WWF lên tiếng về vụ "cắt" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, quy hoạch đô thị, sân golf

Hồng Nhân - Nguyễn Hoa· Thứ ba, ngày 22/08/2023 19:26 PM (GMT+7)
Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho biết, việc điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng ven biển, xây dựng quy hoạch khu đô thị, sân golf tại Tiền Hải cần hết sức thận trọng, tuân thủ luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Bình luận 0

Không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế

Chiều 22/8, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) đã thông tin với phóng viên Dân Việt về việc tỉnh Thái Bình điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng ven biển, xây dựng quy hoạch khu đô thị, sân golf tại Tiền Hải.

Theo đơn vị này, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải được thành lập nhằm mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, bao gồm các loài động - thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thuỷ sinh và chim di trú, chim nước.

"Kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Phát triển (CRES), Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải có mức độ đa dạng sinh học cao, đây là nơi cư trú của hơn 150 loài chim nước, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như bồ nông chân xám, cò thìa và mòng bể mỏ đen.

Đặc biệt có 8 loài chim và 2 loài động vật (rái cá và cá thủ vàng) thuộc loài đặc hữu quý hiếm. Khu Bảo tồn cũng là nơi sinh sống của hơn 100 loài thuỷ sinh bao gồm hơn 80 loài cá và 20 loài giáp xác, nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế như tôm sú, ngao, cua, cá vược, cá đối… Ngoài ra còn có hơn 180 loài cây rừng ngập mặn (sú, vẹt, bần, mắm....)", đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam thông tin.

Đại diện WWF cho biết, việc thay đổi diện tích, cũng như tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên ở một Khu bảo tồn hay một Khu rừng đặc dụng cần phải tuân thủ theo các quy định luật pháp của nhà nước Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Lâm nghiệp, 2017), về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước (Nghị định 66/2019/NĐ-CP) cũng như các công ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và đang tích cực tham gia.

Tổ chức bảo tồn quốc tế nói gì vụ "cắt" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, quy hoạch đô thị, sân golf? - Ảnh 2.

Hình ảnh Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập nước Tiền Hải tại xã Nam Phú.

Đặc biệt cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.

Do đó, việc điều chuyển quy hoạch các Khu bảo tồn theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, và phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan.

"Với sứ mệnh là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường tự nhiên tại Việt Nam và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hòa với thiên nhiên, WWF – Việt Nam rất mong các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay góp sức để bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững và phát triển bền vững để bảo tồn những di sản thiên nhiên và văn hoá quý giá của đất nước", đại diện WWF chia sẻ.

Tổ chức bảo tồn quốc tế nói gì vụ "cắt" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, quy hoạch đô thị, sân golf? - Ảnh 3.

Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho biết, việc điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng ven biển, xây dựng quy hoạch khu đô thị, sân golf tại Tiền Hải cần hết sức thận trọng, tuân thủ luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Tổ chức này cũng thông tin thêm rằng, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn.

Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn, sẽ là những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân ven biển. 

Đồng thời các hệ sinh thái ven biển cũng là những nơi cung cấp dinh dưỡng, nơi sinh cư, bãi sinh sản của nhiều loài động vật thuỷ sinh, đây cũng là nguồn sinh kế quan trọng của người dân ven biển trong các hoạt động canh tác, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.

Điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng ven biển, xây dựng quy hoạch khu đô thị, sân golf

Quyết định 731/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình ban hành tháng 4/2023, xác lập diện tích rừng đặc dụng tại ba xã Nam Hưng - Nam Thịnh - Nam Phú của huyện Tiền Hải đang gây tranh cãi trong dư luận. Bởi, theo quyết định này quy mô rừng đặc dụng ở 3 xã trên (nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải ) chỉ còn 1.320ha, gồm 632ha đất rừng ngập mặn; 688ha đất chưa có rừng.

Đây là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Chính UBND tỉnh Thái Bình trong Quyết định 2159/QĐ-UBND ban hành năm 2014 đã nêu: Mục tiêu của khu bảo tồn nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng; là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển; bảo vệ cảnh quan, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước, đặc biệt là các loài chim nước di trú quý hiếm có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế…

Vị trí rừng đặc dụng ở vùng ngoài đê biển thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải; phía Bắc, phía Nam và phía Đông giáp Quy hoạch Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ; phía Tây giáp Quy hoạch Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

Trong khi đó từ tháng 9/2014, cũng chính UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 2159 phê duyệt đề án và xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với quy mô 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.

Còn theo Quyết định mới ban hành của UBND tỉnh Thái Bình, quy mô rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chỉ còn 1.320ha.

Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình: "12.500ha tại Khu bảo tồn Tiền Hải chỉ là con số ước lượng, xác định chính xác là 1.320ha" - Ảnh 1.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Trước khi ban hành quyết định điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, vào tháng 3/2023 UBND tỉnh Thái Bình đã gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đến năm 2040. Bộ Xây dựng đã có công văn số 1957/BXD-QHKT phúc đáp Công văn của tỉnh Thái Bình.

Về sự phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và quy hoạch tỉnh Thái Bình, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030 đang được UBND tỉnh Thái Bình trình thẩm định, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phương án tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn trong dự thảo Quy hoạch tỉnh xác định đô thị Nam Phú đến năm 2040 có quy mô dân số khoảng 30.000 người, là đô thị loại V.

Do đó, đề nghị lưu ý đảm bảo định hướng phát triển đô thị trong đồ án đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị trong nội dung Quy hoạch tỉnh và đảm bảo sự thống nhất các cấp độ quy hoạch.

Tổ chức bảo tồn quốc tế nói gì vụ "cắt" Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, quy hoạch đô thị, sân golf? - Ảnh 6.

Rừng đặc dụng tại Tiền Hải.

Ngoài ra, tại khu du lịch Cồn Vành, việc bố trí các chức năng hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ (ô đất ký hiệu B-HH29, B-HH30) là chưa phù hợp với phương án quy hoạch sử dụng đất tại Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được phê duyệt…

Cùng thời gian này, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã gửi công văn xin ý kiến các Bộ ngành về việc đầu tư dự án xây dựng sân golf Cồn Vành.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải có diện tích sử dụng đất khoảng 110ha (trong đó sử dụng vào đất nông nghiệp 98,62ha, đất mặt nước ven biển 7,08ha, đất giao thông 4,3ha).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem