Tham dự buổi tọa đàm có: Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT và đại diện Vụ Kế hoạch, Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Cục Chế biến và PTTTNS.
Hoa Kỳ vừa chính thức công nhận Việt Nam tương đương về kiểm soát an toàn thực phẩm với con cá tra. Ảnh: Đ.H
Qua hơn 6 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai và đạt được những kết quả bước đầu, góp phần quan trọng phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và bền vững.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh: tăng thủy sản, trái cây; giảm lúa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Về tổng quan, sức sản xuất của ngành rất lớn. Chúng ta chỉ có 10 triệu hecta, trừ 14 triệu hecta rừng thì chúng ta đã tạo ra một sức sản xuất đến mức độ lương thực đạt trên 45 triệu tấn, thịt 5,5 triệu tấn, cá là 8 triệu tấn, cây công nghiệp mấy thứ đều nhất thế giới về sản lượng”.
Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh, giai đoạn 2013 - 2018 đạt 197,51 tỷ USD, bình quân đạt 32,9 tỷ USD/năm, đặc biệt năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD về tổng kim ngạch, tăng 47% so với năm 2012. Năm 2019, ước đạt khoảng 41 - 42 tỷ USD.
Tuy nhiên, năm 2019 là một năm thử thách đặc biệt cho ngành nông nghiệp khi thiên tai, bệnh dịch tả lợn Châu Phi lịch sử xảy ra trên phạm vi cả nước và áp lực cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ nông sản thế giới là rất lớn. Năm nay nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: gạo, hồ tiêu, cà phê…đều gặp khó khăn khi đối mặt với xu hướng giá giảm và sự thay đổi từ thị trường nhập khẩu.
Dây chuyền chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm thịt mát MEAT Deli. Ảnh: K. Lực
Trong khi đó, khâu chế biến nông sản ở Việt Nam lại rất yếu, sự tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu không đáng kể. Như mặt hàng cà phê, chúng ta vẫn xuất thô khoảng 90% sản lượng nên đã chịu thiệt rất lớn về giá trị khi giá giảm trong khi giá các sản phẩm cà phê chế biến vẫn ổn định.
Và trong ngày 10/12 tới, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại với nông dân mang chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo giá trị nông sản”. Đây là lần thứ 2, người đứng đầu đối thoại trực tiếp với đại diện bà con nông dân cả nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân việt tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến: “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ nông sản” trên Báo điện tử Dân Việt. Buổi tọa đàm sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Dân Việt và livestream trên Fanpage: danviet.vn.
Ngay từ bây giờ, quý vị độc giả, bà con nông dân quan tâm và đặt câu hỏi đến Ban Tổ chức của buổi tọa đàm theo địa chỉ hòm thư điện tử: khuongluc@gmail.com hoặc gửi tin nhắn qua fanpage: danviet.vn. Hoặc có thể gọi điện trực tiếp đến Ban Tổ chức trong thời gian diễn ra buổi tọa đàm, theo số máy: 035.266.6868.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.