Tổ tiên loài người nhỏ hơn cả… chuột?

Thứ năm, ngày 06/06/2013 19:02 PM (GMT+7)
Dân Việt - Các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ và Pháp vừa thông báo kết quả nghiên cứu bộ xương hóa thạch cổ nhất thế giới của động vật linh trưởng, tổ tiên của con người. Nó là một con khỉ rất nhỏ. Nhỏ hơn cả những con chuột!
Bình luận 0

 

Kết quả nghiên cứu được công bố trong ấn bản của tạp chí Nature ngày hôm qua. Bộ xương hóa thạch gần như hoàn chỉnh được khai quật tại một lòng hồ cổ gần thành phố Cẩm Châu (gần sông Dương Tử ngày nay) tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào năm 2003. Đây là một chi của loài khỉ mang tên là Archicebus Achilles. 

img
 

Theo các nhà khoa học, khỉ Archicebus Achilles sống cách đây 55 triệu năm, trong thời kỳ đầu của kỷ Eocene. Đây là động vật linh trưởng lâu đời nhất được biết đến, lâu hơn 7 triệu năm so với chi Darwinius (phát hiện năm 1983 ở thành phố Messel, quận Landkreis Darmstadt-Dieburg, bang Hesse, Đức) và chi Notharctus (phát hiện năm 1870 tại bang Wyoming, miền tây nước Mỹ).

Archicebus Achilles có cơ thể dài khoảng 71 mm và trọng lượng ước tính từ 20 đến 30 gram. Nghiên cứu bộ xương cho thấy sinh vật này thích nhảy nhót, đôi mắt nhỏ và răng nhọn. Chúng săn và ăn thịt côn trùng.

Các nhà khoa học từ ba quốc gia đã trải qua mười năm, so sánh hơn 1.000 đặc điểm giải phẫu của 157 động vật có vú để xác định vị trí của hóa thạch trong cây gia đình của động vật linh trưởng.

Tiến sĩ Ni Xijun của Viện cổ nhân loại học và cổ sinh vật học có xương sống tại Học viện Khoa học Trung Quốc, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: Archicebus Achilles là thành viên đầu tiên của họ khỉ nhưng rất gần với vượn người (bao gồm khỉ, khỉ không đuôi và con người).

Ông Ni Xijun cho biết: "Nó nằm gần gốc của cây phát sinh của loài linh trưởng, nơi bắt đầu phân ra khỉ lùn và vượn người. Điều này giải thích tại sao nó mang những đặc điểm của cả khỉ lùn và vượn người."

Tiến sĩ Christopher Beard, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ mô tả: "Archicebus Achilles cứ như một loại lai kỳ lạ với bàn chân của một con khỉ nhỏ, cánh tay, cẳng chân và răng của một loài linh trưởng rất thô sơ. Không giống như những chi khác trong họ khỉ – thường có đôi mắt khổng lồ, nó có đôi mắt nhỏ đáng ngạc nhiên."

Ông Ni Xijun cho hay, hầu hết khỉ lùn đều có đôi mắt to vì chúng là những sinh vật sống về đêm, chủ yếu dựa vào quan sát để tìm kiếm thức ăn. Đôi mắt nhỏ của loài linh trưởng mới cho thấy nó săn vào ban ngày giống vượn.

“Có câu nói rằng “vượn người đã đi từ bóng tối ra ánh sáng” nhưng nghiên cứu của chúng tôi lại cho thấy các loài linh trưởng đầu tiên không phải là những “con cú đêm”", ông Ni Xijun cho hay, "Bàn chân của nó rất dài, thậm chí dài hơn cẳng chân lùn của nó. Nhưng nó có gót chân ngắn và rộng, đó là đặc trưng của vượn người." 

Các nhà khoa học cho biết, Archicebus Achilles sống trong thời kỳ mà phần lớn thế giới được bao phủ bởi rừng nhiệt đới. Giải phẫu đôi chân của hóa thạch cho thấy chúng giỏi leo trèo và nhảy nhót.

"Nó có thể nắm các nhánh cây bằng chân hay sử dụng đôi chân khi thực hiện một bước nhảy. Vì vậy, bàn tay của chúng được tự do làm việc khác như bắt côn trùng chẳng hạn. Điều này có thể đặt cơ sở sinh học cho sự tiến hóa đi lên của các loài linh trưởng cao hơn."

Phát hiện loài linh trưởng khiến chúng ta có thêm manh mối về nguồn gốc tiến hóa của các loài động vật linh trưởng cao cấp đồng thời làm sáng tỏ cuộc sống của tổ tiên xa nhất của con người.

Theo Xinhuanet
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem