Theo đó, trong 4 đối tượng bị khởi tố thì có 3 đối tượng bị bắt tạm giam (1 đối tượng cho tại ngoại vì đang mang thai), có 1 đối tượng là Giám đốc Phân viên Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung…
Cụ thể, 4 đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Thị Thanh Thúy (38 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) - được xác định là đối tượng chủ mưu cầm đầu, Nguyễn Thị Tường Vi (39 tuổi, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) và Nguyễn Thị Thanh Tâm (40 tuổi, trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) là 2 đối tượng đồng phạm giúp sức cho Thuý.
Cuối cùng là Nguyễn Hoàng Tuấn (50 tuổi, trú quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung.
Qua quá trình điều tra xác định từ cuối năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Thanh Thúy cùng đồng bọn đã thành lập trên 35 công ty tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận để xuất bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng giá trị hóa đơn trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 50 tỷ đồng.
Tiến hành hành khám xét đồng loạt nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng trên, cơ quan Công an TP Đà Nẵng đã thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.
Đối tượng vi phạm quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt nghiêm khắc
Luật sư Nguyễn Bá Huy- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho biết, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn là hành vi vi phạm pháp luật gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Các đối tượng phạm tội đối với tội danh này thường là phạm tội có tổ chức, các đối tượng có am hiểu về kế toán, về kinh doanh và có thái độ coi thường pháp luật, lợi dụng việc các doanh nghiệp có nhu cầu hóa đơn để đối trừ nghĩa vụ với nhà nước, lợi dụng thủ tục thành lập doanh nghiệp và mua bán doanh nghiệp dễ dàng để thực hiện hành vi phạm tội.
Về xử phạt hành chính, theo Điều 22 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP, hành vi bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác sẽ bị xử phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, hành vi cho, bán hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 triệu đồng, cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Về xử lý hình sự, luật sư Huy cho biết, theo quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự 2015, người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên; thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 100.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội mua bán hóa đơn trái phép còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đến 500.000.000 triệu đồng.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g Khoản 2 Điều này sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.