Clip: Hội thảo "Xúc tiến đầu tư thương mại ngành hàng quế Lào Cai, năm 2023" tại huyện Bảo Yên.
Chủ đề cây quế sôi động cả hội thảo
Cây quế được người dân chủ động đưa vào trồng và phát triển tại một số xã vùng thấp thuộc các huyện Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng của tỉnh Lào Cai từ năm 1974. Đến nay, trải qua gần 50 năm, người dân trồng quế có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế sản phẩm quế.
Bên cạnh đó, tư duy về lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực sang lâm nghiệp xã hội hóa, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lâm sản, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất quế.
Năng suất, chất lượng sản phẩm quế của tỉnh Lào Cai thuộc tốp cao so với các tỉnh trồng quế trên cả nước. Điều này đã được khẳng định thông qua việc rà soát, đánh giá, phân tích mẫu quế Lào Cai; hàm lượng tinh dầu quế của tỉnh Lào Cai đạt 4,6%, tức là trong 100 kg quế có 4,6 kg tinh dầu.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh theo hướng bền vững, trong đó tập trung phát triển sản phẩm lâm sản chủ lực là cây quế, tỉnh Lào Cai đã áp dụng lồng ghép các chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp của Trung ương, cũng như ban hành hệ thống chính sách của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất như: Đề án số 01-ĐA/TU ngày về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Những năm gần đây, vùng nguyên liệu quế của tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, hiện đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Yên Bái). Theo thống kê, đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 57.750 ha quế, đạt 111% mục tiêu Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy đề ra. Diện tích quế đã thành rừng hơn 36.360 ha; diện tích chưa thành rừng gần 21.400 ha.
Vùng trọng điểm quế được xác định tại 4 huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, với diện tích gần 51.280 ha. Còn tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa cây quế mới được người dân trồng từ những năm 2015 trở lại đây.
Cùng với đó, hiện toàn tỉnh có 114 cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng giống cây lâm nghiệp có sản xuất cây giống quế, với tổng diện tích vườn ươm của cả tỉnh gần 20 ha; năng lực bình quân gieo ươm được khoảng 80 triệu cây/năm.
Người dân Lào Cai trồng quế chủ yếu vẫn theo kinh nghiệm, dựa vào thiên nhiên là chính, hầu hết diện tích quế của tỉnh đều trồng với mật độ rất dày và trồng thuần loài; mật độ trồng phổ biến ở mức 6.000 - 7.000 cây/ha, cá biệt có hộ trồng tới 10.000 cây/ha. Mức độ đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác quế còn thấp, tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác, sản xuất quế chưa cao.
Đối với phương thức tổ chức sản xuất một vài năm trở lại đây đã có đổi mới, từng bước phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng liên kết sản xuất sản phẩm quế tiến tới xây dựng các chuỗi liên kết giá trị sản phẩm quế trong lâm nghiệp. Thành lập và duy trì hơn 200 nhóm sở thích về trồng rừng loài cây quế tại các huyện vùng quế trọng điểm; hình thành các hợp tác xã thu mua, sơ chế sản phẩm quế.
Thị trường tiêu thụ vỏ quế của tỉnh Lào Cai chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc,... Riêng thị trường châu Âu và Bắc Mỹ nhu cầu đang rất lớn nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và nghiêm ngặt nên sản phẩm quế Lào Cai nói riêng và quế Việt Nam nói chung còn khó khăn trong việc gia nhập thị trường này. 85% sản lượng tinh dầu quế của tỉnh được các công ty xuất bán ra thị Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... Một phần nhỏ khoảng 15% tấn tinh dầu quế phục vụ nhu cầu thị trường trong nước.
Thực trạng, tiềm năng và những giải pháp thiết thực với cây quế ở Lào Cai
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về thực trạng ngành hàng quế của tỉnh Lào Cai, thông tin về tiềm năng một số thị trường nhập khẩu quế; cơ hội cũng như thách thức đối với việc xuất khẩu mặt hàng quế; thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển ngành hàng quế và về xu thế tiêu dùng đối với quế trong thời gian tới.
Đồng thời, các đại biểu đã được tham gia buổi tọa đàm chia sẻ về định hướng phát triển ngành hàng quế tỉnh Lào Cai, định hướng, chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng quế của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tới; phát triển ngành hàng quế theo hướng đa giá trị; thông tin về thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ quế tại Pakistan. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh tại Lào Cai và đề xuất các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành hàng quế.
Về xúc tiến đầu tư - thương mại cho ngành hàng quế, các đại biểu đã tập trung chia sẻ định hướng hoạt động hỗ trợ ngành hàng quế tại Lào Cai của Dự án GREAT do Australia tài trợ. Đưa ra các giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho quế và một số kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, liên kết phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đánh giá cao những ý kiến đóng góp chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo. Đây là những thông tin hết sức hữu ích và có giá trị không chỉ đối với tỉnh Lào Cai mà còn đối với các doanh nghiệp, đơn vị đang sản xuất kinh doanh ngành hàng quế.
Qua Hội thảo này, sẽ giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về quế của Lào Cai, cùng với những định hướng, chính sách về phát triển ngành hàng quế của tỉnh trong giai đoạn tới là cơ sở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có kế hoạch xúc tiến đầu tư, mở rộng quy mô, hợp tác phát triển quế cùng tỉnh Lào Cai với phương châm: "Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển".
Tỉnh Lào Cai cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác, đầu tư tại Lào Cai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.