Tình yêu đẹp như cổ tích của đôi vợ chồng tật nguyền

Chủ nhật, ngày 16/12/2012 13:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anh Phạm Quý Xuân (SN 1971) và chị Trương Thị Thà (SN 1979) - hai con người đều bất hạnh về số phận nhưng cũng chính bởi có điểm chung đó mà họ đã cùng viết lên một câu chuyện tình đẹp như cổ tích.
Bình luận 0

Đêm Giáng sinh, cả lớp cắt may rủ nhau đi chơi, anh Xuân mới bạo dạn mời cô bạn cùng lớp ra một ghế riêng rồi hỏi: "Em có biết người viết thư cho em 8 năm trước đang ở gần đây không? Nếu là ông trời sắp đặt cho anh gặp lại em thì em có đồng ý lấy anh không?". Trong tiếng thổn thức và nhịp đập hỗn loạn của con tim, cô gái tật nguyền run rẩy: "Em đồng ý".

Người dân ở xóm 3, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội lâu nay vẫn kể cho nhau nghe về mối tình cảm động của đôi vợ chồng tật nguyền Phạm Quý Xuân (SN 1971) và Trương Thị Thà (SN 1979). Hai con người đều bất hạnh về số phận nhưng cũng chính bởi có điểm chung đó mà họ đã cùng viết lên một câu chuyện tình đẹp như cổ tích.

img
Ảnh cưới của đôi vợ chồng được ông trời mai mối

2.000 bức thư không nối nổi dây tình

Tổ ấm của anh Xuân chị Thà nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở xã Văn Bình. Đến nhà anh chị từ lúc giữa chiều nhưng phải chờ đến khi tối mịt tôi mới gặp được gia chủ. Vồn vã mời khách vào nhà, anh Xuân tươi cười: “Ngày nào vợ chồng tôi đi chợ cũng phải tầm này mới về chú ạ”.

Không dám gửi ảnh vì mặc cảm: Anh Xuân cười ngượng nghịu: “Thật ra, lúc đó cả 2 đứa đều giấu nhau chứ đâu có nói là người tật nguyền nên mình không dám gửi ảnh cho cô ấy. Hơn nữa nhà nghèo, đi lại khó khăn, ảnh thì chưa chụp bao giờ nên muốn gửi cũng chẳng có. Quả thật lúc đó mình cũng muốn nói thật cho cô ấy biết về hoàn cảnh của mình, nhưng nghĩ mãi lại thôi”.

Trong căn nhà chỉ chừng 12m2 chật ninh ních, anh Xuân chậm rãi kể cho tôi nghe về câu chuyện tình kỳ lạ của vợ chồng anh. Anh Xuân cho biết anh vốn quê gốc ở Tam Nông, Phú Thọ. Năm 21 tuổi, sau một lần dầm mình trong mưa lạnh, anh bị cảm sốt.

Do nhà nghèo không có tiền đi bệnh viện nên bệnh tình của anh mỗi ngày một nặng, đôi chân sưng to như chân voi. Thời gian sau, đôi “chân voi” ấy tự dưng tóp lại, teo đi thành tật nguyền. Xương sống ở lưng thì cong và gồ lên khiến anh Xuân gù rạp, phải đi lại bằng hai tay nghênh ngang như con cua càng.

Anh Xuân tâm sự: “Tôi quen vợ tôi qua chương trình “Kết bạn bốn phương” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày ấy, tôi không đi đâu được, suốt ngày chỉ ngồi ở nhà nghe đài. Có một lần tôi nghe được thông tin có một cô tên Thà, quê ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Tây (cũ), muốn kết bạn. Tôi liền mạnh dạn viết thư làm quen”.

Nhắc về chuyện tình của mình, chị Thà nở nụ cười bẽn lẽn: “Trong 6 năm trời, chúng tôi đã viết cho nhau gần 2.000 bức thư. Thế nhưng vì tôi bị teo chân trong một cơn bạo bệnh từ năm 16 tuổi nên tôi không dám đón nhận những tình cảm của anh ấy”.

Thế rồi, một ngày chị Thà quyết định gửi ảnh của mình cho anh Xuân và cũng không quên nói lên mong muốn được nhìn thấy mặt người suốt 6 năm đã tâm sự qua thư với mình. Nhưng lúc đó anh Xuân viện đủ mọi lý do để không gửi ảnh cho chị vì sợ chị biết được hoàn cảnh của anh. Thấy anh Xuân như thế, chị Thà lại nghĩ anh không thật lòng nên tỏ ra hờn dỗi rồi quyết định cắt đứt liên lạc.

Hạnh phúc nhờ ông trời sắp đặt

Bẵng đi thời gian 2 năm không có bất cứ liên lạc gì với nhau. Đến đầu năm 2004, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, anh Xuân biết được có một lớp dạy nghề nhân đạo cho những người khuyết tật ở dưới Sơn Tây, Hà Nội. Anh định theo học nhưng không được gia đình chấp nhận. Một đêm, nằm suy nghĩ, không biết “trời xui, đất khiến” thế nào, anh choàng dậy thu vén quần áo rồi trốn mọi người bắt xe xuống Sơn Tây theo học lớp cắt may.

img
Vợ chồng anh Xuân và 2 cô con gái

Anh nhớ lại: “Hôm nhập trường, tôi thấy danh sách lớp có cái tên rất quen, Trương Thị Thà, quê ở xã Văn Bình, Hà Tây cũ. Xem kỹ lại tấm ảnh mà Thà đã gửi, tôi chắc chắn cô gái tên Thà cùng lớp chính là người đã trò chuyện qua thư với mình suốt 6 năm trời”.

Chị Thà cho biết: “Trong học tập cũng như trong cuộc sống, anh Xuân luôn quan tâm đến tôi. Có lần tôi bị ốm, gần 10 ngày trời anh Xuân luôn có mặt tại giường bệnh để chăm sóc. Anh nấu cháo cho tôi ăn, mua thuốc cho tôi uống, đêm giật mình tỉnh dậy khát nước nhìn lên đầu giường đã thấy cốc nước anh để sẵn đấy. Cứ thế, hình bóng anh Xuân đi vào trong trái tim tôi lúc nào không hay”.

Đêm Giáng sinh, cả lớp cắt may rủ nhau đi chơi, anh Xuân mới bạo dạn mời cô bạn cùng lớp ra một ghế riêng rồi hỏi: "Em có biết, người viết thư cho em 8 năm trước đang ở gần đây không? Nếu là ông trời sắp đặt cho anh gặp lại em thì em có đồng ý lấy anh không?".

Trong tiếng thổn thức và nhịp đập hỗn loạn của con tim, cô gái tật nguyền run rẩy: "Em đồng ý". 1 tháng sau đó đám cưới diễn ra. Chỉ vài mâm cơm dưới chân núi Gò Dài bên sông Hồng ở xã Xuân Quang (Tam Nông, Phú Thọ) mà họ nên vợ nên chồng.

Tốt nghiệp lớp học may, hai vợ chồng anh Xuân lang bạt làm thuê ở rất nhiều trung tâm may nhân đạo để kiếm sống. Thấy thế, bà ngoại của Thà thương hai cháu vất vả, long đong đã cho 30m2 đất ở xóm 3, xã Văn Bình. Hội Liên hiệp phụ nữ xã cùng các ban, ngành đã chung tay xây cho vợ chồng Xuân và Thà căn nhà “tình thương” nho nhỏ.

Từ ngày chuyển về đây ở, hai vợ chồng anh chị đã thuê một gian hàng tại chợ Vồi, thị trấn Thường Tín, để bán hàng quần áo. Thời gian đầu mới mở hàng còn bán “chạy”, mấy năm trở lại đây ế ẩm, không kham nổi tiền thuê nên hai anh chị chuyển ra ngồi bán quần áo “đổ đống” ở hè đường. Chị Thà thú thật: “Ngày nào đắt hàng thì vợ chồng tôi kiếm được khoảng 100.000 đồng, còn những ngày mưa kéo dài thì coi như thất nghiệp”.

Thấm thoắt đã gần chục năm kể từ ngày anh chị nên duyên chồng vợ. Trong khoảng thời gian ấy, hai đứa con gái của anh chị lần lượt ra đời. Đứa lớn đang học lớp 3, đứa nhỏ học lớp 1. Anh Xuân cho biết: “Bệnh tật vẫn luôn hành hạ chúng tôi mỗi ngày khiến vợ chồng tôi uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Ngày nào cũng phải uống thuốc giảm đau nếu không ngày mai không thể đi chợ được.

Có lúc hết thuốc lại bí tiền, chúng tôi vẫn phải cắn răng, nén cơn đau để ra chợ bán hàng kiếm tiền cho 2 con ăn học. Chỉ mong 2 cháu lớn lên khỏe mạnh, bình thường, chứ nhỡ mà bị như bố mẹ thì lại một đời vất vả”.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem