Tô Dũng nghẹn ngào nhắc về kỷ niệm với 2 chiến sĩ PCCC hy sinh chiều 1/8
Tô Dũng nghẹn ngào khi nhắc về kỷ niệm với 2 chiến sĩ PCCC hy sinh chiều 1/8
Ngọc Linh
Thứ tư, ngày 03/08/2022 06:16 AM (GMT+7)
"Tôi từng vào vai chiến sĩ PCCC hy sinh khi làm nhiệm vụ. Những gì tôi trải qua chỉ là trên phim, nhưng sự ra đi của 3 chiến sĩ ngày 1/8 lại là ở đời thực, tôi xót xa vô cùng", diễn viên Tô Dũng nghẹn ngào chia sẻ với Dân Việt.
Tô Dũng: "Hồi làm Lửa ấm, nhân vật người lính cứu hỏa của tôi cũng hy sinh, nhưng chỉ là phim, còn có ai mong điều ấy xảy ra bao giờ"
Sự hy sinh của Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sỹ Nguyễn Đình Phúc thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội trong vụ dập lửa cứu người ở Hà Nội chiều ngày 1/8 đã khiến rất nhiều người xót thương, cảm phục.
Nhiều người dân đã bày tỏ những dòng cảm xúc đầy xúc động để tỏ lòng tiếc thương và biết ơn 3 chiến sĩ đã hy sinh trên mạng xã hội.
Với khán giả của phim truyền hình, hình ảnh những người lính cứu hoả từng được đưa vào bộ phim Lửa ấm. Diễn viên Tô Dũng, người từng vào vai chàng lính cứu hoả tên Tiến trong phim Lửa ấm đã có những dòng chia sẻ nghẹn ngào khi nhắc về hình ảnh những người chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Trong phim, Tiến là một chàng lính cứu hoả hiền lành, với nụ cười thân thiện, giọng nói ấm áp, anh luôn khiến đồng đội và cả những người bị nạn cực kỳ yên tâm. Ở tập 42 của phim Lửa ấm, chiến sĩ Tiến đã qua đời khi đang làm nhiệm vụ.
Từng có cơ hội được trải nghiệm công việc của một người lính cứu hoả, được tiếp xúc gần gũi với những người lính thực thụ ngoài đời, Tô Dũng được lắng nghe nhiều câu chuyện đời thường phía sau những con người phi thường ấy.
Đặc biệt, trong quá trình làm phim, Tô Dũng cũng đã biết đến và có cơ hội gặp mặt Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt (2 trong 3 chiến sĩ đã hy sinh ngày 1/8 vừa qua).
Trên trang cá nhân, những dòng chia sẻ của Tô Dũng khiến ai nấy đều nghẹn ngào:
"Thương xót quá! Hồi làm Lửa ấm, ngoài những lúc quay mình hay lân la chuyện trò cùng anh em, cũng được biết thêm đôi chút về lính PCCC.
Hỏi một bạn trẻ măng kém tuổi mình: "Vì sao em làm lính PCCC?", bạn đáp: "Tại em thích cứu người, thấy lửa người ta né nhưng mình lại muốn lao vào, trong người cứ thế không tả được".
Hỏi một anh, trợ cấp của các anh thế nào, thì theo trí nhớ hạn hẹp của mình là cháy dưới 2 tiếng thì được bồi dưỡng XX nghìn, từ 2-4 tiếng thì XX, từ 4 tiếng trở lên thì XXX (nếu có sai mong các anh em trong nghề đọc được bỏ qua), có thể có một chút sai số. Nhưng đại loại và chắc chắn mình biết là số tiền ấy không thấm vào đâu cả. Vất vả lắm! Vất vả quá!... Mà hỡi ôi có ai lại mong cháy to, cháy lớn, cháy lâu để được thêm tiền bao giờ!
Hỏi tiếp, thế cháy to cháy lâu quá thì chịu làm sao: "Thì ông nào cầm vòi cứu hoả mà mệt quá, không chịu được nữa thì chắc chắn có đồng đội lao vào thay thế, cứ vậy, hết cháy thì thôi!".
Đặc thù của lính PCCC theo mình biết là làm một ngày, nghỉ một ngày (mà làm gì có cơ quan đoàn thể nào nhận người làm 1 ngày nghỉ 1 ngày bao giờ, thế thì phải làm gì kiếm thêm thu nhập? Chạy Grab!). Có anh kể, đồng nghiệp của mình nhà đâu đó ở Sơn Tây, ngày hôm nay trực, sáng hôm sau hết ca, giao ban xong chạy thêm Grab, tối phi về Sơn Tây ăn bữa cơm với gia đình xong lên Hà Nội chuẩn bị cho ca trực hôm sau, cứ đều đặn như vậy!
Những câu chuyện nho nhỏ, tai mình nghe được chẳng hề thêu dệt hay "bốc phét". Càng nghe càng thấy cảm phục! Hồi làm Lửa ấm, nhân vật người lính PCCC của mình cũng hy sinh, nhưng là phim, còn có ai mong điều ấy xảy ra bao giờ.
Nay 3 đồng chí hy sinh vì cứu người, anh Quân, bạn Việt mình đã gặp, Phúc thì chưa. Nhưng dù gặp hay chưa, dù không thân thiết thì mình cũng biết mọi người yêu cái nghề của mình đến thế nào! Cảm phục và kính trọng!".
Lời dặn của một chiến sĩ: "Làm lính cứu hoả, đến thở cũng phải học"
Đêm muộn 2/8, sau khi đọc được bài viết của Tô Dũng vừa chia sẻ, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Tô Dũng. Khi biết tin có 3 người chiến sĩ hy sinh mọi thứ cảm xúc trong anh hỗn loạn, những ký ức về người lính cứu hoả cứ hiện về tâm trí.
"Tôi có từng gặp Trung tá Đặng Anh Quân và Trung úy Đỗ Đức Việt khi làm phim Lửa ấm. Dù chỉ là những cuộc trò chuyện chóng vánh, những lần gặp thoáng qua nhưng ấn tượng về các chiến sĩ quả cảm ấy tôi không thể nào quên được.
Khi đọc được thông tin có 3 chiến sĩ hy sinh tôi vô cùng bàng hoàng và thương xót. Tôi nghĩ đó cũng là nỗi lòng chung của tất cả mọi người, nhưng với tôi, cảm giác trong tôi đặc biệt hơn, có lẽ vì tôi từng tiếp xúc với các chiến sĩ, lại từng được hoá thân và khoác trên mình bộ đồ của lính PCCC.
Bản thân tôi cũng từng quay cảnh hy sinh như thế. Nhưng sự hy sinh của các anh lại xảy ra ở đời thực. Tôi chợt nhớ lại những khoảnh khắc khi ấy, tôi thực không biết phải diễn tả cảm xúc như thế nào, đau xót và tiếc thương cho những người lính trẻ", Tô Dũng nghẹn giọng nói.
Nhớ lại quãng thời gian thực hiện bộ phim Lửa ấm, vô vàn thách thức đặt trên vai những người diễn viên trẻ như Tô Dũng. Lần đầu được mặc bộ đồ của người lính cứu hoả, lần đầu biết đến nghiệp vụ đầy vất vả, nguy hiểm của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Các diễn viên may mắn luôn có những người lính đồng hành, chia sẻ trong quá trình làm phim.
Nhớ về những ngày tháng khó khăn khi hoá thân vào vai người lính cứu hoả, Tô Dũng kể: "Khó khăn nhất là những cảnh quay cứu hoả, cứu người. Nghiệp vụ của một người lính cứu hoả thực sự rất khó. Tôi nhớ mãi một câu mà các chiến sĩ vẫn bảo với chúng tôi là: "Làm lính cứu hoả đến việc thở cũng phải học".
Khi làm nhiệm vụ phải vác trên người một chiếc bình cứu hoả, bộ dụng cụ, đeo thêm bình oxy mấy chục cân không hề đơn giản một chút nào. Khi cứu được người mắc kẹt mình phải vác, phải cõng họ. Đó thực sự là thách thức với người bình thường như mình. Nhưng các anh đã sống với nghề, ăn, tập, ngủ nghỉ với nghề và luôn sẵn sàng để xông vào đám cháy cứu người mà không hề do dự".
Khi được hỏi rằng, liệu trong tương lai, nếu có thêm một bộ phim nói về hình ảnh người lính cứu hoả, Tô Dũng có còn muốn đảm nhận vai nữa không, Tô Dũng quả quyết: "Tôi vinh dự được hoá thân vào các anh, những người lính vì dân quên mình. Nếu có cơ hội khoác trên mình bộ đồ cứu hoả một lần nữa, tôi sẽ làm tốt hơn những gì tôi từng thể hiện về các anh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.