Phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai sáng tạo trong phát triển kinh tế

Ánh Nguyễn Thứ sáu, ngày 25/08/2023 13:54 PM (GMT+7)
Trong những năm gần đây, nhờ sự cần cù, sáng tạo trong lao động, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai tập trung phát triển kinh tế, làm chủ các mô hình sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bình luận 0

Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, có 25 dân tộc sinh sống, là địa phương có nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

Được đánh giá là người phụ nữ năng động, nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm - chị Tẩn Tả Mẩy, người lập ra Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa đi vào hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho nhiều lao động ở địa phương.

Với vai trò là người "thuyền trưởng", từ khi thành lập hợp tác xã đến nay, chị Mẩy đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản và tạo việc làm, tăng thu nhập cho 100% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số người Dao.

Khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Lào Cai - Ảnh 1.

Chị Tẩn Tả Mẩy tâm huyết với những sản phẩm của HTX Cộng đồng Dao đỏ.

Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ hoạt động với phương châm phát triển bền vững và ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ đã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách trồng mới, khoanh vùng đang có và liên kết với các hộ gia đình vệ tinh. Cách làm này tạo ra vùng nguyên liệu gần 18 ha. Ngoài ra, Hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Vườn Quốc gia Hoàng Liên về việc khai thác cây thảo dược tự nhiên với diện tích hơn 11.000 ha rừng.

Từ khi phát triển thành vùng trồng dược liệu Atiso, Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ đã hướng dẫn bà con trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới để mang lại nguồn nguyên liệu sạch, an toàn và bền vững. Cao mềm Atiso là sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã. Hiện nay, ngoài cung ứng ra thị trường bán lẻ, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp đặt hàng sản xuất.

Hợp tác xã Cộng đồng Dao Đỏ (xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa) còn triển khai mô hình kết nối các đơn vị lữ hành với đồng bào làm du lịch tại địa phương để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của mình. Các đơn vị liên kết đã xây dựng những tour du lịch mới, gắn với tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm của bà con, đem lại thu nhập tốt cho người dân bản địa.

Với mong muốn bảo tồn văn hóa bản địa và làm điểm tựa cho chị em dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn có thu nhập ổn định, chị Sùng Thị Lan, người dân tộc H’Mông ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã thành lập Hợp tác xã Mường Hoa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và cung cấp dịch vụ trải nghiệm xung quanh sản phẩm thổ cẩm.

Chị Lan chia sẻ, ban đầu Hợp tác xã chỉ có 9 thành viên, đến nay Hợp tác xã đã thu hút thêm 15 thành viên liên kết. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, Hợp tác xã đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc. Các sản phẩm của Hợp tác xã được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình sản xuất. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 55 triệu đồng đối với hoạt động kinh doanh thổ cẩm và dịch vụ trải nghiệm vẽ sáp ong. Vào mùa cao điểm, doanh thu của Hợp tác xã có thể đạt trên 70 triệu đồng/tháng.

Khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Lào Cai - Ảnh 2.

Du khách thích thú với trải nghiệm vẽ sáp ong khi đến HTX Mường Hoa

Nhằm giảm gánh nặng môi trường, hạ giá thành mặt hàng thủ công và nâng cao năng suất cho bà con, chị Lan đã triển khai mô hình tái chế thổ cẩm. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con các dân tộc thiểu số sau khi Hợp tác xã thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, đồ trang trí thổ cẩm có giá trị.

Đến với huyện Bắc Hà, gặp chị Lù Thị Tươi, người dân tộc Tày, có lựa chọn khởi nghiệp từ nghề làm cốm Bắc Hà - một món ăn dân dã trong những ngày lễ mừng cơm mới của người Tày thôn Na Lo, xã Tà Chải (Bắc Hà).

Cốm Bắc Hà được làm từ giống lúa nếp địa phương, trồng trên nương có khí hậu lạnh, thời vụ kéo dài hơn nên hạt cốm cũng mềm và có vị thơm ngon đặc biệt hơn những nơi khác, được du khách đặc biệt ưa chuộng. Từ những lợi thế trên, chị Tươi bắt tay vào kinh doanh cốm. Với kinh nghiệm làm nghề truyền thống từ gia đình, chị chọn giống lúa tốt nhất để hạt cốm đến tay khách hàng xanh, dẻo, thơm. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm của người dân ngày càng cao nên trước vụ cốm năm 2021, chị Lù Thị Tươi đã hoàn thiện các thủ tục để sản phẩm cốm được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác rõ ràng, được cấp mã QR.

Nhờ tiếp cận thị trường thông qua mạng xã hội như facebook, zalo nên sản phẩm của chị luôn có đầu ra ổn định, được người tiêu dùng, nhất là người Hà Nội, Phú Thọ, thành phố Lào Cai... ưa chuộng. Thị trường ngày càng mở rộng, chị cùng với một số chị em trong thôn thành lập Tổ hợp tác cốm Na Lo – Bắc Hà, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cốm Na Lo - Bắc Hà.

Chị Tươi cho biết, mùa cốm năm 2022 tiêu thụ thuận lợi, giá cốm cao, dao động từ 140-150 ngàn đồng/kg. Tổ hợp tác của chị đã tiêu thụ được khoảng gần chục tấn cốm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu trung bình từ 15-25 triệu đồng/hộ/vụ. Giờ đây, hương cốm Bắc Hà theo chân du khách và thương lái đi muôn nơi. Đồng bào Tày ở xã Tà Chải cũng vì thế có thêm thu nhập từ nghề làm cốm.

Khi chúng tôi tìm đến Hợp tác xã Quang Tôm, ở xã Tà Chải, Bắc Hà, gặp chị Sải Thị Bích Huế, người dân tộc Phù Lá, cũng là Chủ nhiệm Hợp tác xã Quang Tôm, là người đi đầu trong việc đưa thương hiệu nông sản vùng cao Bắc Hà "bay xa". Năm 2021, chị Huế xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao (mận tam hoa sấy dẻo), năm 2022, xây dựng sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ cao nguyên trắng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số Lào Cai - Ảnh 3.

Chị Sải Thị Bích Huế với những sản phẩm chủ lực của HTX xã Quang Tôm.

Với mong muốn giải quyết đầu ra cho ổn định cho sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, góp phần phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, chị Sải Thị Bích Huế - Chủ nhiệm Hợp tác xã Quang Tôm đã liên kết với các hộ dân có chè Shan trên địa bàn để thu mua chè tươi, rồi hướng dẫn bà con chăm sóc thu hái đúng kĩ thuật. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của Hợp tác xã đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, bảo đảm nguyên tắc "ba không" (không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp). Hiện sản phẩm trà Shan tuyết của Hợp tác xã được thị trường ưa chuộng, nhất là Hồng Trà, Bạch Trà, chè đen được người tiêu dùng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rất ưa chuộng.

Không chỉ là một phụ nữ chăm chỉ, năng động trong phát triển kinh tế, thời gian qua chị Seo Thị Nhúc, người dân tộc Giáy ở thôn Đá Đinh, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai còn giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Năm 2020, chị là là một trong những gương điển hình tiên tiến được lựa chọn tham dự Đại hội thi đua yêu nước Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV.

Sau khi có chủ trương chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả, chị Nhúc đã chuyển đổi mục đích canh tác đất ruộng một vụ sang đào ao nuôi thủy sản và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm. Đến nay, mỗi năm gia đình chị xuất bán 12 tấn cá và 15 tấn lợn thịt… mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 400 triệu đồng…

Từ thành công của mô hình gia đình, chị Nhúc đã chia sẻ, hướng dẫn, động viên 20 hộ trong thôn chuyển đổi công năng sử dụng đất, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm. Các mô hình kinh tế tạo việc làm theo thời vụ cho 60 lượt chị em khác trong thôn với tiền công từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Nhúc còn giúp một số hộ về giống, vốn, nuôi rẽ trâu, lợn nái, giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… trong đó có 3 hộ đã thoát nghèo, 26 hộ trung bình vươn lên thành hộ khá.

Có thể nói, nhưng thành quả mà các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai được nói đến ở đây chỉ là một trong rất nhiều những điển hình phụ nữ tiêu biểu trong hoạt động phong trào, làm kinh tế giỏi của tỉnh Lào Cai. Các chị em mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều có chung ý chí, nghị lực, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi. Qua đó đã giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, giúp họ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội; góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong công cuộc xây dựng đời sống mới. Các chị thật xứng đáng là những tấm gương sáng để chị em phụ nữ trong và ngoài tỉnh học tập, noi theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem