Theo đó, kế hoạch này sẽ được chia là 3 đợt cao điểm trong thời gian 3 tháng, từ 1.12.2014 đến hết ngày 28.2.2015. Các lực lượng chức năng sẽ tập trung vào 2 nội dung chính là truyền thông sâu, rộng và cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Trong các vụ tai nạn giao thông dịp tết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do lái xe lấn làn, chạy quá tốc độ, mất kiểm soát, trong đó có một phần nguyên nhân là tài xế sử dụng chất kích thích thần kinh mà cụ thể là uống rượu, bia”.
Ảnh minh họa.
Thống kê của Bệnh viện Việt Đức cho thấy, trong thời gian từ 6.9 – 5.10, có 350 người cấp cứu vì TNGT thì có 50 người (chiếm 14,6%) có sử dụng rượu, bia. Trong đó, có 33 người là vượt ngưỡng nồng độ cồn cho phép 55mlg/100ml máu.
Trong chương trình phối hợp năm nay, Ủy ban ATGT sẽ phối hợp với Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát xây dựng mô hình “Điểm kinh doanh bia, rượu ATGT” thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Theo đó, tại các điểm kinh doanh bia, rượu sẽ vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia, rượu; tổ chức dịch vụ trông giữ xe qua đêm; tổ chức dịch vụ xe đưa khách hàng đã uống rượu, bia về nhà.
Việc kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh” theo phương pháp quốc tế cũng sẽ được lực lượng CSGT tiến hành trong thời gian tới trên diện rộng. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh- Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho biết: “Việc xử lý nồng độ cồn luôn nằm trong kế hoạch của Bộ Công an. Bởi người uống rượu bia là hiểm họa không chỉ trực tiếp gây TNGT mà còn ảnh hưởng đến người khác do không làm chủ được hành vi và thường có hành vi chống đối lực lượng thực thi công vụ”.
Đại tá Dánh cũng cho biết việc thí điểm kiểm tra xử lý nồng độ cồn theo phương pháp quốc tế đã được thực hiện tại 8 địa phương và đem lại kết quả tích cực. Bộ Công an đang tổ chức tập huấn cho lực lượng CSGT các địa phương để có thể triển khai trên toàn quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.