Tình huống pháp lý trong vụ cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam bị cáo buộc nhận hối lộ 24,9 tỷ đồng

Quang Trung Thứ tư, ngày 25/09/2024 06:33 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Thái, Cựu chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị cáo buộc nhận hối lộ theo năm, tổng cộng 24,9 tỷ đồng để nâng đỡ cho doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về nội dung này.
Bình luận 0

Cựu chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam bị cáo buộc nhận hối lộ hàng năm

Trong vụ án tại Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch HĐTV về tội "Nhận hối lộ".

Các bị can: Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty Minh Cường Phát bị đề nghị truy tố tội "Đưa hối lộ"; 5 người khác bị cáo buộc phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo kết luận điều tra, để hạn chế các nhà thầu tham gia nhằm tạo điều kiện cho công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Giấy Minh Cường Phát được trúng thầu, ông Thái đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn mà không thực hiện theo phương thức chào giá như trước đó.

Tình huống pháp lý trong vụ cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam bị cáo buộc nhận hối lộ 24,9 tỷ đồng- Ảnh 1.

Các bị can trong vụ án tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Bộ Công an.

Từ việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Thái được bà Ngọc 10 lần đưa hối lộ tổng số tiền 20 tỷ đồng và ông Minh 5 lần đưa hối lộ tổng số 4,9 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cũng thể hiện số tiền nhận hối lộ này ông Thái không chia cho ai mà dùng vào việc cá nhân của mình.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cho rằng mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB Giáo dục, được thực hiện hàng năm, giá giấy in chiếm 30-40 % cơ cấu giá bán sách giáo khoa, việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.

Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, có chất lượng tốt và giá bán thấp, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Nhận hối lộ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nhận hối lộ là một dạng hành vi tham nhũng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.

Trong Bộ luật hình sự 2015, nhận hối lộ được xếp vào nhóm tội phạm về chức vụ và được quy định tại Điều 354.

Điều 354 quy định, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Nhận hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý Nhà nước.

Theo luật sư Thơ, người phạm tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng lại không giống như người có chức vụ, quyền hạn trong tội tham ô tài sản.

Nếu người có chức vụ, quyền phạm tội tham ô tài sản phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản, người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội nhận hối lộ rộng hơn. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Đặc biệt, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, họ nhận thức được mình là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng để nhận tiền hối lộ của người khác.

Về khung hình phạt, tội nhận hối lộ có khung phạt thấp nhất là 2 đến 7 năm và cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân đến tử hình nếu nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên.

Từ bình luận trên, vị luật sư cho rằng, trường hợp bị truy tố và bị chứng minh có tội, với số tiền nhận hối lộ 24,9 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Thái, Cựu chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam có thể đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem