Lập gia đình ở tỉnh Thái Bình, bà Bùi Thị Nhung (SN 1950, ngụ xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) khi đó thuộc diện… nghèo nhất địa phương, tới mức không có nổi manh chiếu để ngủ. “Thiếu đói triền miên, năm 1984, vợ chồng tôi quyết định đưa các con vào Bình Phước lập nghiệp. Khi đi, tài sản vỏn vẹn 240 đồng trong túi”- bà Nhung nhớ lại.
Vào Bình Phước, không vốn, không mảnh đất cắm dùi, gia đình bà Nhung phải đi phát cây tỉa lúa. Thấy gia cảnh bà quá nghèo, hàng xóm đổi công dựng cho túp lều lấy chỗ chui ra chui vào. “Hồi đó ai thuê gì, vợ chồng tôi cũng làm. Năm 1989, khi đã phát được 6ha rẫy, tôi tham gia Hội ND xã để học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng đậu xanh, đậu phộng. Năm 1993, với phương thức đổi công, gia đình tôi vừa phát thêm rẫy vừa dùng tiền lời của các vụ đậu, mua thêm đất được tổng cộng 20ha và trồng toàn bộ cao su trên diện tích này” - bà Nhung kể.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2015/images/2015-09-04/1441319454-ba-nhung-3.jpg)
Bà Bùi Thị Nhung kiểm tra những địa chỉ cần giúp đỡ trong thời gian tới. Ảnh: T.T
Lấy ngắn nuôi dài, bà Nhung vẫn trồng xen đậu phộng giữa những hàng cao su chưa khép tán. Vụ đậu năm 1995, gia đình bà thu được hơn 22 tấn đậu phộng, 14 tấn đậu xanh. Lúc đó vui quá, gia đình bà đã tổ chức liên hoan cho cả xóm để chứng minh gia đình mình đã thoát hẳn đói nghèo. Sau đó, bà dùng tiền lời của vụ này mua thêm 14ha đất để trồng tiếp cao su.
Bây giờ, với 34ha cao su và 4,2ha điều, gia đình bà Nhung tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với bình quân mỗi người 4 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lợi 1,5 tỷ đồng/năm.
Khi đã no ấm, thấy nhiều gia đình khác tới lập nghiệp với đôi bàn tay trắng cũng như mình trước kia, bà Nhung giúp đỡ họ với suy nghĩ giúp được 1 hộ nghèo là đỡ cho nhà nước một phần gánh nặng. Lúc đầu, bà chỉ tặng quà tết cho những gia đình nghèo, cụ già neo đơn. Từ năm 2003, bà Nhung bắt đầu hỗ trợ tiền xây nhà tình nghĩa, tình thương, nhà “đại đoàn kết”. 12 năm, gia đình bà đã hỗ trợ dựng 18 căn nhà tình nghĩa.
Trong hoạt động Hội ND, hễ thấy hội viên nào có quyết tâm sản xuất nhưng không có vốn, bà Nhung đề nghị Hội ND xã lên danh sách rồi gia đình bà cho những hộ đó vay từ 30 – 50 triệu đồng không tính lãi để họ mua bò, lợn, cây trồng, phân bón. Đến nay nhiều hộ thoát nghèo một cách ấn tượng như gia đình ông Đỗ Hữu Đượm từ Hải Phòng vào Tân Thành năm 1995. Bà Nhung đã giúp đỡ bằng cách cho ông Đượm vay hơn 100 triệu đồng không lãi để mua đất, xây nhà, nuôi heo, trồng cao su. Khi 2 đứa con lớn của ông Đượm đi học không tiền nộp học phí, bà Nhung cho vay tiền đóng học. Đến nay cả con của ông Đượm đều đã tốt nghiệp, có việc làm và trả dần nợ cho bà Nhung từ 2-5 triệu đồng/tháng.
Thấy tình trạng bà con nghèo phải vay nóng bên ngoài trả vốn đến hạn cho ngân hàng, bà Nhung lập tài khoản với 400 triệu đồng để cho họ vay không lãi. Tiền đến kỳ đáo hạn, người vay chỉ trả lại tiền gốc vào tài khoản của bà. Với cách làm trên, đến nay số người được bà giúp đỡ không thể tính được.
Ông Đặng Xuân Hảo - Chủ tịch Hội ND thị xã Đồng Xoài, cho biết: “Bà Nhung rất nhiệt tình đóng góp cho địa phương như: Hỗ trợ tiền bê tông hóa đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà văn hóa ấp, hỗ trợ trẻ mồ côi, người già neo đơn, mua báo nông thôn ngày nay cho hội viên…”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.