Nhà Việt cổ "quốc hồn quốc túy" của vợ chồng trẻ Thái Nguyên, ở thì mát rười rượi, ngắm thì mê, hồn quê hội tụ

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ hai, ngày 13/06/2022 13:00 PM (GMT+7)
Ngôi nhà làm theo lối nhà Việt cổ có 5 gian theo phong cách nhà truyền thống Bắc bộ của vợ chồng anh Dương Văn Bẩy (xóm Bình 2, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bước vào bên trong mát rười rượi, khiến ai nấy đều ngỡ ngàng.
Bình luận 0

Ngôi nhà cổ của vợ chồng anh Dương Văn Bẩy (xóm Bình 2, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) được thiết kế theo phong cách của nhà kẻ truyền Bắc Bộ với thiết kế mái bài, có tổng diện tích 120m2.

Độc đáo ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ của cặp vợ chồng trẻ ở Thái Nguyên - Ảnh 1.

Ngôi nhà cổ người Việt của gia đình anh Bẩy (xóm Bình 2, xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) được xây dựng theo phong cách nhà kẻ truyền Bắc Bộ. (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Bẩy cho biết, xuất phát từ đam mê với nhà gỗ và lối phong cách cổ điển nên anh đã quyết định thiết kế và xây dựng ngôi nhà này. Trước đây, gia đình anh đã có ngôi nhà kẻ truyền, con trồng, nên khi có ý tưởng xây dựng nhà mới thì anh vẫn thực hiện xây dựng theo lối cổ điển đó.

Do đó, năm 2017 anh bắt đầu đi thu gom gỗ, đến tháng 2/2018 anh bắt đầu khởi công xây dựng căn nhà mới. Sau khoảng thời gian 5 tháng thi công, ngôi nhà được hoàn thành.

Để làm được ngôi nhà này, anh Bẩy đã phải thu gom trên 60m3 gỗ tròn, trong đó chủ yếu là gỗ bạch đàn lá liễu, còn lại là gỗ xoan. Kinh phí để gia đình anh hoàn thiện ngôi nhà như hiện nay lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Độc đáo ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ của cặp vợ chồng trẻ ở Thái Nguyên - Ảnh 2.

Ngôi nhà được thiết kế 5 gian (Ảnh: Hà Thanh)

Anh Bẩy chia sẻ, trước khi anh xây dựng ngôi nhà này đã có rất nhiều người phản đối. Tuy nhiên với niềm đam mê nhà cổ, anh vẫn quyết định xây dựng theo cách riêng của mình.

Clip: Anh Dương Văn Bẩy, xóm Bình 2, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về căn nhà cổ của gia đình được xây dựng theo phong cách nhà Việt cổ. Video: Hà Thanh.

Ngôi nhà được anh Bẩy được xây dựng theo kết cấu 5 gian (gồm 3 gian ngoài, 2 gian buồng) và 22 cột được chia thành 5 hàng (gồm 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân,1 hàng cột hiên đằng trước).

Để có không gian thoáng đãng và thuận tiện cho việc sinh hoạt gia đình, 3 gian giữa được anh thiết kế dạng xà đinh cột cái, với chiều rộng lòng nhà từ sau bậc thềm ngũ cấp đến tường hậu là 8,15m.

Khoảng cách gian tính từ tim cột trở ra là 2,75m, còn chiều cao của nhà tính từ đỉnh ngọn cột cái trở xuống là 5,3m.

Độc đáo ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ của cặp vợ chồng trẻ ở Thái Nguyên - Ảnh 3.

3 gian giữa được anh Bẩy thiết kế dạng xà đinh cột cái để tạo ra không gian thoáng đãng cho ngôi nhà (Ảnh: Hà Thanh)

Điểm đặc biệt của ngôi nhà không chỉ ở lối kiến trúc độc đáo mà còn ở cách thức trang trí lạ mắt.

Phần hạ diệp gian giữa được trang trí bởi 4 bức tranh tứ quý, còn hai gian bên là long hóa, bên phải là đàn và sáo, bên trái là tửu và thơ.

Trên phần hạ diệp là song chặt hình trái trám, mỗi gian chia làm 3 ô, mỗi ô gồm 7 con song chia đều khoảng cách.

Độc đáo ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ của cặp vợ chồng trẻ ở Thái Nguyên - Ảnh 4.

Phần hạ diệp gian giữa của ngôi nhà được trang trí bởi 4 bức tranh tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai (Ảnh: Hà Thanh)

Ở phần xà đinh được trang trí bằng cách đục con triện, chặt gấm và lê, na, đào, lựu (4 loại quả thuộc nhóm tranh tứ quý).

Còn phần đầu xà đinh hướng ra mặt ngoài được đục long hóa. Tương tự phần xà nách hướng ra sau cũng được đục long hóa, phần dưới xà nách được chạm mặt gấm và tranh tứ quý.

Độc đáo ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ của cặp vợ chồng trẻ ở Thái Nguyên - Ảnh 5.

Ở phần xà đinh được trang trí bằng cách đục con triện, chặt gấm và 4 loại quả đại diện cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông (Ảnh: Hà Thanh)

Phần kẻ ngồi được bắt mộng vào phần giáp đỉnh cột cái, bên còn lại được bắt vào cột trụ, kẻ ngồi được đục trang trí long hóa hai mặt. Trên kẻ ngồi là câu đầu, 2 đầu được đục long hóa, phần dưới 2 đầu được đục lê, na, đào, lựu, ở giữa được đục theo kiểu lòng sớ viết chữ Hán.

Trên câu đầu là hai trụ tỉn được bắt với câu đầu tỉn, câu đầu tỉn gánh đấu nóc, tất cả các phần này đều được soi trơn. Tiếp đến là đấu nóc, mặt đấu nóc hai bên đục chữ thọ.

Cuối cùng là phần nóc, đây là phần cao nhất của ngôi nhà. Hai bên đầu đòn nóc của mỗi gian đều được đục long hóa, trong đó hai gian phụ ghi ngày tháng gác nóc, phần ghi ngày âm ở bên trái, phần ghi ngày dương ở bên phải. Riêng đòn nóc gian giữa được đục chữ Hán. Đó là phần thiết kế và trang trí hai vì giữa.

Độc đáo ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ của cặp vợ chồng trẻ ở Thái Nguyên - Ảnh 6.

Đòn nóc gian giữa được đục chữ Hán (Ảnh: Hà Thanh)

Còn đối với hai vì thuận được thiết kế theo kiểu con trồng, các ô thoáng trang trí bằng các bức tranh tùng, cúc, trúc, mai. Ở giữa hai đầu là hai cuốn thư. Ngoài ra phần đầu của mỗi con trồng đều được chạm long hóa rất tỉ mỉ.

Độc đáo ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ của cặp vợ chồng trẻ ở Thái Nguyên - Ảnh 7.

Các ô thoáng trang trí bằng các bức tranh tùng, cúc, trúc, mai (Ảnh: Hà Thanh)

Riêng đối với phần cửa ra vào được thiết kế theo kiểu cửa bức bàn, ngưỡng 3, có chiều cao từ mặt nền lên đến mặt ngưỡng là 37cm, mỗi gian gồm 4 cánh thượng song hạ bản.

Điều đặc biệt của loại cửa này là phải đóng hai cánh giữa thì mới đóng được hai cánh cạnh, và mở được hai cánh cạnh thì mới mở được hai cánh giữa.

Độc đáo ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ của cặp vợ chồng trẻ ở Thái Nguyên - Ảnh 8.

Cửa của ngôi nhà được thiết kế đặc biệt. (Ảnh: Hà Thanh)

Ngói lợp cho ngôi nhà là ngói mũi hài, dưới được trải ngói chiếu. Giữa hai viên ngói có khe hở để tản nhiệt, do vậy ngôi nhà sẽ mát về mùa hè hơn.

Theo anh Bẩy, để chơi được nhà gỗ cổ thì cần phải có khuôn viên diện tích lớn. Ngoài ra, để xây dựng được ngôi nhà theo phong cách nhà cổ truyền thống thế này, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, làm nghề lâu năm và có kinh nghiệm, thường là những người cao tuổi.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem