Cá thể rùa lạ, phần đầu và cổ rùa có 3 sọc vàng - Ảnh: Tô Văn
Ngày 25/5, ông Phạm Văn Quang (53 tuổi, giáo viên Trường tiểu học Phú Hòa, TT.Phú Hòa, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình ông đang nuôi giữ 1 cá thể rùa lạ nặng đúng 1kg.
Chiều 24/5, trong lúc đang bơm nước vào ruộng lúa của gia đình, ông Quang đi dọc theo các bờ để kiểm tra thì phát hiện 1 con rùa khá to bò ngang trước mặt. Nghe tiếng động, con rùa này rút đầu và chân vào trong nằm im.
Ông Quang nhặt rùa lên thì nhìn thấy phần đầu và cổ rùa có 3 sọc vàng, trong đó có 1 sọc vàng nổi bật kéo dài từ cổ đến mũi và phía trên mắt. Mai rùa hình vòm nhô lên có màu xám đậm đến đen. Yếm rùa có 2 mảnh màu vàng cử động như được gắn “tấm bản lề cửa” giúp rùa đóng mở cơ thể một cách dễ dàng.
Cá thể rùa được cho là quý hiếm mà thầy giáo bắt được - Ảnh: Tô Văn
Khi nghe tiếng động, rùa rút đầu và chân vào trong rồi đóng nắp lại bằng cách khép chặt 2 mảnh yếm để tự bảo vệ mình. “Mới đầu tôi tưởng con rùa này dạng phóng sanh, nên khi nhặt lên tôi xem phần mai có khắc chữ hay không?
Nhưng khi lật tới lật lui thì không thấy, sau đó tôi xem hết các chi tiết cơ thể con rùa thì thấy nó lạ thường. Bởi thế, tôi quyết định không bán hoặc làm thịt con rùa này mà giữ lại nuôi để cho bà con lối xóm cùng đến xem cho biết với người ta.
Nếu trường hợp ngành kiểm lâm có yêu cầu bảo tồn loài rùa quý hiếm này thì tôi cũng sẵn sàng giao nộp thôi chứ không có vấn đề gì”- ông Quang nhận định.
Thầy T.K.N. (đồng nghiệp của ông Quang) cho rằng: “Hồi đó đến giờ, tôi cũng có nghe nói nhiều về loài rùa có nắp đậy kỳ lạ nhưng nay mới được “thấy tận mắt, sờ tận tay”. Tôi thường xuyên đi các tỉnh thành tham quan, khám phá, có nghe đến tên rùa nắp chứ chưa được thấy nó, hình hài ra sao. Nay nhờ thầy Quang, tôi mới có duyên được tận mắt thấy loài rùa vừa lạ vừa ngộ như vầy”, thầy N. bộc bạch.
Ông Trần Phú Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết: “Chúng tôi có nghe trường hợp 1 cá thể rùa quý hiếm được người dân bắt được tại TT.Phú Hòa.
Chúng tôi có liên hệ và đề nghị người dân cung cấp hình ảnh, địa chỉ và cá thể rùa này để chúng tôi xác minh có phải là rùa nắp hay rùa hộp lưng đen (vì loại này có tới 5 loài). Nếu cá thể rùa mà người dân bắt được như mô tả ban đầu thì loài rùa này được cho xếp vào nhóm động vật quý hiếm.
Nếu người dân bắt được và chứng minh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người dân có quyền đăng ký nuôi vì mục đích thương mại chứ không được giết làm thịt. Còn nếu người dân tự bắt rùa ở môi trường tự nhiên như trường hợp thầy Quang thì ngành kiểm lâm sẽ vận động thầy giao nộp để phục vụ công tác bảo tồn theo quy định”, ông Hòa thông tin.
Tô Văn - Kính Nhởn (Một thế giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.