Đây là chuyến đi đầu tiên sau ngót 50 năm, về nơi họ từng chung chiến hào với quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng đường không của Đế quốc Mỹ những năm 60-70 của thế kỷ 20. Trở về Nga, những ấn tượng của họ đọng lại thật mạnh mẽ.
Các Cựu chiến binh Xô viết ở St. Perterburg gặp mặt nhau tại Nhà hàng Đông Dương để chia sẻ cảm xúc sau chuyến thăm Việt Nam.
Trong chuyến công tác tới thủ đô phương Bắc của LB Nga - thành phố cảng Saint Peterburg mới đây, tôi may mắn được tham dự một cuộc gặp mặt rất đặc biệt của các cựu chiến binh Xô viết từng có mặt ở Việt Nam những năm tháng đạn bom, tại một nhà hàng Việt. Những cuộc gặp mặt giữa họ lâu nay vẫn thường xuyên diễn ra trong những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của cả Việt Nam và Nga... thế nhưng cuộc gặp mặt lần này bỗng trở nên đặc biệt bởi nó không vào dịp “lễ trọng” nào cả mà chỉ đơn giản là cuộc “hội ngộ” giữa những người vừa trở lại thăm Việt Nam và những người chưa có dịp thực hiện điều đó.
Ông Skrebliukov, Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh Xô viết tại St. Peterburg đọc bức thư của Trung Tướng Phương Minh Hòa gửi các Cựu chiến binh chưa có điều kiện sang thăm lại Việt Nam.
Trong ánh nắng chiều muộn đầu thu, trước cửa Nhà hàng mang tên “Đông Dương” của “ông chủ” người Việt Phạm Mạnh Cường, mà lâu nay họ đã rất thân quen vẫn gọi là Kolia, những cựu chiến binh Xô viết (có người là người Nga, có người là Ukraine, Belarus...) tay bắt mặt mừng, hàn huyên không ngớt về những gì họ vừa được trải nghiệm. Sau đó, câu chuyện cứ râm ran, lúc rộ lên, lúc lắng xuống sau bàn tiệc với những món ăn Việt mà nhà hàng đã chuẩn bị sẵn. Họ cùng nhớ về những người đã không còn, họ ôn lại những kỷ niệm xưa và kể cho nhau nghe những gì họ vừa được tận mắt chứng kiến khi trở lại Việt Nam...
Trải nghiệm mới
Nét sung sướng, cảm động đến ngỡ ngàng còn hiện rõ trên gương mặt hai vợ chồng đại tá Poveli khi ngồi kể với chúng tôi về chuyến đi đầy ấn tượng vừa qua. Ông bà đã tự bỏ tiền túi mua vé máy bay để bà cùng đi với ông trong chuyến trở lại thăm Việt Nam.
Hai vợ chồng Đại tá Poveli chia sẻ cảm xúc tuyệt vời sau chuyến thăm Việt Nam.
Giọng đầy xúc động, ông nói: “Ước mơ trở lại thăm Việt Nam không rời bỏ tôi suốt hơn 47 năm qua kể từ khi chúng tôi rời Việt Nam. Đặc biệt là sau khi Việt Nam thống nhất hai miền Nam, Bắc và trở thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, chúng tôi càng mong muốn được tận mắt nhìn ngắm đất nước không còn chiến tranh”.
Rồi ông kể với chúng tôi rằng, hồi sang Việt Nam, ông đã vài lần đến Hà Nội nhưng ông chẳng nhìn thấy gì cả vì ông đi trên đường phố Hà Nội thường là vào buổi đêm, dưới ánh đèn đường mờ ảo, còn ban ngày ông phải ở dưới những căn hầm hoặc trong công sự, sau những khẩu pháo để thực thi nhiệm vụ của mình. Còn lần này, sang Việt Nam ông đã được chứng kiến những điều thật kỳ diệu về đất nước, con người, những điều mà trong trí tưởng tượng của mình ông không bao giờ hình dung ra.
Ông nói: “Sau nhiều năm, nhờ các bạn Việt Nam đang sống và làm việc tại Thành phố Saint Peterburg, chúng tôi đã được sang Việt Nam. Điều đầu tiên chúng tôi thấy khi đến việt Nam lần này là đất nước rất tươi đẹp với những con người đã đẹp hơn rất nhiều, nhất là những người phụ nữ và các cô gái. Những dấu vết của chiến tranh dường như không còn thấy ở đâu cả, có lẽ chỉ còn trong bảo tàng và trong câu chuyện của những người bạn. Tất cả giờ đây đều rất đẹp”.
Bà Liutmila ngồi bên chồng cũng liên tục gật đầu đồng tình với những nhận xét ấy của ông và thêm vào những cảm thán về những gì bà đã được trải nghiệm. Bà đã thấy ở Việt Nam có rất nhiều trẻ em và chúng thật đáng yêu, chúng rất thân thiện với đoàn cựu chiến binh.
Rồi bà kể cho chúng tôi nghe: Hồi đó, ông bà mới ngoài 20 tuổi, có cậu con trai nhỏ lên 2. Khi ông nhận lệnh lên đường công tác nước ngoài, vì yêu cầu bí mật không ai được biết sẽ đi đâu. Bà chỉ được biết đó là Việt Nam khi nửa năm sau ông gửi thư về có vẽ hình đất nước Việt Nam. Rồi sau gần 1 năm công tác huấn luyện cho các chiến sỹ tên lửa Việt Nam, ông trở về và bà đã được nghe ông kể rất nhiều về đất nước Việt Nam thời chiến tranh, về những khó khăn, những thiếu thốn khủng khiếp mà nhân dân Việt Nam phải vượt qua.
Sẵn sàng khoác áo lính quay trở lại Việt Nam nếu cần
Có một điều mà qua những gì bà Liutmila chứng kiến sau chuyến đi và từng được nghe ông kể với niềm khâm phục từ rất lâu... giờ bà mới bày tỏ với chúng tôi: “Ông nhà tôi đã kể với tôi rất nhiều lần rằng, ông rất cảm phục những người phụ nữ Việt Nam, họ đã khiến ông thực sự khâm phục bởi tinh thần quả cảm, bởi sự hăng say lao động. Ban ngày họ đi làm ở ngoài đồng ruộng, rất vất vả, vậy mà khi đêm về, họ lại tiếp tục giúp những người lính làm những công việc còn nặng hơn nữa, đó là đứng gác, là ngụy trang cho các công sự. Tôi cũng đã được gặp họ qua chuyến đi vừa rồi. Tôi thực sự ngưỡng mộ và khâm phục phụ nữ Việt Nam”.
Rồi những ký ức, những ấn tượng về Việt Nam hôm nay được ông bà thi nhau nhắc lại với chúng tôi. Ông bà còn cho biết, thằng cháu nội của ông bà năm ngoái đã sang Việt Nam du lịch, nghỉ ở Mũi Né. Nó rất thích và năm nay cậu đã lấy vé để lại bay sang Việt Nam vào tháng 12 tới.
Trong câu chuyện bên bữa cơm gặp mặt, các cựu chiến binh để một phút tưởng nhớ một người đồng đội vừa đi xa.
Còn với thiếu tá Grigori Grigoriev, ấn tượng mạnh mẽ vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm ông về đất nước, con người Việt Nam hôm nay. Ông nói: “Tâm trạng của chúng tôi thật tuyệt vời. Dường như không ai muốn chia tay để trở về và khi trở về đây rồi thì tâm trí chúng tôi vẫn để lại ở Việt Nam. Tôi mong được trở lại lần nữa khi được mời, thậm chí, nếu cần, chúng tôi sẵn sàng lại mặc áo lính vào và lên đường làm nghĩa vụ quốc tế bảo vệ nhân dân Việt Nam”.
Chuyến thăm Việt Nam của đoàn Cựu chiến binh đã diễn ra ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang. Họ đã được lãnh đạo quân chủng Phòng Không - Không quân, Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp đón nồng hậu; được gặp một số cựu chiến binh, những người họ từng cùng kề vai trong chiến đấu, nay cũng đã về hưu và gặp gỡ nhiều sỹ quan, quân nhân các thế hệ sau này... Phóng viên báo chí Việt Nam cũng đã cùng đi với họ và phản ánh hoạt động này trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Để có được chuyến đi, đúng như sự ghi nhận của các cựu chiến binh Xô viết, công đầu là của Hội Người Việt Nam tại Saint Peterburg. Họ đã đứng ra quyên góp tiền trong cộng đồng và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con và cả một số “mạnh thường quân” để đủ nguồn tài chính cho chuyến đi của 10 người. Họ đã về Việt Nam liên lạc với Quân chủng Phòng không – Không quân và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình về sự tiếp đón, chăm lo khi đoàn ở Việt Nam.... Tuy nhiên vì nhiều lý do cá nhân cũng như sức khỏe, chỉ 7 cựu chiến binh đã tham gia được chuyến đi 12 ngày.
Về Việt Nam như về quê hương của mình
Nói về việc tổ chức chuyến đi, ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Saint Peterburg cho biết: “Đây là việc làm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với các công dân nước ngoài dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến. Sau chuyến thăm Việt Nam của các cựu chiến binh Saint Peterburg chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực. Đặc biệt có những người đã nói với chúng tôi rằng, tôi trở về Việt Nam như trở về quê hương của mình... Chúng tôi rất mừng khi kết quả chuyến đi mỹ mãn. Nhiều cựu chiến binh hứa rằng, sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác, quan hệ giao lưu để thúc đẩy quan hệ giữa tỉnh Saint Peterburg và Nhà nước Việt Nam nói chung cũng như giữa Hội Cựu chiến binh và chi hội Cựu chiến binh tỉnh Saint Peterburg nói riêng”.
Và trong buổi gặp mặt chiều tối hôm ấy, các thành viên của Hội Người Việt Nam tại Saint Peterburg gồm các anh Toàn, Vũ, Cường, Thành, Sự... đã có mặt để cùng đánh giá lại kết quả chuyến thăm. Các anh đã cùng ông Alecxay Skrebliukov, Chủ tịch Chi hội CCB Saint Peterburg đọc bức thư của Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân gửi các cựu chiến binh Xô viết đang sống tại Saint Peterburg, bày tỏ mong muốn tiếp tục được đón các vị sang thăm Việt Nam và trao quà của Trung tướng gửi các cựu chiến binh đã không tham gia đoàn thăm Việt Nam lần này.
Vâng, “uống nước nhớ nguồn”, đó là đạo lý, là tấm lòng của những người Việt Nam dành cho những người bạn Xô viết đã từng “chung lưng đấu cật” với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Việc làm của những người Việt Nam đang sống xa Tổ quốc, ở Saint Peterburg, thật đáng trân trọng và rất đáng phát huy để nhiều hơn nữa những “người lính già” Xô viết được trở lại Việt Nam, thăm đất nước và nhân dân mà có lẽ trong tiềm thức và gắn bó một phần cuộc đời của họ luôn là máu thịt, là tình anh em.
Một số hình ảnh khác về bữa cơm thân mật với cựu chiến binh Xô viết tại nhà hàng Việt ở Nga:
Thiếu tá Grigoriev (trái) bày tỏ sẵn sàng mặc lại bộ quần áo lính để sang Việt Nam nếu cần.
Ông Phạm Mạnh Cường, người tháp tùng đoàn thăm Việt Nam phát biểu trong bữa cơm gặp mặt sau chuyến thăm Việt Nam.
Chủ tịch Chi hội Cựu chiến binh Xô Viết tạiSt. Peterburg và Chủ tịch Hội người Việt tại St. Peterburg trao quà của Trung tướng Phương Minh Hòa gửi các Cựu chiến binh không tham gia chuyến thăm Việt Nam.
Một cựu chiến binh đón nhận quà.
(Theo VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.