Tổ tiết kiệm vay vốn: Cánh tay nối dài của ngân hàng

Thứ tư, ngày 12/10/2011 04:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Nếu không có sự nhiệt tình, tinh thần làm việc có trách nhiệm của những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, chúng tôi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Họ là cánh tay nối dài của ngân hàng”- ông Mai Danh Thức- Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) chia sẻ.
Bình luận 0

Ông Mai Danh Thức cho biết, sau gần 9 năm ra đời, phòng giao dịch chưa có một trường hợp nào nợ quá hạn khó đòi, hoặc không đòi được. Đa số các hộ vay vốn có ý thức trả lãi, gốc rất tốt.

img
Ông Tống Viết Cư (thứ 2 bên trái) trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức đoàn, Hội tại điểm giao dịch xã Thiệu Nguyên.

Hiệu quả là trên hết

Có được thành công đó, ngoài sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, ngân hàng, phải kể đến công lao của những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV). Đó là những người trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, trực tiếp thu lãi, gốc và động viên người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Làm công tác tín dụng ở cơ sở vất vả, thù lao lại không đáng là bao, nên tìm được người tâm huyết rất khó khăn.

Ông Tống Viết Cư - tổ trưởng tổ TKVV chi Hội ND thôn Nguyên Tiến, xã Thiệu Nguyên tâm sự: "Nếu làm vì tiền chắc tôi bỏ lâu rồi. Giúp được bà con, nhiều nhà giàu thì làng xóm mới giàu được".

Nguyên Tiến là thôn nghèo của xã Thiệu Nguyên. Đất nông nghiệp ít, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, do đó công tác giải ngân, thu lãi, vốn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, không quản trưa nắng hay đêm tối, hễ rảnh rỗi là ông Cư đến các gia đình để tìm hiểu nhu cầu, xác định chính xác đối tượng cho vay. Khi có vốn rồi ông lại tư vấn họ sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả.

"Hiện tôi quản lý 748 triệu đồng với 37 khách hàng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mình phải tư vấn cho họ, với hộ này nên nuôi lợn, hộ kia thì nuôi gà, vịt… nhưng làm gì thì làm, hiệu quả kinh tế là trên hết"- ông Cư tâm sự.

Lấy uy tín giúp bà con thoát nghèo

Mặc dù đã ở tuổi 63, nhưng ông Nguyễn Văn Cả- tổ trưởng tổ TKVV thôn Nguyên Thắng, xã Thiệu Nguyên vẫn nhiệt tình lắm. Với uy tín của một người có tuổi và là hộ SXKD giỏi, nên ông khá thuận lợi trong việc tư vấn bà con sử dụng vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt.

Hiện ông quản lý 980 triệu đồng với 27 khách hàng. Anh Nguyễn Văn Hùng - thành viên tổ TKVV của ông Cả phấn khởi nói: "Được bác Cả giúp làm thủ tục vay vốn, rồi bày cho cách làm ăn, giờ gia đình tôi đã thoát nghèo rồi. Không chỉ gia đình tôi, từ khi được Ngân hàng CSXH cho vay vốn ưu đãi để sản xuất, có hàng chục hộ thôn tôi đã thoát nghèo, như hộ anh Thành, chị Mai…".

img Hiện Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thiệu Hóa có 33 điểm giao dịch, 500 tổ TKVV, trong đó Hội ND có 225 tổ, với tổng dư nợ 233 tỷ đồng với 16.800 khách hàng. img

Ông Mai Danh Thức

Nói về công việc của mình, ông Cả chia sẻ: “Trước tiên phải tìm hiểu kỹ nhu cầu, mục đích vay vốn của khách hàng. Khi đã hiểu được mục đích của họ, dựa vào hoàn cảnh từng khách hàng để tư vấn họ sử dụng vốn sao cho hiệu quả nhất. Nhiều hộ có vốn nhưng không biết nên đầu tư nuôi con gì, trồng cây gì, tiền trong túi nay tiêu một đồng, mai tiêu một ít thế là hết. Nếu mình không kịp thời định hướng, nhiều hộ đã nghèo lại vác thêm nợ nghèo hơn".

Chị Lê Thị Hồng - thành viên tổ TKVV của ông Cả phấn khởi cho hay: "Nếu không được vay vốn ưu đãi, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có nhà để ở. Ngày trước nhà tôi chưa nắng đã rọi, chưa mưa đã dột".

Ông Nguyễn Viết Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên cho hay: "Xã đang nhận ủy thác 8 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH. Toàn xã có 16 tổ TKVV, trong đó Hội ND có tổng dư nợ lớn nhất với hơn 3 tỷ đồng. Nhờ đồng vốn ưu đãi, hơn 100 hộ ở Thiệu Nguyên đã thoát nghèo, hộ khá và giàu liên tục tăng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem