việt Minh trong điều kiện địa hình hiểm trở.

Điểm yếu của hệ thống này là không có độ chính xác cao. Nó có thể phát huy tác dụng trong việc phát hiện chuyển quân cũng như xác định các hướng chuyển quân. Tuy nhiên, nó có thể nhầm lẫn kỹ thuật trong phạm vi khoảng 3 km bên ngoài khu vực đồng bằng và chỉ cung cấp được các vị trí áng chừng để dựa vào đó xác định đơn vị Việt Minh. Việc xác định cũng còn gặp khó khăn nữa vì bộ phận điện đài của Việt Minh thường nằm cách các cứ điểm 1-2 km. Điều đó có nghĩa chỉ có thể định vị tương đối trong phạm vi 3-5 km. Chính vì vậy, thông tin thu thập được vẫn cần phải thẩm định lại dựa vào các nguồn khác.

Nghe trộm và giải mã thông tin nghe được về Việt Minh do Hệ thống Kỹ thuật tìm kiếm đảm nhiệm. Đơn vị này có vai trò nghe tất cả các cuộc đàm thoại của Việt Minh và giải mã trong trường hợp chúng bị mã hoá. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nghe trộm mang lại nhiều thông tin quý giá để theo dõi tình hình hậu cần bên phía Việt Minh. Chỉ có bộ phận này của Việt Minh là bị phát hiện mật mã. Tuy nhiên, do bộ phận tác chiến của Việt Minh sử dụng mật mã mới theo kiểu Trung Quốc nên phía Pháp đã không thể phá.

Đơn vị Kỹ thuật tìm kiếm (STR) giải mã phần lớn các cuộc đàm thoại của các ban chỉ huycác đại đoàn Việt Minh đã thu thập được. Nhưng một phần lớn thông tin cũng không thu được vì Việt Minh không có các phương tiện vô tuyến điện. Dù sao, thông tin thu được từ nghe trộm qua hệ thống vô tuyến điện cũng là nguồn chính của tình báo Pháp và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những thông tin đó đóng vai trò quan trọng.

Trên thực tế, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tình báo Pháp hay nghi ngờ. Các sĩ quan phụ trách thường thích nghe lời cấp dưới hoặc những người xung quanh, thay vì nghe các lý lẽ đúng đắn. Đó là một trong những nhân tố dẫn đến thất bại của họ ở Điện Biên Phủ.

N.H.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem