Theo số liệu của Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,6 triệu ca sinh, cũng bằng số này là những ca nạo phá thai. Đã có những câu chuyện hết sức đau đớn về việc nạo phá thai, cho thấy cần phải có những quy định nghiêm khắc hơn về tránh thai và kiểm soát nạo phá thai.
Những thai nhi từ 9 tuần đến 6 tháng bị vứt bỏ vào sọt rác, bồn rửa tay, thậm chí đổ xuống đất… từ các phòng khám tư nhân. Và những người trẻ thiện nguyện phải đi nhặt nhạnh về chôn cất. Tôi đã theo chân Nguyễn Quế (tự Dũng) - một tay “nhặt” thai nhi “gạo cội” ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai)…
Từ “đề pô”…Trước khi đi, Dũng ấn sau lưng tôi cái thùng inox đựng thai nhi rồi cho biết, 3 năm nay cái thùng này đã đựng vài ngàn thai nhi lớn nhỏ. Tôi nghe mà xương sống như… đóng băng!
Nguyễn Quế (người đội mũ bảo hiểm) đang chuẩn bị dụng cụ để đi lấy thai nhi ở Bình Dương.
Quả thật vào thời điểm nhá nhem tối thế này việc đi “nhặt” người chết với tôi chẳng khác nào một cực hình. Tôi chạy xe mà như hồn tiêu phách tán! Sau một hồi lòng vòng từ Biên Hòa đi Dĩ An (Bình Dương), chúng tôi cho xe tấp vào một xóm lao động nghèo. Tại đây, một tủ đông đựng thai nhi được đặt dưới tầng hầm của một nhà nguyện Công giáo. Tại cái “đề pô” này, một vài bạn trẻ đã lãnh nhận công việc đi các phòng khám trong khu vực để “nhặt” thai nhi rồi gửi vào.
Cuối tháng, Dũng cho xe đến gom thai nhi rồi đem về Biên Hòa chôn cất. Theo Dũng, anh và linh mục Nguyễn Văn Tịch (Chánh xứ Tây Hải) chở cái tủ đông này đến gởi tại đây để làm nơi giữ thai nhi.
“Lần đầu đi lấy thai nhi tại đây, vì chưa biết là nhiều hay ít nên tôi chỉ bỏ túi 2 cái bao xốp. Đến khi lấy mới tá hỏa, 2 cái bao xốp không đựng đủ số thai nhi. Tôi cố nhét cho hết số thai nhi vào bao xốp rồi tất tả chạy đến tiệm tạp hóa mua cái hộp giấy để đựng. Bà chủ tiệm tạp hóa thấy tôi xổ ra lỉnh kỉnh hũ lớn nhỏ bèn hỏi là gì, tôi bịa là hũ đựng thuốc rồi hối hả biến luôn” - Dũng kể. Lần ấy, Dũng mang về gần 40 thai nhi.
Một bạn trẻ thấy chúng tôi đến lấy thai nhi bèn vội vã mở cửa phòng giữ tủ đông. Quả thật khi mở tủ đông, nếu không biết người ta sẽ nhầm lẫn đây là những hũ kem đóng băng chứ không phải thai nhi. Những lớp hũ thai nhi lớn, nhỏ được xếp rất gọn gàng. Hai bạn trẻ đi với chúng tôi nhẹ nhàng bê từng hũ thai nhi từ cái tủ đông cho vào thùng inox mang theo 36 mạng người bị chối bỏ!
… đến phòng khámNhóm “nhặt” thai nhi của Dũng có khoảng chục bạn trẻ. Nếu như công việc lấy thai nhi của Dũng ở “đề pô” thì các bạn trẻ khác phải đi “nhặt” thai nhi ở các phòng khám tư nhân.
Theo Linh mục Nguyễn Văn Tịch, hiện ông đang có 3 cái “đề pô” giữ thai nhi được bố trí ở Thủ Đức (TP.HCM), Dĩ An (Bình Dương) và Trảng Bom (Đồng Nai). Mỗi tháng số thai nhi được lấy về từ 3 “đề pô” này vào khoảng 100. Cộng với 7 phòng khám tư nhân ở thành phố Biên Hòa, mỗi tháng linh mục Tịch mang về chôn cất khoảng 200 thai nhi.
|
Phạm Thị Hương - một bạn trẻ đi “nhặt” thai nhi tại các phòng khám ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết: “Những ngày đầu đi xin thai nhi tại các phòng khám oải lắm. Nhân viên phòng khám gần như xua đuổi mình. Thậm chí, họ nghĩ mình lấy thai nhi về làm những chuyện bậy bạ”. Tuy nhiên, “cái ải” khó vượt nhất của các bạn trẻ này là chứng kiến các thai nhi bị chà đạp.
“Sau khi nạo phá thai xong, nhân viên phòng khám thường cho thai nhi vào bọc xốp rồi ném vào sọt rác. Có khi, tôi đến phòng khám đã thấy một “đống hổ lốn” thai nhi nằm trong bồn rửa tay, thậm chí bị đổ xuống nền đất” - chị Hương bùi ngùi kể.
Chị Hương cho biết thêm, thai nhi sau khi đưa về sẽ được tắm rửa, cắt nhau, cắt rốn, mặc đồ mới… từ bàn tay của các bạn trẻ đi “nhặt” thai nhi. Có thai nhi khi xổ ra từ mớ nhau, nước ối, gương mặt em vẫn trắng hồng như tươi cười chào đón ngày mới.
Tuy nhiên, đối với Phạm Hoàng Quân, ám ảnh nhất là khi chứng kiến những thai nhi 6-7 tháng bị cha mẹ chối bỏ. Quân cho biết vừa “nhặt” được một thai nhi gái 6 tháng tuổi bị phá tại một phòng khám tư nhân ở phường Long Bình (Đồng Nai). “Em hoàn thiện hết rồi, hai cánh tay nhỏ xíu, đôi mắt nhắm nghiền và cái miệng nhỏ xinh xắn… Tội lắm khi thấy em nằm co ro!” - Quân thổ lộ. Chính tay Quân mang em về, rồi tắm rửa, mặc quần áo… để chuẩn bị đưa đi chôn chung với hàng trăm thai nhi khác. Trung bình mỗi tháng, Quân “nhặt” 50 thai nhi tại các phòng khám.
Được biết, nhóm đang “nhặt” thai nhi tại 7 phòng khám ở thành phố Biên Hòa. Giờ nhân viên các phòng khám này đã ý thức hơn về việc giữ gìn các thai nhi. Sau khi nạo phá thai, họ cho các thai nhi vào hũ chờ các bạn trẻ đến “nhặt” về.
Tất nhiên, nhân viên phòng khám chỉ tuồn thai nhi ra ngoài theo một hệ thống bí mật nhất định. Chia sẻ công việc đi “nhặt” thai nhi, chị Nguyễn Thị Mai - một người đi “nhặt” thai nhi tại khu vực huyện Trảng Bom cho biết: “Sau khi nạo phá thai, nhân viên phòng khám cho thai nhi vào hộp xốp rồi đặt vào một góc phòng khám để tôi đến lấy. Thấy tội “các em” quá, sau này tôi mới đưa hũ nhựa để nhân viên phòng khám bỏ thai nhi vào”. Nguyên tắc bỏ và “nhặt” thai nhi là như thế. Không một ai, ngoài người bỏ và “nhặt” thai nhi, biết ở góc phòng ấy luôn có những thai nhi nằm chết cóng!
Anh Nguyễn Ngọc Sơn - một người đi lấy thai nhi ở khu vực thành phố Biên Hòa, thổ lộ: “Tôi biết có một phòng khám bỏ thai nhi nhiều lắm nhưng không xin họ được”. Có lẽ, nhân viên phòng khám không xem những thứ nạo phá xong là người! Hoặc chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Chỉ tội cho các thai nhi, thay vì được mở mắt chào đời, nhìn đấng sinh thành lại trở thành rác và bị vứt ở xó xỉnh nào đấy.
Trần Đáng (Trần Đáng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.