Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kiến nghị các biện pháp ứng phó với động thái cải cách thuế của Mỹ
Theo Tổ tư vấn, Mỹ đã chính thức ban hành Luật cải cách thuế, theo đó thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống còn 21%; thuế áp dụng đối với các khoản thu đầu tư ở nước ngoài chuyển về nước chỉ chịu thuế 10,5%.
Mục đích của chính sách thuế này là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ chuyển thu nhập ở nước ngoài để tái đầu tư.
Với biểu thuế mới này, Mỹ chuyển từ nhóm quốc gia có thuế cao nhất xuống nhóm quốc gia có mức thuế thấp nhất thế giới.
Tổ tư vấn cho biết mặc dù còn nhiều tranh cãi trong nội bộ Mỹ về lợi ích của chính sách thuế này, nhưng nhiều nước trên thế giới đã có phản ứng chính sách khá mạnh.
Chẳng hạn như Trung Quốc, từ 1/1/2018, đã miễn thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài tái đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên của chính phủ như hạ tầng, công nghệ, nông nghiệp. Chính phủ nước này cũng cảnh báo sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát ngoại tệ nhằm hạn chế thoái vốn, chuyển vốn của các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc.
Hay như EU, các nhà chức trách của khối cho rằng chính sách thuế mới của Mỹ gây bất bình đẳng trong thương mại, gây nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua giảm thuế và chiến tranh thương mại. Đồng thời EU cũng để ngỏ khả năng kiện Mỹ lên WTO.
Theo Tổ tư vấn, mức độ tác động ngay và trực tiếp của các chính sách thuế này đến Việt Nam là không lớn do vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam chưa nhiều. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp và lâu dài lại là không nhỏ.
Cụ thể, chính sách thuế này sẽ ảnh hưởng sức cạnh tranh thu hút vốn đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là khi xảy ra cuộc chạy đua giảm thuế trên thế giới. Hai là khi các nền kinh tế khác áp dụng biện pháp phòng vệ như điều chỉnh chính sách tỷ giá, kiểm soát ngoại tệ sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư quốc tế, qua đó tác động đến Việt Nam; đồng thời gây ảnh hưởng đến tỷ giá VND.
Tổ tư vấn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát số liệu tái đầu tư vốn của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam trong thời gian qua và nắm tình hình đầu tư của các doanh nghiệp này. Nếu cần có thể có chính sách khuyến khích tái đầu tư như Trung Quốc đã làm.
Bên cạnh đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Liên Bộ Tài chính – Công Thương theo dõi phản ứng chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động đến Việt Nam để kịp thời có phản ứng chính sách thích hợp.
“Sau khi Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép của Trung Quốc, dự kiến trong thời gian tới, chính quyền ông Donal Trump tiếp tục áp thuế này dối với một số mặt hàng khác của Trung Quốc. Đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế này có xu hướng gia tăng. Những hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ bị phía Mỹ ‘xem xét’. Bộ Công Thương cần theo dõi và rà soát sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ”, Tổ tư vấn kiến nghị.
Trước các đề xuất trên của Tổ tư vấn, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các vấn đề Tổ tư vấn khuyến nghị về thuế và đầu tư, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/3/2018.
Đồng thời Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan theo dõi phản ứng chính sách của các nước trên thế giới khi Mỹ thực hiện Luật cải cách thuế mới, đánh giá tác động đến Việt Nam để kịp thời có phản ứng thích hợp.
Bộ Công Thương cũng cần rà soát các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp khi Mỹ áp dụng thuế chống bán giá đối với sản phẩm này.
Vĩnh Chi (Vietnamfinance)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.