Xem xét đưa vụ PV Dân Việt bị hành hung vào báo cáo tháng của Ban Dân nguyện Quốc hội

Đình Việt Thứ năm, ngày 30/03/2023 18:54 PM (GMT+7)
Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội và luật sư Phạm Quang Xá đã nêu quan điểm của mình về vụ phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt bị hành hung tại Hòa Bình.
Bình luận 0

Cần làm rõ có sự bao che cho hành vi vi phạm của Nhà máy giấy Thuận Phát hay không?

Chiều nay (30/3), tại tọa đàm "Làm gì để bảo vệ nhà báo trong chống tiêu cực" do Báo NTNN/điện tử Dân Việt tổ chức, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội bày tỏ sự bức xúc với vụ việc phóng viên (PV) Báo NTNN/điện tử Dân Việt bị hành hung khi ghi nhận tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy giấy Thuận Phát (xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình).

Xem xét đưa vụ PV Dân Việt bị hành hung vào báo cáo tháng của Ban Dân nguyện của Quốc hội - Ảnh 1.

Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội. Ảnh: Phạm Hưng.

Nói về vụ việc này, ông Nhưỡng cho rằng, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần nhanh chóng vào cuộc để xem xét, làm sáng tỏ một số vấn đề.

Thứ nhất là việc phóng viên Báo NTNN/điện tử Dân Việt bị hành hung, nếu có dấu hiệu hình sự, phải nhanh chóng khởi tố nhóm đối tượng để xử lý. Còn nếu chưa đến mức xử lý hình sự, phải sớm xử phạt hành chính và yêu cầu các đối tượng hành hung xin lỗi công khai.

Tiếp đến là xem xét hành vi của Nhà máy giấy Thuận Phát, vì sao đã bị đình chỉ nhưng vẫn xả thải, các cơ quan chức năng có biết việc việc này hay không? Và đặc biệt phải làm rõ có dấu hiệu bao che cho sai phạm ở đây hay không và ai phải chịu trách nhiệm cho hành vi coi thường pháp luật này?

Thêm nữa, cũng cần làm rõ, hành vi xả thải của nhà máy đã đến mức vi phạm pháp luật về môi trường chưa, nếu có cũng cần phải khởi tố để xử lý cho triệt để.

Tiếp đến, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nói, theo như trả lời báo chí của ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, huyện đã đề nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng để cùng phối hợp với huyện, phải có cái biện pháp để xử lý dứt điểm. Tránh tình trạng báo chí, bà con nhân dân phản ánh nhiều lần.

Dựa trên Quyết định 24 và những sai phạm thực tế, huyện cũng đề nghị là phải rút giấy phép hoạt động của Nhà máy giấy Thuận Phát mới xử lý dứt điểm được.

"Tôi rất chia sẻ với Phó Chủ tịch huyện Đà Bắc, qua câu trả lời trên, thấy ông Nguyễn Thanh Tuấn có chút bất lực và không hài lòng với doanh nghiệp đã bị xử lý nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Vậy, nếu huyện đã đề xuất như vậy mà vẫn chưa xử lý được thì sẽ có 2 vấn đề, một là thiếu trách nhiệm của cơ quan đã được đề xuất, hai là có hay không hành vi bao che cho sai phạm" – ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Xem xét đưa vụ PV Dân Việt bị hành hung vào báo cáo tháng của Ban Dân nguyện của Quốc hội - Ảnh 3.

Luật sư Phạm Quang Xá - Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN. Ảnh: Phạm Hưng.

Ngoài ra, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, kì tiếp xúc cử tri sắp tới, những người dân bị ảnh hưởng bởi nước thải của Nhà máy giấy Thuận Phát có thể nêu kiến nghị của mình với Đoàn Đại biểu Quốc hội của địa phương để giám sát. Hoặc cũng có thể phản ánh tới Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh để giám sát.

Cuối cùng ông Nhưỡng cho biết, về vụ việc này, ông sẽ lĩnh hội, nghiên cứu. Nếu đây là vụ việc cần xem xét, sẽ đưa vào báo cáo tháng của Ban Dân nguyện để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cần sớm có câu trả lời thỏa đáng

Trong khi đó, theo luật sư Phạm Quang Xá - Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN, Luật Báo chí đã quy định về quyền của nhà báo là được hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp.

Đồng thời, được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí… theo quy định tại Điều 25, Luật Báo chí.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để phóng viên, nhà báo tác nghiệp, đưa tin, phản ánh kịp thời.

Cũng theo luật sư Xá, Luật Báo chí nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; Phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Do đó, bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật hình sự 2015 như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội hủy hoại tài sản…

Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

"Trong vụ việc nêu trên, có thể thấy hành vi xả thải khi đang bị đình chỉ của Nhà máy giấy Thuận Phát và hành vi hành hung phóng viên của một số đối tượng đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì thế các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần sớm có câu trả lời thỏa đáng" – luật sư Xá nêu quan điểm.  

Ngày 27/3, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Bùi Văn Khánh đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vụ phóng viên Báo NTNN/Dân Việt bị hành hung, cản trở tác nghiệp tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình.

Chủ tịch Hoà Bình chỉ đạo Công an tỉnh, UBND huyện Đà Bắc xác minh làm rõ, nếu có sai phạm xử lý nghiêm theo quy định với việc hành hung, cản trở tác nghiệp với cơ quan báo chí.

Đồng thời, Chủ tịch Hoà Bình giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Đà Bắc phối hợp với Sở, ngành đơn vị liên quan kiểm tra thông tin báo chí phản ánh việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của nhà máy giấy Thuận Phát, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Trước đó, chiều 21/3, nhóm phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với các cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xuống ghi nhận tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy giấy Thuận Phát đóng tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, trong lúc nhóm phóng viên đang tác nghiệp tại khu vực bể xử lý chất thải của nhà máy, một nhóm đối tượng gồm 3 người (tự xưng là giám đốc và bảo vệ của Nhà máy Thuận Phát) đã bẻ tay, vít cổ phóng viên và giật camera mà phóng viên đang sử dụng để tác nghiệp, cũng như ném, đập chiếc camera.

Sau những hành động kể trên, nhóm đối tượng này còn chỉ đạo nhân viên lái xe tải chặn cổng ra vào nhà máy, khống chế nhóm phóng viên và 2 cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện không cho thoát ra ngoài; đồng thời liên tục tung ra những lời hăm dọa, chửi bới xúc phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem