Tình huống pháp lý khi nhiều bị cáo vụ án Nhật Cường đồng loạt kháng cáo

Việt Sáng Thứ tư, ngày 09/06/2021 17:04 PM (GMT+7)
Luật sư cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các bị cáo trong vụ án Nhật Cường có quyền kháng cáo, đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả.
Bình luận 0

Ngày 8/6, thông tin từ Toà án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội cho biết đến nay, Toà đã nhận đơn kháng cáo của 11 bị cáo trong 14 bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).

Theo đó, trong số 11 bị cáo làm đơn kháng cáo gồm: Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1980, Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường); Trần Ngọc Ánh (SN 1974, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường); Đỗ Quốc Huy (SN 1983, Giám đốc Bán hàng Công ty Nhật Cường); Nông Văn Lư (SN 1985, nhân viên Công ty Nhật Cường); Hoàng Văn Phong (SN 1990, Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường); Nguyễn Thị Bích Hằng (SN 1972, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường); Ngô Tuấn Sửu (SN 1976, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn) cùng 4 người khác.

vụ nhật cường.jpg

Các bị cáo trong vụ Nhật Cường tại phiên tòa ngày 5/5. Ảnh Nguyễn Hòa.

Trong đơn kháng cáo, 11 bị cáo nêu trên đã làm đơn kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả.

Bị cáo trong vụ Nhật Cường được phép kháng cáo

Liên quan đến việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Ls Chính Pháp cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị.

"Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Điểm m khoản 2 điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định bị cáo có quyền kháng cáo bản án và quyết định của Tòa án.

Về thủ tục kháng cáo, người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.

Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật", ông Cường cho biết.

nhật cường.png

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc bị dẫn giải tới phiên tòa ngày 5/5. Ảnh Ngô Nhung.

Theo vị luật sư, khi có bị cáo kháng cáo trong thời hạn luật định thì Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm vụ án, nghĩa là xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo.

"Những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại điều 363 của BLTTHS.

Như vậy, việc các bị cáo trong vụ án Nhật Cường Mobile kháng cáo là quyền của bị cáo được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi việc kháng cáo được thực hiện đúng thủ tục, thời hạn pháp luật quy định thì Tòa án có thẩm quyền sẽ phải xét xử phúc thẩm", vị luật sư cho hay.

Nội dung kháng cáo được xử lý thế nào?

Theo luật sư Đặng Văn Cường, về nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, căn cứ quyết định hình phạt được quy định như sau: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, Tòa án còn căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

Thứ nhất, khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, Tòa án cũng cần phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Thứ ba, Tòa án cân nhắc đến nhân thân của người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt về tâm-sinh lý xã hội của người phạm tội.

Để xem xét nội dung kháng cáo, Tòa án còn căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; m) Phạm tội do lạc hậu; n) Người phạm tội là phụ nữ có thai; o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; r) Người phạm tội tự thú; s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;”; u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội; v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

"Các tình tiết giảm nhẹ đã được quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt", ông Cường nói.

Vụ nhiều bị cáo vụ án Nhật Cường kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt: Luật quy định thế nào? - Ảnh 4.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Ls Chính Pháp.

Luật sư Cường còn cho biết, việc các bị cáo kháng cáo miễn trách nhiệm nộp tiền, điểm b khoản 1 điều 47 BLHS quy định: Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội thì tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy.

"Trong vụ án Nhật Cường, cơ quan tố tụng xác định khoản tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội buôn lậu 221 tỷ đồng. Theo quy định pháp luật thì phải tịch thu khoản tiền này để sung quỹ nhà nước. 

Bản án hình sự sơ thẩm buộc các bị cáo liên đới nộp lại khoản thu lợi bất chính này do đó các bị cáo có kháng cáo về việc miễn trách nhiệm nộp tiền do không được hường lợi.

Về phần áp dụng biện pháp tư pháp, Tòa án sẽ phải xác định khoản tiền thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu do chủ thể nào được hưởng lợi, ai đang sở hữu khoản tiền thu lợi bất chính này. 

Các bị cáo trong vụ án có được biết, được ăn chia, hưởng lợi gì từ khoản tiền thu lợi bất chính này hay không? Từ đó xác định các bị cáo có phải chịu trách nhiệm liên đới về việc nộp lại khoản tiền", vị luật sư phân tích thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem