Toàn cảnh thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt

Chủ nhật, ngày 27/10/2013 12:45 PM (GMT+7)
Trong khi hầu hết CLB chuyên nghiệp đã hội quân chuẩn bị mùa bóng mới 2014 thì nhiều cầu thủ vẫn tất tả tìm kiếm cơ hội ra sân vào dịp cuối tuần.
Bình luận 0
Thời điểm các CLB tập trung được xem là mùa chuyển nhượng cầu thủ của bóng đá VN. Trước thềm V-League 2014, "bom tấn" của việc chuyển nhượng là trường hợp tiền vệ Trọng Hoàng từ SLNA về đầu quân cho B.Bình Dương với phí lót tay khoảng 7,5 tỉ đồng cho bản hợp đồng ba năm.

Trong khi đó, hầu hết "phi vụ" còn lại khá im ắng và gần như không có ai xô ngã được cột mốc phí lót tay với mức 1 tỉ đồng/năm - con số được cho là bèo bọt và gần như là không thể có ở đôi ba năm về trước.

img"Doanh nhân" Lưu Ngọc Hùng giới thiệu sản phẩm chống lão hóa với khách hàng - Ảnh: Sĩ Huyên


Qua rồi thời... cầu thủ tỉ phú

Vừa qua, Đồng Tâm Long An (ĐTLA) đã mua lại hợp đồng năm cuối của tiền đạo Việt Thắng từ B.Bình Dương với giá 700 triệu đồng. Việt Thắng cho biết: "Năm năm chơi cho V.Ninh Bình và B.Bình Dương, tôi có được 16 tỉ đồng trong tài khoản nhưng không hề mất một đồng "lại quả" vì các ông chủ tự tìm đến tôi để ký hợp đồng chứ không thông qua người môi giới. Nhưng vài năm trở lại đây, do kinh tế khó khăn nên nhiều CLB không còn cảnh "vung tay quá trán" trong việc chuyển nhượng. Về trường hợp của Trọng Hoàng, tôi cho rằng đó là mức giá chuyển nhượng hợp lý bởi anh ấy là cầu thủ giỏi, luôn "cháy" hết mình trên sân tập hoặc thi đấu...".

Khi XMXT Sài Gòn xóa tên cũng là lúc Tài Em hết hợp đồng (ba năm đến chơi ở XMXT Sài Gòn, Tài Em đút túi 7,5 tỉ đồng phí chuyển nhượng). Tuần trước, Tài Em ký hợp đồng ba năm với ĐTLA. Theo thông tin của Tuổi Trẻ, lương tháng của Tài Em chỉ còn 30 triệu đồng (mùa rồi lương tháng của anh 45-50 triệu), tiền lót tay không hơn 600 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, hai nhà vô địch Đông Nam Á 2008 là hậu vệ Việt Cường (XMXT Sài Gòn), tiền vệ Vũ Phong (B.Bình Dương) ngược ra miền Trung đầu quân cho SHB Đà Nẵng. Ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên, cả hai nhận được nhắn nhủ từ lãnh đạo CLB: "Nhà tài trợ chính của CLB khuyến cáo trong thời buổi khó khăn hiện nay, những bản hợp đồng chuyển nhượng có mức phí lót tay 1 tỉ đồng/năm với nội binh sẽ không bao giờ thành hiện thực...". Thấu hiểu thực tế, để có thể được thi đấu, Vũ Phong và Việt Cường chấp nhận ký hợp đồng mới với mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây.

Ngoài việc hạ giá chuyển nhượng, bầu Đệ (Thanh Hóa) cho biết: "Trong hợp đồng của CLB còn ràng buộc thêm quy định: CLB có quyền sa thải, không bồi hoàn hợp đồng nếu cầu thủ chơi dưới sức mình. Ngoài ra từ mùa này trở đi, Thanh Hóa chỉ ký hợp đồng với cầu thủ từng năm chứ không dài hạn như trước và phí lót tay cũng giảm đáng kể. Ngay ngôi sao của U-23 VN là tiền đạo Mạc Hồng Quân chỉ nhận được 500 triệu đồng khi tái ký hợp đồng thêm mùa nữa".

Vất vả tìm việc

Nhưng những cầu thủ nói trên vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác. Không tìm được bến đỗ sau khi rời V.Hải Phòng, cựu tuyển thủ Như Thành mở lời với SHB Đà Nẵng. Tuy nhiên HLV Lê Huỳnh Đức nói thẳng: "CLB không thiếu trung vệ...". Túng thế, Như Thành đành ngỏ lời xin được theo tập cùng SHB Đà Nẵng để duy trì thể lực, phong độ trong thời gian tìm bến đỗ mới. Thương đồng nghiệp, HLV Lê Huỳnh Đức đồng ý cùng lời hứa: Như Thành không cần phải bận tâm đến việc ăn ở khi theo tập cùng SHB Đà Nẵng từ ngày 15-10.

Rời TP.HCM sau khi XMXT Sài Gòn giải thể, trung vệ Phước Tứ về quê nhà Quảng Nam nhưng cũng không đạt được thỏa thuận với đội bóng quê nhà (tân binh hạng chuyên nghiệp). Đề nghị sang SHB Đà Nẵng cũng bất thành bởi CLB này không kham được phí chuyển nhượng 1 tỉ đồng/năm mà Phước Tứ đặt giá.

Không còn được B.Bình Dương trọng dụng, thủ môn Phan Văn Santos bắn tiếng qua nhiều nơi, thậm chí gọi điện thoại với lãnh đạo ĐTLA xin về làm trợ lý HLV thủ môn. Tuy nhiên dù một thời là công thần, góp công lớn đưa ĐTLA đoạt chức vô địch Giải hạng nhất, vô địch V-League... nhưng điều ấy cũng không giúp Santos tìm được chỗ làm ở CLB cũ.

V-League 2013 khép lại không bao lâu, sáu cầu thủ: Lưu Ngọc Hùng, Duy An, Hoàng Hà, Kiên Trung, Niệm Tiến, Công Thuận cùng ký đơn kêu cứu khẩn cấp nhờ luật sư gửi đến UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ VH-TT&DL, LĐBĐ VN (VFF) vào ngày 17-9 nhờ can thiệp về việc bị CLB Kienlongbank Kiên Giang thiếu nợ hơn 2,5 tỉ đồng tiền lương tháng 7, 8 và 50% phí chuyển nhượng.

Tuần trước, Kiên Trung và Niệm Tiến thoát cảnh thất nghiệp khi được Đồng Nai ký hợp đồng với mức 350 triệu đồng/người/năm. Công Thuận và Duy An đầu quân cho tân binh Hùng Vương An Giang với mức 400 triệu đồng/người/mùa. Trong khi Hoàng Hà vẫn ngày ngày ngược xuôi đi tìm nơi đầu quân.

Từ sân cỏ đến "doanh nhân" Lưu Ngọc Hùng

Kết thúc năm thứ ba Đại học Kỹ thuật công nghệ, hè năm 2003 nghe lời mời mọc của HLV Đặng Trần Chỉnh, sinh viên Lưu Ngọc Hùng (TP.HCM) bỏ ngang việc học để xỏ giày đi đá bóng chuyên nghiệp. Mười năm qua, anh lần lượt khoác áo Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn, Thể Công, V.Ninh Bình, Bình Dương, Đồng Tháp rồi Kiên Giang. Sáu lần thay đổi màu áo, những khoản tiền lót tay giúp trung vệ này có được số vốn kha khá.

Khi V-League 2013 kết thúc, sau khi cùng một số đồng đội gửi đơn khẩn cấp kêu cứu việc bị CLB nợ lương và tiền lót tay, biết đây là "khoản nợ khó đòi", trung vệ Lưu Ngọc Hùng tập tễnh với nghiệp kinh doanh qua vai trò nhà phân phối sản phẩm chống lão hóa. Thu nhập chưa bằng với lương đá bóng (bình quân mỗi tháng khoảng 18 triệu đồng) nhưng thay cho trang phục "quần đùi áo số" dưới nắng gió là bộ cánh lịch lãm, ngồi phòng máy lạnh tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

"Dù sướng hơn ngày trước do được đi đây đi đó và tiếp xúc với nhiều người trong việc kinh doanh nhưng tôi vẫn đau đáu khát vọng trở lại sân cỏ. Ở tuổi 33, tôi vẫn còn có thể chơi tốt đôi ba năm nữa mới tính đến việc treo giày. Chăm chỉ làm việc thì cũng đủ sức nuôi vợ, nuôi con. Nhưng xem ra tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác đang tất tả ngược xuôi thử việc ở các CLB. Máu mê đá bóng vẫn còn đó nên mỗi tuần tôi vẫn dành ít nhất ba buổi đi đá bóng với các đội phong trào để duy trì thể lực, phong độ rồi chờ xem có nơi nào cần thì mình ký hợp đồng đá tiếp. Không có trình độ học vấn và cũng không giỏi tính toán làm ăn nên rất nhiều cầu thủ hết sức gian nan tìm việc mưu sinh sau khi rời sân cỏ..." - Lưu Ngọc Hùng bộc bạch.

Phận chủ nợ

Sau khi xóa sổ vào ngày 31-12-2012, đội Navibank Sài Gòn được chuyển giao cho XMXT Sài Gòn, đổi lại CLB này sẽ trả cho Navibank Sài Gòn 14,2 tỉ đồng. Nhưng theo thông tin Tuổi Trẻ có được, Navibank Sài Gòn mới nhận được 10,5 tỉ đồng từ XMXT Sài Gòn. Do bị XMXT Sài Gòn nợ 3,7 tỉ đồng nên Navibank Sài Gòn phải nợ ngược lại HLV, cầu thủ. Trong số này, hai chủ nợ lớn nhất là HLV trưởng Phạm Công Lộc (xấp xỉ 500 triệu đồng) và trợ lý HLV Phùng Thanh Phương với hơn 200 triệu đồng.

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, nhiều chủ nợ than vãn: "Ai cũng hứa sẽ chi trả sòng phẳng cho chúng tôi. Nhưng trong bối cảnh hai CLB cùng tự xóa sổ, khoản nợ này chưa biết rồi sẽ ra sao. Thôi thì cứ đành ngóng trông và hi vọng bởi 10 tháng nay không được trả nợ, chúng tôi cũng có chết đói đâu mà lo...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem