Tổ chức JICA mong muốn Việt Nam phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA
Tổ chức JICA mong muốn Việt Nam phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA
Trần Khánh
Thứ tư, ngày 12/10/2022 16:36 PM (GMT+7)
Tại buổi họp báo giữa kỳ chiều ngày 12/10, ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam (TP.HCM) bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng vốn ODA một cách hiệu quả.
Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, thời gian qua, hoạt động của JICA Việt Nam đạt được số thành tích nổi bật.
Nhằm hỗ trợ Việt Nam chiến đấu đẩy lùi đại dịch Covid-19, JICA đã cung cấp các sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế như máy tim phổi nhân tạo ECMO phục vụ chẩn đoán và điều trị, với tổng trị giá 850 triệu Yên.
JICA đã chuyển giao công nghệ và bàn giao các thiết bị chính cho Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III (BSL-3) tại Viện Pasteur TP.HCM, trị giá hơn 200 triệu Yên.
Những gói hỗ trợ này nhằm góp phần nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán Covid-19, tăng cường khả năng ứng phó của Việt Nam đối với các bệnh truyền nhiễm.
Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, JICA đã hợp tác với trường Đại học Việt Nhật từ năm 2015. Tính đến nay đã có 260 học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sỹ và hiện có hơn 200 sinh viên và học viên đang theo học tại trường.
Bên cạnh đó, Hiệp định vay vốn ODA thứ 4 cho "Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2 đã được ký kết vào tháng 12/2021.
Trong lĩnh vực năng lượng, JICA đã ký thỏa thuận cho vay trị giá 25 triệu USD với công ty tư nhân phát triển điện gió của Việt Nam trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị.
Về công trình đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1, toàn bộ 51 toa tàu metro sản xuất tại Nhật Bản đã được vận chuyển đến Việt Nam, tiến độ hoàn thành của công trình đạt khoảng 90%.
JICA mong muốn Việt Nam phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA
Ông Shimizu Akira cho biết, thời gian tới, JICA sẽ tập trung vào các dự án hợp tác về cơ sở hạ tầng chất lượng cao hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế.
Trong 4 năm trở lại đây, các khoản vay của Việt Nam từ các tổ chức quốc tế, trong đó có JICA giảm 16-20% so với trước đây. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và có ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, một quốc gia cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng khoản vay vốn cho phép hoàn trả trong dài hạn, 30-40 năm, với lãi suất thấp và cố định, làm công cụ huy động vốn trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, trong các dự án vốn vay ODA phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ nước ngoài, đồng thời trong suốt thời gian dài thực hiện dự án luôn có sự tham gia của các công ty Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng này là nhờ mở rộng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp.
Theo ông Shimizu Akira, một xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng là những yếu tố không thể thiếu tại mỗi quốc gia.
Trong thời gian tới, ODA vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng - động lực tăng trưởng của Việt Nam.
"JICE mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng ODA một cách hiệu quả, và coi đây là một phương thức huy động vốn thuận tiện, đồng thời là cách thức để có thể đưa công nghệ tiên tiến của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam", ông Shimizu Akira nói.
Về phát triển nguồn nhân lực, JICA tiếp tục hợp tác thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật và vốn vay nhằm hỗ trợ trường Đại học Việt Nhật mở thêm chương trình đào tạo tiến sỹ.
JICA sẽ thiết lập cơ sở mới tại Hòa Lạc từ năm 2023 với mục tiêu đưa trường Đại học Việt Nhật trở thành trường đại học tổng hợp với quy mô 6.000 sinh viên.
Trong lĩnh vực y tế, JICA đã đưa ra "Sáng kiến Y tế toàn cầu", ngay cả khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống. Trong đó, Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu trong sáng kiến này.
Cụ thể, JICA sẽ tiếp tục thông qua ba bệnh viện trung ương đã có lịch sử hợp tác trong thời gian dài là Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế tại Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP.HCM nhằm thiết lập hệ thống đào tạo từ xa cho y tế tuyến dưới.
Nội dung hỗ trợ khác nữa của JICA là về trung hòa carbon, tức là đưa lượng phát thải khí nhà kính xuống bằng 0.
Ông Shimizu Akira cũng cho biết, năm 2023 sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Các hoạt động giao lưu văn hóa, kết nối người dân giữa hai nước sẽ sôi động hơn bao giờ hết.
Hướng tới dấu mốc quan trọng này, JICA sẽ tiếp tục nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam thông qua ODA.
Đồng thời JICA tăng cường kết nối người dân hai nước, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị 50 năm giữa hai nước, để quan hệ Nhật Bản - Việt Nam tiếp tục phát triển và có bước tiến nhảy vọt trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.