Toàn cảnh cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa VPF và AVG

Thứ năm, ngày 29/12/2011 08:32 AM (GMT+7)
Dân Việt - Ý tưởng thay đổi thời gian hợp đồng bản quyền truyền hình từ 20 năm xuống còn 3 năm với 10 tỷ đồng mỗi mùa của VPF đã nhanh chóng bị AVG dập tắt khi AVG chưa thừa nhận sự có mặt của VPF.
Bình luận 0

Để bạn đọc dễ hình dung về "cuộc chiến" bản quyền truyền hình liên quan đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Dân Việt nêu lại theo trình tự thời gian câu chuyện.

img
Ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng Giám đốc VPF (trái) đề nghị ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG phải trả 10 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình mỗi năm với thời hạn hợp đồng 3 năm.

Ngày 21.12, AVG có công văn gửi VFF về việc Thực hiện hợp đồng chuyển nhượng thương quyền với nội dung cơ bản: “AVG khẳng định đã thực hiện hợp đồng một cách hết sức nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao cùng thái độ tôn trọng nhất với VFF… Căn cứ vào hợp đồng đã ký, nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, AVG kính đề nghị VFF nếu thực sự mong muốn có những thay đổi khác với hợp đồng đã ký vui lòng làm việc cùng AVG trên tinh thần thiện chí, hợp tác. Việc đàm phán, làm việc (nếu có nhu cầu thay đổi thực sự từ phía VFF) cần diễn ra trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào từ phía VFF cho dù đối tác là VPF hay bất kỳ một tổ chức/cá nhân nào..”. Cũng trong công văn này, AVG đã mời VFF làm việc vào lúc 15 giờ ngày 28.12.

Ngày 23.12, VFF có công văn trả lời AVG trong đó khẳng định Đại hội thường niên VFF đã nhất trí thông qua việc thành lập VPF và VFF đang tiến hành các thủ tục bàn giao các hợp đồng liên quan tới 4 giải đấu: Super League, giải hạng Nhất, Cúp quốc gia, Siêu Cúp quốc gia cho VPF. VFF đề nghị AVG có sự phối hợp chặt chẽ với VPF nhằm quảng bá hình ảnh giải đấu được tốt, phục vụ đông đảo người hâm mộ cả nước.

Cùng ngày, VPF cũng có công văn mời AVG tới làm việc để bàn về các nội dung liên quan tới bản quyền truyền hình 4 giải đấu nói trên vào 9 giờ ngày 27.12.

Ngay trong ngày 23.12, AVG đã có công văn trả lời VPF khẳng định chỉ sau khi làm việc với VFF, AVG mới có đủ cơ sở để bàn bạc việc hợp tác với VPF về các vấn đề liên quan đến hợp đồng giữa AVG với VFF.

AVG cũng đề nghị VPF cho ý kiến bằng văn bản những nội dung thật cụ thể, AVG sẽ khẩn trương nghiên cứu trên tinh thần phối hợp chặt chẽ với VPF.

Ngày 28.12, VPF có công văn số 16/VPF-PPL do Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn ký, đưa ra những “nội dung thật cụ thể” gửi AVG, mà điểm đáng chú ý nhất là việc khẳng định muốn AVG chi tối thiểu 10 tỉ đồng/năm tiền bản quyền truyền hình trong hợp đồng có thời hạn 3 năm.

Cũng trong ngày 28.12, một số quan chức của VFF đã đến trụ sở AVG để làm việc.

Sau cuộc làm việc này, ngay trong chiều 28.12, AVG đã có công văn gửi VFF khẳng định rõ ràng quan điểm và các yêu cầu về việc thực hiện hợp đồng bản quyền truyền hình mà AVG và VFF đã ký.

AVG nhấn mạnh: “Việc ký và thực hiện hợp đồng là giữa VFF và AVG. Vì vậy, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào (nếu có nhu cầu từ VFF) cần phải được thống nhất trước với AVG để đảm bảo tính kế thừa, toàn vẹn của hợp đồng đã ký. Việc VFF có bất kỳ quyết định đơn phương nào liên quan tới vấn đề bản quyền truyền hình trước khi có sự chấp thuận của AVG sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín và quyền lợi hợp pháp của các bên”.

Liên quan tới đề xuất của VFF về chuyển giao việc thực hiện hợp đồng cho VPF, AVG khẳng định:

- AVG chỉ xem xét việc thay đổi liên quan tới hợp đồng và đàm phán với VFF về việc này khi và chỉ khi VFF cam kết và bảo đảm VFF vẫn là đơn vị nắm quyền sở hữu bản quyền truyền hình như đã được quy định trong Điều lệ của VFF và trong hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG. Đồng thời VFF vẫn là đơn vị đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan trong hợp đồng

- AVG yêu cầu VFF và các bên có liên quan khác (trong trường hợp này là VPF) tiếp tục thực hiện đúng theo các nội dung của hợp đồng đã ký cho tới khi có thỏa thuận khác được thống nhất giữa các bên. Không một bên nào có quyền hủy ngang bất kỳ nội dung nào, vì bất cứ lý do gì.

- Chỉ sau khi AVG và VFF cùng nhất trí bằng một thỏa thuận bằng văn bản về việc VPF tiếp nhận một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng như nội dung các yêu cầu này của AVG thì VPF mới bắt đầu được tham gia chính thức thực hiện việc đàm phán các nội dung liên quan tới hợp đồng đã ký.

- Mọi thỏa thuận của VFF với VPF có liên quan tới hợp đồng đã ký với AVG cần được cung cấp dự thảo bởi VFF cho AVG trước khi VFF tiến hành ký kết, ra các văn bản chính thức liên quan.

- VPF phải có văn bản cam kết tôn trọng và thực hiện nghiêm túc theo các nội dung của hợp đồng đã ký bởi VFF và AVG, đặc biệt phần nhận lại để cùng thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau khi chuyển giao (nếu có việc chuyển giao). Việc này cần thực hiện trước khi VPF tham gia vào hợp đồng với tư cách là đối tác cùng chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng với VFF.

- Sau khi có một thỏa thuận mới ba bên giữa AVG, VFF và VPF, ban lãnh đạo VPF sẽ được quyền tiếp cận các nội dung của hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF. Nếu VFF đơn phương đàm phán, chuyển giao hợp đồng đã ký với AVG cho VPF trước khi nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của AVG, AVG sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

Về công tác tổ chức giải, AVG khẳng định: “Cho tới hôm nay (28.12), AVG vẫn chưa nhận được bất kỳ sự liên hệ nào từ phía VFF (cũng như VPF) để phối hợp tổ chức giải đấu. Vì vậy, AVG yêu cầu VFF tiếp tục là đầu mối và khẩn trương liên hệ, cung cấp thông tin cho AVG liên quan tới công tác tổ chức các giải đấu để đảm bảo các điều kiện tác nghiệp của AVG”.

Với những diễn biến trong một tuần vừa qua, xem ra “nút thắt” câu chuyện bản quyền truyền hình đang được các bên đẩy tới đỉnh điểm và không loại trừ khả năng câu chuyện sẽ không có một kết thúc có hậu mà dường như phần nắm đằng chuôi đang thuộc về AVG!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem