Hóa giải oán hờn“Cuối mỗi tháng tôi tổ chức thánh lễ, gọi là lễ cầu siêu, để hóa giải những oán hờn khi tình mẫu tử thiêng liêng bị chà đạp. Tôi cũng khuyến khích mỗi người hãy nhận một thai nhi và đưa các em đến nơi an nghỉ cuối cùng để ý thức hơn việc gìn giữ sự sống” - linh mục Nguyễn Văn Tịch - Chánh xứ Tây Hải (Đồng Nai) thổ lộ.
Các bạn trẻ quây quần cầu nguyện bên các nấm mộ thai nhi.
20 giờ, từng tốp thanh niên lần lượt kéo đến nhà xứ Tây Hải. Trong phòng thai nhi, Hoàng Nhật Quý- một tình nguyện viên kéo nhẹ cánh cửa tủ đông - nơi để hơn 200 thai nhi lớn, nhỏ. Có những hũ thai nhi chỉ còn là một mớ nước đỏ sậm, lắc kêu ọc ạch; có thai nhi đã tượng hình, co quắp. Ở tủ đông khác, một phụ nữ đang gỡ dần lớp khăn hồng quấn một thai nhi 6 tháng tuổi. Thai nhi được tắm rửa sạch sẽ và mặc bộ quần áo sơ sinh rộng thùng thình.
Từng chiếc mâm đựng đầy thai nhi được bê ra hành lang - nơi ấy có gần 40 thanh niên chờ sẵn. Những chiếc hũ thai nhi được bọc lại bởi những tấm vải đủ màu sắc rồi thắt thêm một chiếc nơ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thơm bùi ngùi: “Bọn em phải trang điểm cho các bé thật đẹp trước khi chôn cất”.
Nghĩa trang thai nhi chỉ rộng hơn 100m2 giờ lọt thỏm giữa hàng ngàn người đến dự lễ cầu siêu và nhận hũ thai nhi để chôn cất. Ba năm nay, tại nghĩa trang này, linh mục Tịch đã chôn hơn 6.000 thai nhi. Mười hố huyệt tượng trưng cho mười ngón tay nâng đỡ, đã chôn hết 3 ngón. Theo linh mục Tịch, xét về khía cạnh tâm linh thì những thai nhi này đã có linh hồn. Các thai nhi cũng biết buồn vui và biết oán hận những người cha, người mẹ đã nỡ chối bỏ mình. Ông tổ chức “thánh lễ cầu siêu” này cũng là muốn hóa giải điều ấy.
Ngôi nhà cứu rỗi!Cách đó không xa là ngôi nhà tạm lánh, cứu rỗi nhiều cuộc đời do linh mục Tịch xây dựng. Nhờ ngôi nhà này mà nhiều thai nhi được ra đời. Khéo khen cho ai nghĩ ra việc đặt ngôi nhà tạm lánh ở đây, vì muốn đi ra ngoài thì các thai phụ phải đi ngang nghĩa trang thai nhi- một cách nhắc nhở thai phụ phải nghĩ đến việc gìn giữ đứa con mình đang cưu mang, từ bỏ ý nghĩ chối bỏ con. Nếu ai đó xem những thai phụ ở đây là người thất bại trong tình trường thì tôi gọi đấy là những thai phụ dũng cảm, dám đấu tranh giữ lấy con mình.
Linh mục Tịch cho biết, hiện ông đang triển khai một chương trình nhà tạm lánh quy củ hơn. Theo đó, ông cho xây dựng mới một nhà tạm lánh rộng 700m2, 14 phòng với một sảnh lớn làm sân chơi cho các em… Ngoài việc muốn bảo vệ sự sống các thai nhi, ông còn muốn giúp chị em sống tốt đẹp bằng giá trị bản thân và có công ăn, việc làm.
|
Anh Phạm Quốc Vinh - quản lý nhà tạm lánh, chìa cho tôi xem quyển đăng ký tạm trú của nhà tạm lánh. Ba năm nay có hơn 40 thai phụ đã đến đây tạm lánh để chờ ngày “vượt cạn”. Tuy nhiên, theo anh Vinh con số này còn lớn hơn nhiều do trước đây chưa đăng ký tạm trú nên không vào danh sách.
Trong số hơn 40 thai phụ đã ở đây, hầu hết là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Sau phút cuồng dại trong tình yêu, hậu quả là họ bỏ luôn cả công ăn việc làm, sự học để vào đây tạm lánh chờ sinh con. Hiện có hơn 30 chị đang tạm lánh ở đây.
Theo chân anh Vinh vào thăm các thai phụ, tôi chẳng thấy có dấu hiệu gì cho thấy đây là một thế giới của những thai phụ thất vọng và đầy nước mắt. Trong khu nhà tạm lánh có 8 phòng này lúc nào cũng nghe tiếng cười giòn giã của người lớn và trẻ con. Để tạo công ăn việc làm cho các thai phụ, linh mục Tịch mở xưởng kẹo ngay trong nhà tạm lánh. Hôm tôi đến bắt gặp khá đông thai phụ đang quây quần gói kẹo. Hầu hết thời gian trong ngày của họ là lao vào gói kẹo để kiếm tiền trang trải sau ngày “vượt cạn”.
L - một thai phụ ở đây cho biết nếu làm tích cực mỗi ngày cô cũng kiếm được 100.000 đồng. “Tiền kiếm được mỗi ngày, cha Tịch bảo cứ giữ lấy để tự chăm sóc sức khỏe và cho con cái sau này. Mọi chi phí khác cha lo” - L nói. L mang thai khi đang học lớp 12, cha em nhất quyết bắt phá vì không chịu được sự khinh miệt của xóm làng. Tuy nhiên, em quyết định giữ con và tìm đến nhờ sự giúp đỡ của cha Tịch. Theo L, sau khi sinh con, nếu cha mẹ không chấp nhận, em sẽ gửi con ở một cô nhi viện rồi vừa đi làm vừa học lại. Sau này khi ổn định em sẽ đến rước con.
Trường hợp của T - một thai phụ ở đây, còn gian nan hơn. Trước khi vào đây tạm lánh, T là một người có địa vị trong xã hội. Sự cố xảy ra, dòng họ cô chẳng ai chấp nhận. Cô phải trốn vào đây tạm lánh. Cô tâm sự dù với giá nào cũng sinh con và sau đó sẽ về với người yêu để xây dựng gia đình.
Linh mục Tịch cho biết, để đưa các thai phụ về đây tạm lánh là cả một quá trình thuyết phục căng thẳng. Hầu hết các thai phụ này khi gặp linh mục Tịch đều trong những giây phút giằng xé, hụt hẫng giữa việc giữ hay chối bỏ con. Ông cho biết thêm, trước ngày tôi đến đã có 4 thai phụ gọi điện nói về việc chối bỏ con. Sau khi nghe ông thuyết phục đã có 3 thai phụ đồng ý tạm lánh để giữ lấy con.
Trần Đáng (Trần Đáng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.