Tỉnh Yên Bái, Lai Châu có 'kho báu' hàng trăm triệu USD đang chờ được đánh thức

Phương Anh Thứ tư, ngày 04/10/2023 19:25 PM (GMT+7)
Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Quế được trồng nhiều ở một số tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, Quảng Nam,...
Bình luận 0

Yên Bái là địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với 86.000 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn/năm, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, kim ngạch xuất khẩu quế và sản phẩm từ quế của Yên Bái rất khiêm tốn, chỉ từ 50-60 triệu USD. 

Các ngành chức năng tỉnh Yên Bái mong muốn tiếp tục giới thiệu quế của Yên Bái với nhà nhập khẩu trên thế giới, thu hút nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Cũng như Yên Bái, Lai Châu là một trong các địa phương có diện tích trồng quế, hồi lớn, sản lượng chế biến đạt từ 50-60 tấn/năm. Ngoài ra, Lai Châu còn có các loại dược liệu khác như thảo quả, sa nhân rất tiềm năng. 

Tỉnh Yên Bái, Lai Châu có 'kho báu' hàng trăm triệu USD đang chờ được đánh thức - Ảnh 1.

Yên Bái là địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với 86.000 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn/năm. Ảnh: C.K

Dù vậy, ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, chi phí sản xuất, quy trình bảo quản, vận chuyển đang là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy xuất khẩu quế, hồi, dược liệu ra thị trường quốc tế.

Với những khó khăn hiện tại, tỉnh Lai Châu mong muốn các bộ ngành chức năng hỗ trợ địa phương kết nối, quảng bá sản phẩm quế, hồi và dược liệu khác đến các thị trường các nước; giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu đến Lai Châu tìm kiếm hợp tác. 

Các cơ quan thương vụ thường xuyên thông tin về nhu cầu, tiêu chuẩn từ các thị trường để Lai Châu phổ biến đến các doanh nghiệp nhằm xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu" do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú.

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu.

Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.

Các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.

Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực phát triển.

Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ - cho biết, Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 - 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ. "Quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Mặt khác, lợi thế để xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu"- ông Thướng thông tin.

Hay tại Mỹ, quế, hồi là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại thị trường này. Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu quế Mỹ.

Một thị trường nhập khẩu quế, hồi tiềm năng khác là Pakistan, theo thông tin của bà Nguyễn Thị Điệp Hà – phụ trách Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Pakistan có nhu cầu cao với quế hồi, dược liệu. Năm 2022 Pakistan nhập khẩu 7.000 tấn quế, trong đó quế Việt Nam chiếm hơn 4% thị phần. Xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 200% trong năm 2022 so với năm 2021.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem